Mới đây, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) đã gửi công hàm thông báo ứng cử của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027 đến Liên hợp quốc và các quốc gia, chính thức khởi động chiến dịch vận động tái tranh cử của thành viên Việt Nam vào cơ quan pháp lý quan trọng của Liên hợp quốc.
Việc đại diện của Việt Nam tiếp tục ứng cử Ủy ban Luật pháp quốc tế là phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đó là hòa bình, hợp tác phát triển, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. (Ảnh: TTXVN phát)
Thắng lợi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Thành lập năm 1947, Ủy ban Luật pháp quốc tế có vai trò quan trọng trong pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật quốc tế. Cơ quan này có chức năng soạn thảo các văn bản thảo luận cho Đại hội đồng thông qua thành các điều ước quốc tế, xây dựng nguyên tắc, kiến tạo luật chơi chung, thúc đẩy hợp tác các quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, đóng góp vào sự tiến bộ nhân loại.
Năm 2015, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án lựa chọn ứng cử viên để ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021. Qua quá trình giới thiệu và lựa chọn, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao được đề cử làm ứng cử viên của Việt Nam vào Ủy ban này.
Ngày 3/11/2016, qua hệ thống bầu cử của Đại hội đồng Liên hợp quốc, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tại Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) cho nhiệm kỳ 2017-2021. Việt Nam tham gia vào Ủy ban Luật pháp quốc tế đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập cơ quan này và 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến chuyển rất mạnh, đòi hỏi vai trò cao hơn của luật quốc tế như phương tiện hữu hiệu bảo vệ công bằng, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới. Nhiệm kỳ đầu tiên của Việt Nam tại Ủy ban Luật pháp quốc tế từ năm 2017 đến năm 2021, song do dịch COVID-19 nên Đại hội đồng đã kéo dài nhiệm kỳ sang năm 2022. Nhiệm kỳ mới sẽ là 2023-2027.
Trong cuộc trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao có những hỗ trợ tích cực nhằm đảm bảo Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao có nhiệm kỳ thành công tại Ủy ban Luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công tác của Ủy ban này; góp phần thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nhằm tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Bộ Ngoại giao tin tưởng, trên cương vị thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao có những thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển ngành luật pháp quốc tế tại Việt Nam, trở thành đại diện xứng đáng cho Việt Nam tại các diễn đàn luật pháp quốc tế.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định, đây là thắng lợi của đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam, của Ngoại giao Việt Nam, của cộng đồng chuyên gia và luật gia nghiên cứu về luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm
Chia sẻ về những ngày đầu tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết, lần đầu tiên tham dự cơ quan chuyên môn về luật quy mô toàn cầu, nhưng do có sự chuẩn bị tích cực của cá nhân và Vụ Luật pháp - Điều ước quốc tế cũng như các bộ phận khác trong Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác, ông đã bắt kịp với nhịp độ làm việc của Ủy ban.
“Chúng ta đã chủ động phát huy vai trò trong việc thúc đẩy các kết quả nghiên cứu của Ủy ban Luật pháp quốc tế; tích cực phát biểu và tham gia thảo luận các chủ đề tại Ủy ban. Cụ thể, Việt Nam đã đề xuất đưa hàng loạt các thực tiễn và đóng góp lý luận từ thực tiễn trong nước, các nước đang phát triển vào các báo cáo của Ủy ban, góp phần bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của các nước đang phát triển và các nước nhỏ”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết.
Thảo luận đề tài Bảo vệ bầu khí quyển, thành viên Việt Nam đã đề xuất nên đưa đề tài các tác động của mực nước biển dâng và luật quốc tế. Đề tài này sau đó đã được Ủy ban VI của Đại hội đồng Liên hợp quốc, - Ủy ban có trách nhiệm thẩm tra, xem xét các vấn đề pháp lý trong Đại hội đồng, kiến nghị ra nghị quyết giao cho Nhóm nghiên cứu về nước biển dâng và Việt Nam đã đóng góp vào báo cáo khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được đánh giá cao.
Trong báo cáo xung đột vũ trang và bảo vệ môi trường, kế thừa quốc gia, tội ác chống nhân loại, các thực tiễn của Việt Nam như đấu tranh với chất độc da cam/dioxin, tòa án kết tội diệt chủng Khmer Đỏ đã được đưa vào kịp thời, phản ánh mối quan tâm của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, thành viên Việt Nam cùng một số thành viên khác chủ động đề xuất, triển khai cuộc họp bên lề các cuộc họp của Ủy ban VI với chủ đề "Hệ quả pháp lý của dịch bệnh: đánh giá 10 tháng qua", qua đó thể hiện sự nhạy bén và sát sao của thành viên Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý mới, không ngừng phát sinh trên thế giới và trong khu vực.
Cùng với phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã có những khuyến nghị với Liên hợp quốc cần sớm nghiên cứu, kiện toàn các quy định của luật quốc tế về phòng, chống dịch và đưa ra sáng kiến thông qua Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, để đoàn kết sức mạnh nhân loại trong phòng, chống dịch bệnh, bao gồm cả xây dựng và phát triển luật quốc tế trong lĩnh vực này. Sáng kiến này đã được Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và ngày 27/12 hằng năm là Ngày Phòng, chống dịch bệnh.
Thành viên Việt Nam còn đưa ra các nhận định thực chất, xác đáng đối với các chủ đề truyền thống là mối quan tâm của giới nghiên cứu nói chung, như quyền con người, quyền ưu đãi và miễn trừ của nhân viên nhà nước, áp dụng trước các điều ước quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Cùng với các đóng góp giá trị về chuyên môn, thành viên Việt Nam đã phát huy vai trò kết nối, xây đắp quan hệ giữa các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế nhằm tăng cường, thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu giữa giới nghiên cứu, thực hành luật quốc tế trong và ngoài nước. Trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban (2018), ứng cử viên của Việt Nam đã vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban.
Sẵn sàng khởi động cho chiến dịch tái tranh cử
Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã sẵn sàng khởi động cho chiến dịch tái tranh cử vào cơ quan luật pháp quốc tế quan trọng của Đại hội đồng.
Đến nay, khu vực Đông Nam Á mới có 4 nước có thành viên tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế là: Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines đã có nhiều nhiệm kỳ tham gia. Đối với Việt Nam, đây là lần thứ hai tranh cử. Việc tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Việc tham gia ứng cử của Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027 có những thuận lợi cơ bản là sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều nước cũng như kinh nghiệm, uy tín công tác của ứng viên Việt Nam - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, trong nhiệm kỳ 2017-2021.
Theo Bộ Ngoại giao, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam với 40 năm hoạt động, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế; có kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp thực tiễn, trong công tác ngoại giao, trong nghiên cứu, giảng dạy và kinh nghiệm làm việc tại Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Tốt nghiệp Tiến sỹ Luật tại Trường Paris I, Đại học Sorbonne, Pháp, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaysia từ 2011-2014 và tại Kuwait từ 2014-2017. Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao giữ vai trò cố vấn pháp lý cho các dự án luật quan trọng như Luật Biển, Luật Môi trường, là thành viên sáng lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Hội Luật quốc tế châu Á (AsianSIL); nghiên cứu và giảng dạy Luật quốc tế tại Học viện Ngoại giao.
Bên cạnh những thuận lợi, trong lần tranh cử này, ứng cử viên của Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với các ứng cử viên từ nhiều nước lớn, có truyền thống luật pháp và tiếng nói, uy tín trên trường quốc tế. Các ứng cử viên đều là các nhà chính khách cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp, Cố vấn pháp lý của các nước. Khu vực ASEAN có nữ ứng cử và sẽ có cơ hội được ưu tiên theo chính sách bình đẳng giới của Liên hợp quốc (sau 70 năm của Ủy ban Luật pháp quốc tế, Ủy ban này mới có 7 nữ thành viên). Cùng thời điểm này, Việt Nam đang vận động bầu cử cho nhiều diễn đàn khác nhau: Hội đồng nhân quyền, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, tham gia Ủy ban Thương mại quốc tế…
Chủ động trong xây dựng "luật chơi" quốc tế
Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc là cơ quan soạn thảo chính các văn bản, dự thảo Công ước quốc tế để Đại hội đồng họp thông qua. Các đóng góp của Ủy ban có thể kể đến như Công ước Luật biển Geneva 1968, Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969. Công ước Rome về Quy chế tòa án hình sự quốc tế 1998…
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, tham gia vào công việc của Ủy ban sẽ giúp bản thân ông và những người làm luật, nghiên cứu luật ở Việt Nam hiểu rõ hơn cách thức soạn thảo văn bản điều chỉnh những vấn đề lớn của thế giới, nâng cao vị thế đất nước. Việt Nam được tham gia trực tiếp vào cuộc chơi chung, là đại diện cho tiếng nói của các nước đang phát triển, nên sẽ được các nước khác tranh thủ và ủng hộ trên nhiều diễn đàn khác nhau.
Việt Nam cũng tiến kịp các nước trong khu vực và trở thành nước tầm trung về xây dựng và áp dụng luật quốc tế. Điều này sẽ tác động đến các diễn đàn ngoại giao khác.
Tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý, làm quen với môi trường làm việc của các cơ quan pháp luật quốc tế, đưa dần người Việt vào các tổ chức, các vị trí cao hơn, có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế, tham gia chủ động trong xây dựng "luật chơi" quốc tế; góp phần kết nối, trao đổi học thuật với các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam, thúc đẩy truyền bá và áp dụng luật quốc tế tại Việt Nam và khu vực, một công cụ quan trọng cho hội nhập và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, góp phần củng cố hòa bình, an ninh, thịnh vượng của thế giới và khu vực./.