Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, trong hơn 2 năm qua, mặc dù gặp khó khăn, thách thức chưa từng có, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch Covid -19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, Quảng Ninh đã kiên cường giữ vững địa bàn “An toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới” thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021). Đồng thời, chủ động chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn và giành được những kết quả tích cực bước đầu, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi nhanh chóng ngành du lịch.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục-đào tạo được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá.
Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước đột phá, nhiều năm dẫn đầu cả nước với các mô hình đổi mới hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), thu hút được nguồn lực ngoài nhà nước - nguồn động lực tạo đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển hạ tầng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt, thực hiện giảm nghèo bền vững, giảm nhanh khoảng cách phát triển giữa các tiểu vùng; giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; có cơ chế chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; xây dựng khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái-Đông Hưng tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế; cho phép Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được thực hiện mô hình hợp nhất, sáp nhập, kiêm nhiệm chức danh các cơ quan có chức năng tương đồng ở cấp huyện.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự vui mừng được về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tổng Bí thư khẳng định Quảng Ninh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có hơn 500 di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phòng trào “Vô sản hóa”, nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phòng trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách và bản lĩnh, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là những năm gần đây. Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía bắc.
Theo Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, hơn 10 năm qua, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng, nhất là trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội. Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cũng còn một số những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại cần khắc phục. Đó là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch không đạt mục tiêu đề ra; Nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai còn có mặt hạn chế; Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tuy đã được kiểm soát nhưng chưa vững chắc; Công tác thanh kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị chưa có nhiều chuyển biến, tiến bộ; Hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm trong ngành du lịch, dịch vụ còn khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Một số vấn đề, mâu thuẫn đã được phát hiện, nhận thức sâu sắc, từng bước giải quyết nhưng chưa được như mong muốn như giữa khai thác than, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn, giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quảng Ninh phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống và vị thế, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa và trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt. Phát triển nhưng phải bền vững, tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là đối với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh. Đặc biệt cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ then chốt bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tổng Bí thư yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, không chỉ đào tạo nguồn nhân lực mà còn phải đổi mới trong công tác giáo dục từ tư duy, nếp nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Gắn kết hài hòa phát triển đô thị và nông thôn, tỉnh cần hết sức chú trọng xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh, sạch và cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía bắc; chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Tổng Bí thư lưu ý Quảng Ninh đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo. Nắm và dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn quá trình vận động, phát triển, từ mong muốn, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh; Tổng Bí thư đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng nhớ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, trồng cây lưu niệm tại khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh.
Quang Thọ/Báo Nhân Dân