19/01/2025 lúc 10:13 (GMT+7)
Breaking News

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới thịnh vượng

Theo trang seekingalpha.com (Israel) ngày 7/12, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, vượt xa các nước trong khu vực ASEAN, điều này mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư. Sự tăng trưởng được thúc đẩy nhờ nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghệ cao đến tài nguyên thiên nhiên và những mối quan hệ thương mại quan trọng, đặc biệt là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Điều này đã che khuất thị trường nội địa mạnh mẽ, được thúc đẩy nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nhân khẩu học thuận lợi. Có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam là hình mẫu thuyết phục đối với các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư vào thị trường mới nổi.

Không thể bỏ qua những lợi ích của nền kinh tế định hướng trong nước. Thay vì dựa vào các yếu tố bên ngoài như tình hình thị trường toàn cầu, nhu cầu nước ngoài và chính sách thương mại, nền kinh tế định hướng trong nước mang lại rất nhiều lợi ích cho những quốc gia dịch chuyển từ nền kinh tế chủ yếu định hướng xuất khẩu.

Những lợi ích này gồm: “Tính ổn định và khả năng chống chịu: Các nền kinh tế được thúc đẩy nhờ nhu cầu trong nước thường ổn định hơn vì ít bị ảnh hưởng trước các điều kiện thị trường quốc tế và căng thẳng chính trị; Cơ cấu kinh tế đa dạng: Các nền kinh tế định hướng trong nước thường đa dạng hơn so với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vốn dựa vào các mặt hàng xuất khẩu theo chu kỳ;  Độc lập với các yếu tố bên ngoài: Các nền kinh tế định hướng trong nước ít phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như nhu cầu nước ngoài, biến động tiền tệ, chính sách thương mại và giá cả hàng hóa; Tăng cường các ngành công nghiệp trong nước: Khi nhu cầu trong nước mạnh, các công ty trong nước cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ hơn, qua đó tăng cường sự đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh”.

Các nền kinh tế định hướng trong nước có một số điểm yếu như dễ bị tổn thương trước các chu kỳ kinh tế, mức độ đa dạng hóa hạn chế và dễ bị ảnh hưởng trước áp lực lạm phát. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đa dạng, cân bằng giữa tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Nhờ đó, Việt Nam vừa xuất khẩu mạnh vừa có cơ sở người tiêu dùng nội địa tăng.

Cơ hội sở hữu cổ phần đại chúng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, bất động sản và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong chỉ số MarketVector Vietnam Local Index, 10 cổ phiếu hàng đầu đều thuộc những lĩnh vực này và cũng phụ thuộc nhiều vào doanh thu trong nước. Điều này cũng củng cố thêm lập luận rằng nền kinh tế Việt Nam có nhu cầu nội địa mạnh.

Bất chấp những cú sốc vĩ mô bao gồm đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc, chứng khoán trong nước của Việt Nam vẫn tăng so với mặt bằng chung của các thị trường mới nổi kể từ năm 2018. Với những cải cách về cơ cấu kinh tế và thị trường của Việt Nam trong thập kỷ qua, các nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng cơ hội mới nổi này./.

Thông tấn xã Việt Nam

...