Trong giai đoạn 2022 - 2025, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu: phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; đạt 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận…
Tính đến tháng 11/2023, Bắc Ninh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 63,4%) và 34 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 36,6%). Các sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm đồ lưu niệm và trang trí.
Bắc Ninh tận dụng lợi thế của từng địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP như: mây tre đan Xuân Hội, Đúc đồng Đại Bái, nem bùi Ninh Xá, tỏi An Thịnh, Măng tây xanh Gia Bình... Đặc sản Bắc Ninh đã đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước, được thị trường đón nhận, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những mục tiêu đã đề ra, tỉnh Bắc Ninh triển khai các hoạt động trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh nỗ lực xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn, cũng như sử dụng các sàn thương mại điện tử (TMĐT), kênh bán hàng trực tuyến hoặc qua sóng livestream để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giới thiệu, bán sản phẩm qua các ứng dụng TMĐT.
Việc tham gia các sàn TMĐT (ecombacninh.vn, Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart...) không chỉ giúp các chủ thể sản xuất quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu; mà còn giúp các chủ thể sản xuất tìm kiếm thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ. Từ đó, doanh nghiệp, hợp tác xã… có thể phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Điển hình tại đơn vị Kẹo lạc Trang Toàn (đơn vị có sản phẩm đạt 4 sao OCOP) đã được hướng dẫn cơ sở giới thiệu, bán sản phẩm qua ứng dụng TMĐT. Điều này giúp thương hiệu kẹo lạc Trang Toàn tiếp cận đông đảo khách hàng hơn trước, đặc biệt đơn hàng tăng cao vào dịp lễ Tết.
Đại diện chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh) nhận định, số lượng sản phẩm OCOP gia tăng qua từng năm. Tính hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng ngày càng cao; chủng loại sản phẩm đa dạng.
Tỉnh Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.
Tháng 10/2023, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Hơn 10 nhóm ngành hàng được ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; trong đó có các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP.
Theo nghị quyết này, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện (tối đa 100 triệu đồng/năm) cho việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu về thương hiệu; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức trung gian xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện (tối đa 600 triệu đồng/năm) với các nội dung: giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, các website thương mại điện tử; hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện (tối đa 500 triệu đồng/năm) tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) hàng năm…
Theo đó, trong thời gian đầu, tỉnh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại: làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh).
Hiện bên cạnh việc chú trọng vào các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh còn đẩy mạnh liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, Bắc Ninh đang triển khai “Đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh giai đoạn 2023 - 2025”. Khi đó du khách có thể trải nghiệm liền mạch cuộc sống làng nghề tại các điểm du lịch cộng đồng, thử làm ra sản phẩm nghề truyền thống như: gốm, tranh dân gian, nghi thức, lề lối hay thưởng thức, trình diễn quan họ làng Diềm.
Với việc triển khai đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa; mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.