21/09/2024 lúc 09:48 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao chất lượng thẩm phán trong hoạt động xét xử vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay

Hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, chất lượng hoạt động xét xử có mối liên hệ mật thiết với chất lượng của đội ngũ thẩm phán, để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử thì nâng cao chất lượng đội ngũ của thẩm phán là yêu cầu khách quan và cần thiết trong điều kiện cải cách tư pháp ở nướ ta hiện nay.

Từ khóa: Chất lượng Thẩm phán, hoạt động xét xử, vụ án hình sự

Tóm tắt: Hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, chất lượng hoạt động xét xử có mối liên hệ mật thiết với chất lượng của đội ngũ thẩm phán, để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử thì nâng cao chất lượng đội ngũ của thẩm phán là yêu cầu khách quan và cần thiết trong điều kiện cải cách tư pháp ở nướ ta hiện nay.

Hoạt động xét xử án hình sự của Hội đồng xét xử là quá trình áp dụng pháp luật, đây là hoạt động đòi hỏi tính tư duy, khoa học, để hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của pháp luật đừa ra pháp quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng của bản án sẽ phụ thuộc vào chất lượng, kỹ năng trình độ pháp lý của hội đồng xét xử nói chung và bản thân các thẩm phán nói riêng. Trong tố tụng hình sự có thể nói rằn xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và cuối cùng, là trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự.

Quá trình hoạt động xét xử án hình sự Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, các văn bản pháp lý cơ liên quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ án như: Áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử; quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định đình chỉ vụ án; Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử. Khi một vụ án được đưa ra xét xử vị trí, vai trò của đội ngũ thẩm phán hết sức quan trọng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của thành viên hội đồng xét xử nói chung của của đội ngũ thẩm phán nói riêng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bản án, quyết định của tòa án.

Bởi vì, tại phiên tòa, hội đồng xét xử, thẩm phán phải xem xét một cách khách quan, toàn diện về thực chất vụ án kết hợp với kết quả thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều hành hoạt động tranh tụng công khai và dân chủ của giữa buộc tội và bào chữa, để phán xét các vấn đề tính chất có tội phạm hay không tội phạm của hành vi phạm tội; có tội tội hay không có tội của bị cáo; Trong trường hợp xét xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, đây là hoạt động thực hiện áp dụng pháp luật đòi hỏi thẩm phán phải có kỹ năng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao mới phát hiện được  bản án hay quyết định sơ thẩm đã được tuyên và chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo, kháng nghị; Hoạt động xét xử của thẩm phán còn có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm - nếu bản án hay quyết định đó bị kháng nghị, hàng loạt các nhiêm vụ của thẩm phán trong hoạt động xét xử để cuối cùng, tuyên bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bản án đảm bảo tính hợp pháp và tính hơp lý. Trước yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay, đòi hỏi mỗi một tòa án, mỗi thẩm phán phải nỗ lực hơn nữa trong hoạt động xét xử, theo báo cáo công tác xét xử của hệ thống tòa án các cấp số loại án hàng năm luôn có sự thay đổi và tăng, cụ thể: năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 287.067 vụ việc, đã giải quyết được 139.998 vụ việc (đạt tỷ lệ 48,77%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý giảm 26.788 vụ; đã giải quyết giảm 23.125 vụ; tỷ lệ giải quyết giảm 3,2%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra [1]; Năm 2023, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt 88,9%. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng nghị quyết của Quốc hội và tòa án đề ra. [2]

Ngoài những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động hoạt động xét xử giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Hoạt động xét xử tại phiên tòa đã đề cao vai trò tranh tụng theo hướng thực chất, hiệu quả. Đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật. Mặc dù đội ngũ thẩm phán còn chưa tương xứng với số lượng án hàng năm nhưng tỉ lệ án tồn đọng hàng năm đã giảm dần.

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành tòa án trong những năm qua, hoạt động xét xử của đội ngũ thẩm phán trong điều kiện cải cách tư pháp vấn còn có những khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất :Áp lực của đội ngũ thẩm phán trong hoạt động xét xử

Để trở thành một Thẩm phán đó là một quá trình phấn đấu nỗi lực của mỗi thẩm phán về trình độ năng lực chuyên môn, nghiệm vụ, để đào tạo được một Thẩm phán ít nhất phải 5 năm từ khi tốt nghiệp cử nhân luật. Thẩm phán là chức danh trong hệ thống Tòa án, Thẩm phán được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án và giải quyết những công việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Hiện nay, theo quy định tai Điều 66 của Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, thẩm phán Tòa án nhân dân ở nước ta, gồm có: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.

Thẩm phán là chức danh cao quý được pháp luật trao quyền nhân danh Nhà nước để thực hiện xét xử các vụ án, tranh chấp và đưa ra phán quyết đối với những hành vi vi phạm pháp luật, thẩm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự phán quyết của mình. Thẩm phán là chỗ dựa pháp lý vững chắc của công dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết... song đi đôi với niềm vinh dự thì Thẩm phán đang phải đối diện với những áp lực rất lớn với công việc xét xử, có rất nhiều áp lực cho đội ngũ thẩm phán ở nước ta hiện nay, đó là:

-Áp lực về chất lượng xét xử

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, các tòa án đã thụ lý hơn 369.000 vụ việc, đã giải quyết được hơn 199.000 vụ việc, đạt tỉ lệ 54%. So với cùng kỳ năm 2022, vụ việc đã thụ lý tăng hơn 24.000 vụ, đã giải quyết tăng hơn 7.100 vụ. Trong khi đó hệ thống tòa án nhân dân có 13.298 biên chế, gồm 6.398 thẩm phán, 6.584 thẩm tra viên, thư ký tòa án và tương đương, 316 chức danh khác [1]

Để giải quyết các vụ án, tùy thuộc vào lượng án ở mỗi địa phương nên số lượng vụ án mà mỗi thẩm phán phải đảm nhận có sự khác nhau, chẳng hạn như: ở tp Hồ Chí Minh, mỗi Thẩm phán TAND TPHCM thụ lý trung bình 10 vụ/tháng. Nếu tính số ngày làm việc thì mỗi Thẩm phán chỉ có khoảng 2 ngày để giải quyết xong một vụ án.

Như vây, với số lượng án hàng năm như trên, số lượng thẩm phán phải giải quyết vụ án lại nhiều, trong khi đó thời gian quá ít để cho thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, để chuẩn bị xét xử sẽ dẫn đến việc đánh giá toàn diện chứng cứ chưa được toàn diện có thể đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm ảng hưởng chất lượng xét xử. Từ án lực công việc như trên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, tỉ lệ án hàng năm bị hủy, bị sửa vẫn còn diễn ra ở các tòa, có không ít công chức ngành tòa án hàng năm bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, cụ thể: Theo báo cáo của tòa án nhân dân tối cao trong 6 tháng (từ tháng 10-2022 đến hết tháng 3-2023), đã có 22 công chức tòa án bị kỷ luật, gồm khiển trách 13 người, cảnh cáo 8 người, khai trừ Đảng 1 người.[2]

-Áp lực từ đương sự đối với Thẩm phán

 Việc phán quyết của Thẩm phán đối với vụ án sẽ chia làm 2 thái cực, bên thăng, bên thua; bên đi tu...đối với những vụ án hình sự, nhất là những vụ án phạm tội có tổ chức, Thẩm phán có thể bị đe dọa, bị trả thù đã tạo ra những chấn động tâm lý rất lớn đối với thẩm phán vì bản thân họ còn có gia đinh, người thân, trong khi đó chưa có quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế bảo vệ Thẩm phán và gia đình Thẩm phán để họ an tâm công tác. Có rất nhiều vụ án, thẩm phán bị đe họa đến tính mạng, sức khỏe, chẳng hạn như thực tế rất đau lòng của ngành tòa án có trường hợp như Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan, TAND quận Đống Đa vì xét xử một vụ án dân sự cho một bên thắng, và bên thua trong vụ tranh chấp đất đai đó đã hắt cả một ca axit và mặt Thẩm phán, 12 năm chữa trị, 41 lần phẫu thuật mà đến bây giờ gương mặt vẫn còn đang biến dạng.[3]

-Áp lực về thu nhập để duy trì cuộc sống bản thân và gia đình

Thẩm phán cũng như những người lao động ở các ngành nghề khác trong xã hội, thu nhập từ lương của thẩm phán cũng phục vụ cho duy trì cuộc sống gia đình, cũng như bao công chức khác thẩm phán cũng phải đối diện với áp lực cơm áo, gạo tiền. Theo hệ thống bảng lương cho công chức thì lương của mỗi Thẩm phán sơ cấp trung bình khoảng 6 triệu đồng, Thẩm phán trung cấp 8 triệu đồng và Thẩm phán cao cấp trên 10 triệu đồng. Với mức lương như trên đây là áp lực lớn cho đội ngũ Thẩm phán, không ít Thẩm phán phải bỏ nghề để ra làm những công việc khác. Giả sử nếu Thẩm phán không liên chính trong công tác xét xử thì hệ quả của việc bất công bằng trong xét xử, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng hoạt động chưa cao.

-Áp lực về bổ nhiệm lại thẩm phán

Được bổ nhiệm Thẩm phán là vinh dự nhưng sự vinh dự ấy luôn đè lên vai thẩm phán khi bổ nhiệm lại sau khi hết nhiệm kỳ. Hiện nay, áp lực thẩm phán phải chịu khi bổ nhiệm theo nhiệm kỳ rất lớn, trong tổ chức của tòa án nhiệm kỳ này là thẩm phán nhưng khi hết nhiệm kỳ do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, nếu tỉ lệ án hủy và án sửa vượt quá 1,5 % trong cả nhiệm kỳ thì tất nhiên sẽ không được bổ nhiệm lại, quy định này vừa trách nhiệm nhưng là áp lực rất lớn cho đội ngũ thẩm phán hiện nay.

Thứ hai, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thẩm phán

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng giải quyết các vụ án bị hủy, bị sửa, tỷ lệ án tồn hàng năm vẫn còn, là do thẩm phán phải giải quyết rất nhiều các loại vụ án trọng năm, trong khi đó số lượng thẩm phán của một số Toà án chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Do điều kiện lịch sử, dẫn đến trong một thời gian, điều kiện giáo dục đào tạo của chúng ta chưa đảm bảo nên có nhiều cán bộ, một số thẩm phán chưa được đào tạo chính quy cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các thẩm phán và chất lượng công tác xét xử; Trình độ nghiệp vụ của thẩm phán chưa đồng đều giữa các vùng miền; Một số thẩm phán chưa thực sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc chưa cao, chưa chú trọng đến học hỏi, trau dồi kinh nghiệm xét xử, kinh nghiệp nghiên cứu quá trình áp dụng pháp luật, kỹ năng cập nhật văn bản pháp luật chưa cao tốt, trong khi đó ngoài việc xét xử các vụ án hình sự, thẩm phán còn tham gia xét xử các vụ án hành chính, dân sự, kinh tế nên chưa có sự chuyên nghiệp đây là những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án không chính xác, bị sửa, hủy án.

Thứ ba, tính độc lập của thẩm pháp trong quá trình xét xử

Trong xu thế cải cách tư pháp hiện nay, mặc dù Pháp luật TTHS đã quy định cụ thể tính độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán luôn được đặt ra. Tuy nhiên, việc độc lập này trong thực tế cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì mối quan hệ trong xã hội rất đa dạng và phong phú, sự quen biết của bị can, bị cáo những người có liên quan trong vụ án với những người có chức vụ, quyền hạn trong xã hội ở địa phương dẫn đến thẩm phán có sự nể nang, e ngại va chạm, đây cũng là những nguyên nhân có thể làm cho sự phán quyết của thẩm phán  chưa thực sự công tâm đối với một số vụ án cụ thể. Bởi vì trên thực tế tính độc lập của Toà án chưa được đảm bảo, thẩm phán bị chi phôi bởi nhiều quan hệ như quan hệ với với cấp ủy, chính quyền địa phương, như: Liên quan đến vấn đề bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cần lấy ý kiến của cấp ủy đảng ở địa phương thẩm phán công tác, điều này sẽ tạo nên tâm lý lệ thuộc, hạn chế phần nào tính độc lập trong xét xử.

Thứ tư: công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa pháp lý cho đội ngũ thẩm phán

Đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân có vai trò rất quan trọng trong giải quyết và xét xử vụ loại án, hoạt động xét xử của đội ngũ Thẩm phán góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa pháp lý cho đội ngũ thẩm phán sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện phẩm chất nhân cách của mỗi con người trong xã hội pháp quyền, có đạo đức lối sống trong sáng trong thực thi công vụ. Hoạt động này là cơ sở, là tiền đề để củng cố, phát triển ý thức tự giác, thói quen chấp hành pháp luật và văn hóa ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ thẩm phán ngành Tòa án nói chung và của thẩm phán TAND nói riêng.

Thực tiễn hiện nay, còn không ít trường hợp thẩm phán không chịu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nên sa ngã trước cám dỗ về vật chất nhũng nhiễu để nhận hốì lộ để ra phán quyết chưa đúng quy định của pháp luật. Thêm nữa, lãnh đạo một số Toà án quan tâm chưa sâu sát đội ngũ thẩm phán, chưa làm tốt công tác quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối xống hoặc xử lý chưa nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Toà án. 

Từ thực tiễn trên để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của đội ngũ thẩm phán trong hoạt động xét xử vụ án hình sự ở  Việt Nam hiện nay, cần đồng bộ các giải pháp đó là:

Một là: đề cao công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cảu đội ngũ thẩm phán

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên… nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam”[4]. Đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là lực lượng nòng cốt để bảo vệ công lý, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, là nhân tố quan trọng để đảm bảo chất lượng hoạt động xét xử các vụ án.

Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ thẩm phán phải tương xứng với yêu cầu của xã hội là người cầm cân nẩy mực. Cho nên, đòi hỏi thẩm phán phải là những tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, kiến thức, năng lực, tác phong công tác. Vì vậy, lãnh đạo tòa án không ngừng đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm trao dồi tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ thẩm phán là việc làm phải thương xuyên liên tục, lãnh đạo tòa án cần sâu rát hơn trong công tác quản lý đội ngũ thẩm phán, thường xuyên nắm bắt tình diễn biến tâm lý của đôi ngũ thẩm phán để có hướng uốn nắn, xử lý kịp thời.

Hai là: Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp trong áp dụng pháp luật của đội ngũ thẩm phán

Hoạt động xét xử của Thẩm phán đòi hỏi một kỹ năng thực hành áp dụng pháp luật vào thực tiễn đòi hỏi độ chính sách tuyệt đối, vì hoạt động áp dụng pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, nên tính chín xác, tính đúng đắn luôn phải đặt lên hàng đầu, để thực hiện được nhiệm vụ này mỗi thẩm pháp cần thực hiện.

Mỗi một thẩm phán hơn ai hết cần xác định được học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là trách nhiệm đối với bản thân và công việc. Việc học tập chuyên môn nghiệp vụ từ đồng nghiệp, từ các cơ sở đào tạo luật, luôn cập nhật kiến thức pháp luật một cách thường xuyên, liên tục để đáp ứng nhiệm vụ được giao, có như vậy thẩm phán mới tư tin hơn trong hoạt động xét xử.

Đối với hoạt động chuyên môn, Thẩm phán nên xây dựng cho bản thân về những kế hoạch, kỹ năng cho hoạt động xét xử, chẳng hạn thực hiện kỹ năng: kiểm tra những người có mặt tại phiên tòa, kỹ năng giải thích quyền và nghĩa vụ của mỗi người tham gia vào quá trình tố tụng; Thực hiện tốt kỹ năng xét hỏi, để có cơ sở xét hỏi Thẩm phán sẽ đề nghị Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng để Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, thực hiện kỹ năng trong quá trình xét hỏi, thẩm phán thực hiện tốt kỹ năng điều khiển phiên tòa, từ hoạt động xét hỏi đến hoạt động tranh luận, hoạt động nghị án và hoạt động tuyên án. Tòa án các cấp luôn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử, kỹ năng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thường xuyên tổ chức các lớp về kỹ cập nhật các văn bản pháp luật mới để nâng cao trình độ, năng lực công tác; Thường xuyên kiểm tra để rút kinh nghiệm xét xử; chú trọng xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân phát sinh đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tiếp tục hoàn thiện quy chế pháp lý và tiến tới xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số”. Tiếp tục ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động của Tòa án nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động xét xử của Tòa án.

Ba: thực hiện tốt công tác cán bộ

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Thủa sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong điều kiện ngày nay công tác tuyển chọn cán bộ, đặc biệt là tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó lấy “cái đạođức làm gốc”. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ngày nay, công cuộc cải cách tư pháp ngày càng chú trọng đến công tác cán bộ, ban cán sự đảng tòa án nhân dân tối cao cần chú trọng hơn nữa về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán đảm bảo vừa hồng vừa chuyên, đảm bảo cán bộ công chức ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Hằng năm tòa án các cấp cần đẩy mạnh thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp; Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ và lựa chọn cán bộ có đủ trình độ và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, hết lòng, hết sức phụng sự công lý, phục vụ nhân dân để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của Tòa án nhân dân các cấp.

Trong công tác bổ nhiệm thẩm phán phải thực hiện đúng và trúng các quy định pháp luật về tiêu chuẩn thẩm phán, về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, nên tăng cường công tác bổ nhiệm thẩm phán từ nguồn cán bộ là thư ký, thẩm tra viên; sửa đổi, bổ sung quy chế về tuyển chọn nguồn thẩm phán để tuyển dụng từ các nguồn lực bên ngoài khi đủ các điều kiện cần thiết, tuyển chọ từ giảng viên từ các trường đào tạo luật, luật sư có như vậy mới tạo điều kiện nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ thẩm phán.

Xây dựng quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán phải công khai, minh bạch nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trình tự tuyển chọn thẩm phán từ giai đoạn tiến cử các ứng viên và các bước lấy ý kiến. Thực tế hiện nay, quy trình tiến cử ứng viên làm Thẩm phán là do Lãnh đạo Tòa án giới thiệu, vì thực tế như trên nên dẫn đến Thẩm phán khi được bổ nhiệm có mối quan hệ lệ thuộc vào Lãnh đạo Tòa án, ngoài ra,  để được bổ nhiệm thẩm phán phải có bản nhận xét của Lãnh đạo đơn vị, ý kiến của tập thể cơ quan nơi ứng viên công tác, quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán trong quá trình xét xử.

Cho nên, Tòa án nhân dân tối cao cần xây dựng lại tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm thật khoa học hơn trên tinh thần chọn được người tài, có tâm, có đạo đức trong sáng với nghề nghiệp.

Bốn là: Xây dựng cơ chế đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử

Hiến pháp 2013 và Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) năm 2015, quy định về tính độc lập của thẩm phán khi xét xử, có thể hiểu tính độc lập ở các phương diện sau: khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra, không phụ thuộc vào cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Khi xét xử vụ án Hội đồng xét xử không bị chi phối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân. Đảm bảo Khi xét xử, Tòa án không có cấp trên, pháp luật chính là cấp trên của Hội đồng xét xử, cần có cơ chế quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử. Để cơ chế đảm bảo tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cần sửa đổi một số quy định trong Luật Tố tụng hình sự cũng như Luật Tổ chức tòa án nhân dân, cụ thể: nên tổ chức hệ thống tòa án thành tòa án sơ thẩm khu vực, tòa án phúc thẩm, tòa án cấp cao và tòa án tối cao; tăng thời gian bổ nhiệm của thẩm phán lần đầu lên 12 năm, lần 2 bổ nhiệm suốt đời, và chức danh thẩm phán sẽ bị chấm dứt, không bổ nhiệm lại khi có vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Nên có cách tính khách quan số vụ án vướt quá % án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Năm là: Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ thẩm phán

Xuất phát điểm từ tính đặc thù của nghề nghiệp, áp lực công việc, áp lực xã hội, áp lực cuộc sống đối với cán bộ tòa án nối chung và của đội ngũ thẩm phán nói riêng nên cần có chính sách tiền lượng đặc thù cho thẩm phán cũng như một số ngành nghề khác đang thực hiện như quân đội, công an.

 Xây dựng một mức lương thỏa đáng sẽ tạo nên tính hấp dẫn của nghề Thẩm phán và cũng như sẽ thu hút được các luật sư và các chuyên gia pháp luật có năng lực. Cần có tầm nhìn chiến lược về đầu tư ngân sách để trả lương cho Thẩm phán không đủ nuôi sống bản thâm và còn cho gia đình họ sẽ mang lại lợi ích chiến lược và giá trị vô hình rất lớn, mặc dù điều đó khó có thể cân đo, đong, đếm được như những khoản đầu tư khác.

Thực hiện tốt công tác tiền lương sẽ tác động trực tiếp vào ý thức của thẩm phán luôn phải ý thức trách nhiệm với công việc là trách nhiệm với chính gia đình mình, có như vậy mới giải quyết được hậu họa từ việc phải lấy ngân sách nhà nước ra để bồi thường oan sai do hoạt động xét xử gây ra.

Từ phân tích trên cho thấy, Thẩm phán là một chức danh tư pháp, Thẩm phán thực hiện nghề nghiệp đặc biệt - nghề xét xử. Thẩm phán được nhân danh Nhà nước để định tội danh, hình phạt trong các vụ án hình sự, sự phán quyết của Thẩm phán sẽ ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân, của pháp nhân. Hoạt động này có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình TTHS hoạt động này có khả năng kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tố tụng như điều tra, kiểm sát, giám định tư pháp, bào chữa… nhằm đảm bảo đạt được mục đích chung của tố tụng hình sự.

Cho nên, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của thẩm phán là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Thiết nghĩ từ thực trạng hoạt động của đội ngũ Thẩm phán tòa án nhân dân hiện nay nếu đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oai sai, không để lọt tột phạm.

TS.Lê Văn Quyến- Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Phân viện Học viện hành chính quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh

 Tài liệu tham khảo

1.Báo cáo số 15/BC-TA ngày 15/3/2019 của Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ năm 2018 của các Tòa án thông qua công tác kiểm tra

2.https://www.tapchitoaan.vn/ Dấu ấn của hệ thống Tòa án năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

3. Hội thảo tòa án nhân dân tối cao 2021

4.Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

5.Hiến pháp năm 2013

6.Bộ luật tố tụng hình sự

7.Bộ luật hình sự

8.Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014

8. Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước

...