VNHN - Ngày 14-7, theo tin từ Bộ Y tế và một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong những tuần nắng nóng gần đây. Nếu không chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh, nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể gây thành dịch lớn với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viên Nhi trung ương
Hơn 10.000 ca mắc tại 63 tỉnh, thành phố
Khi bệnh diễn biến đến ngày thứ tư, bé N.D.L (25 tháng tuổi, ở Hà Nội) mới được gia đình đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương). Thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy, vùng da đùi hai bên của bé nhiều mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm xét nghiệm công thức máu CRP và EV71. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé L mắc tay chân miệng độ 2A.
Nhập viện cùng phòng với bé L là bé B.N (8 tháng tuổi, ở Hà Nội). Gia đình cho biết, 4 ngày trước khi vào viện, bé N bỗng dưng nôn và đi ngoài nhiều. Hai hôm sau, khi thay quần áo cho bé, bố mẹ phát hiện chân và tay con nổi rất nhiều nốt phỏng. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho thấy, bé N mắc tay chân miệng mức độ 2A.
Tương tự, tại Bệnh viện E, những ngày nắng nóng bất thường vừa qua khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó có bệnh tay chân miệng. Tính trung bình mỗi ngày, Khoa Nội nhi tổng hợp của bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị từ 40-50 bệnh nhi. Riêng bệnh tay chân miệng, trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 10-15 trường hợp.
Cá biệt có ngày, khoa tiếp nhận cùng lúc 4 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc tay chân miệng cấp độ 2 với những biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng, như: Sốt cao không giảm, li bì...
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc tay chân miệng của cả nước giảm 55,6%; số trường hợp nhập viện giảm 51,5%.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh ghi nhận số ca mắc tay chân miệng gia tăng trong các tuần gần đây.
Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), tính từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Điều đáng nói, chỉ trong 2 tháng 6 và 7-2020, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), bệnh tay chân miệng (hand-foot-mouth disease) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Trung bình mỗi ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân, chủ yếu đến từ Hà Nội.
Dễ gây thành dịch nếu chủ quan...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, bệnh tay chân miệng có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu, như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, khi sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết bệnh còn biểu hiện ở các tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...
Bác sĩ Bệnh viện E chăm sóc cho trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, các bác sĩ thực hiện phân loại bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo 4 mức độ để đưa ra quyết định bệnh nhi có cần nhập viện điều trị hay không.
Cụ thể, nếu ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.
Còn khi bệnh ở mức độ 2, được phân chia thành 2 phân độ nhỏ: Độ 2A và độ 2B, khi đó trẻ bắt đầu có biến chứng thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Ở mức độ 3, bệnh có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, thở bất thường, xuất hiện rối loạn tri giác... Ở mức độ 4, bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
"Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, dịch bệnh này chắc chắn sẽ bùng phát. Tương tự như đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ mắc bệnh, nhiều trẻ bị di chứng bệnh rất nặng, có cháu bị di chứng thần kinh, bại não", bác sĩ Trương Văn Quý chia sẻ.
Thực hiện "3 sạch" phòng bệnh tay chân miệng
Ngày 13-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi Công văn khẩn số 583/DP-DT đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Mặt khác, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân...