28/04/2024 lúc 20:23 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao tính phản biện xã hội của báo chí hiện nay

Ngày nay, việc tuyên truyền mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân thấu hiểu luôn luôn là một chức năng quan trọng, hàng đầu của báo chí cách mạng nước ta. Mặt khác, người dân ngày càng có nhu cầu cao hơn trong việc được hiểu một cách thực chất, thấu đáo qua phân tích của các chuyên gia thông qua sự truyền đạt từ báo chí.

Vì thế, cơ quan báo chí không chỉ tiếp nhận những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị một cách đơn thuần, mà còn cần có khả năng phân tích, phản biện xã hội để góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và các cơ quan quản lý có được những quan điểm, chủ trương, giải pháp chính xác, có hiệu quả cao nhất cho địa phương và đất nước. Vai trò đó của báo chí cần được nâng cao trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.

Ảnh minh hoạ  

Khái niệm về phản biện xã hội 

Thực ra có hai khai niệm hơi khác nhau về vấn đề phản biện xã hội liên quan đến báo chí. Đó là Phản biện xã hội của báo chí và Phản biện xã hội qua báo chí. Phản biện xã hội của báo chí có nghĩa là nói đến quan điểm, chính kiến của các cơ quan báo chí và phóng viên báo chí thông qua tác phẩm báo chí của mình mà thực hiện phản biện xã hội trước một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp nào đó đang diễn ra trong đời sống xã hội. Nghĩa là, chủ thể của sự phản biện ở đây thuộc về các cơ quan báo chí và nhà báo, với tính cách là một bộ phận của hệ thống các cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khi đó, báo chí không lấy việc phản ánh là chủ yếu mà là lên tiếng phản biện và chịu trách nhiệm về quan điểm, chính kiến của mình, nghĩa là chính kiến của cơ quan báo chí và nhà báo đóng vai trò chủ yếu trong trường hợp này. 

Thực hiện phản biện xã hội của báo chí nhằm mục đích góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đúng đắn, có giá trị trong thực tiễn đời sống và mang lại những thành quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  Điều đó cũng có nghĩa là, phản biện xã hội của báo chí là thông qua các tin bài, hình ảnh báo chí để xem xét, đánh giá, bình luận, có thể đồng tình hay không đồng tình ở mức độ khác nhau của phóng viên, tòa soạn về các giai đoạn của chính sách, từ dự thảo đến khi ban hành và quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, cơ quan báo chí thể hiện nội dung, hình thức phản biện và trình độ phản biện của báo chí. Thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí chính là sự kiểm chứng tính đúng đắn, tính tối ưu về sự phù hợp giữa chính sách với thực tiễn cuộc sống.

Còn Phản biện xã hội qua báo chí là những tác phẩm được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu... (gọi chung là cộng tác viên của báo chí) có những tin, bài viết góp ý, bình luận, tranh luận về các chính sách được báo chí đăng tải; làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng được xác lập rõ hơn trong đời sống xã hội; các tác phẩm báo chí ngày càng sâu sắc, đa dạng, nội dung phản biện xã hội nhiều màu sắc… 

Việc phân biệt giữa phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí là để làm rõ và sâu hơn về chủ thể và nội dung phản biện; làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng rõ nét hơn, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với xã hội. Sự kết hợp của hai cách tham gia phản biện như vậy sẽ vừa phát huy tốt vai trò của cơ quan báo chí và các nhà báo, vừa phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, sự hiểu biết sâu rộng của nhân dân trong quá trình đóng góp vào sự phát triển chung. 

Vai trò của báo chí trong phản biện xã hội

Về mặt chủ trương, ngay từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, vấn đề phát huy dân chủ trong việc lấy ý kiến của nhân dân xây dựng chính sách, pháp luật đã được xác định. Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”, “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”. 

Ở nước ta, hệ thống báo chí là những cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này đã được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây; góp phần tích cực trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, cũng như trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí cũng đóng vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất; phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng có kết quả hơn. 

Tuy nhiên, hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có những vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Đây là vấn đề cần phải được xử lý kiên quyết hơn nữa nhằm bảo vệ những cơ quan báo chí và những nhà báo hoạt động báo chí chân chính, đúng với đạo đức của người làm báo; đồng thời không gây oan sai, hậu quả khôn lường đối với những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật mà bị phản ánh sai. 

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí

-Vấn đề rất quan trọng là phải gắn việc nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí phản biện xã hội, với việc quan tâm đúng mức xây dựng, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận, có khả năng phân tích, bình luận chính sách cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội trên cơ sở nắm chắc cả về lý luận và thực tiễn. Có lẽ đây cũng là yếu tố nhiều cơ quan báo chí chưa đáp ứng được. Điều đó cũng đặt ra cho các cơ sở đào tạo, cho cơ quan báo chí những thách thức không nhỏ; rất cần sớm có chương trình, kế hoạch nhất quán về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận; nâng cao vai trò và sự coi trọng báo chí chính luận.

- Cần nâng cao và thống nhất nhận thức về vai trò, vị thế phản biện xã hội của báo chí, nhất là  trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội hiện nay. Bản thân cơ quan báo chí cũng cần nhận thức sâu hơn, chủ động thực hiện vai trò phản biện xã hội trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra; tránh bị động, đi sau… Thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội là báo chí giúp Đảng và Nhà nước “nối dài tầm tay”, là cầu nối giữa dân với Đảng và Nhà nước trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bởi vì, trước khi ban hành chính sách mới, Đảng và Nhà nước mong muốn ý kiến đóng góp đúng đắn của nhân dân, cũng có nghĩa là cần báo chí thực hiện phản biện xã hội. Còn khi chính sách đã ban hành, báo chí vào cuộc giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn,… và khi chính sách triển khai thực hiện, báo chí thực thi giám sát xã hội, bảo đảm cho chính sách đi vào cuộc sống, hướng trúng nhóm đối tượng của chính sách.

- Việc báo chí thực hiện phản biện xã hội cũng là cách thu hút sự quan tâm của xã hội nói riêng và nhân dân nói chung, nghĩa là báo chí sẽ có nhiều bạn đọc hơn và từ đó hiệu quả tuyên truyền chính trị đến phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí cũng có cơ hội được nâng lên. 

- Các cơ quan chức năng cần rà soát hệ thống pháp luật, nhất là những đạo luật liên quan đến thông tin trên mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật - công nghệ để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước sự lớn mạnh và chi phối của các tập đoàn truyền thông đa quốc gia trong hệ sinh thái truyền thông online toàn cầu; tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của báo chí chính thống và nâng cao vai trò của cơ quan báo chí trong phản biện xã hội đúng hướng./. 

Lưu Ánh

...