21/11/2024 lúc 20:50 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế

Tạp chí khoa học là công cụ, phương tiện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cổng thông tin quan trọng của một cơ sở giáo dục đại học. Từ đây, xã hội, giới khoa học có thể nhận biết, “định dạng”, đánh giá năng lực, uy tín, thương hiệu, sự kết nối của cơ sở giáo dục đại học với các cá nhân, đơn vị liên quan nói riêng và xã hội nói chung.

Theo các bảng xếp hạng đại học trên thế giới, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế của giảng viên và uy tín của tạp chí khoa học cũng là các tiêu chí rất cơ bản, có trọng số cao, để xếp hạng hàng năm các trường đại học.

Các ban biên tập tạp chí khoa học của Việt Nam đã có nhiều cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức. Nhưng để tiếp tục nâng cao chất lượng khoa học, các cơ quan chủ quản và bản thân các tạp chí còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt việc tích cực phấn đấu để từng bước đạt các chuẩn mực quốc tế là điều ngày càng trở nên cần thiết.

Ảnh minh họa - VNHN

I. Bức tranh thực trạng về các tạp chí khoa học Việt Nam hiện nay

Như chúng tôi đã thông tin trong “Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017”, trong năm 2017, có 387 tạp chí khoa học đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đưa vào danh mục tạp chí tính điểm công trình khoa học quy đổi. Hầu như các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu đều có tạp chí riêng. Cơ sở giáo dục đại học lớn có đến 2 hoặc 3 tạp chí khoa học, ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 3 tạp chí: Tạp chí Khoa học, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có hơn 10 tạp chí, hầu như các Viện chuyên ngành trực thuộc đều có tạp chí. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng tương tự như vậy. Có nhiều tạp chí khoa học ra đời từ rất sớm, như: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (tháng 6/1954), Tạp chí Y học Việt Nam (tháng 1955), Tạp chí Nghiên cứu Văn học (tháng 01/1960), Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp (1962), Acta Mathematica Vietnamica (1964), Vietnam Journal of Mathematics (1973). Nhiều tạp chí đã trở thành niềm tự hào của khoa học Việt Nam và các tác giả có bài được đăng trên đó. Đó là những tạp chí có uy tín, chất lượng cao, luôn cung cấp những thông tin, kiến giải, đề xuất khoa học hữu ích, góp phần cho sự phát triển của các khoa học chuyên ngành nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đây cũng là nguồn thông tin bổ ích cho thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiểu, nghiên cứu Việt Nam.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới, các tạp chí khoa học Việt Nam còn bộc lộ ít nhiều khiếm khuyết.

Trước khi nói tiếp về các tạp chí khoa học quốc gia, xin giới thiệu sơ đồ mô tả sự phân loại tạp chí khoa học theo ISI, chỉ số ISSN đối với tạp chí, ISBN đối với sách và mối quan hệ giữa ISI và Scopus:

ISI = 10.200; Scopus = 18.500; (ISI) ∩ (Scopus) » 70% của ISI » 7.000.

Mấy con số so sánh sơ bộ sau đây cho thấy mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng của các tạp chí khoa học hiện nay của Việt Nam còn khá thấp so với mặt bằng khu vực ASEAN và thế giới. Cho đến ngày 11 tháng 4 năm 2017 đã có 387 tạp chí khoa học Việt Nam được đưa vào danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN). Trong số đó mới chỉ có 6 tạp chí được vào danh sách Scopus ((i): Vietnam Journal of Mathematics của Hội Toán học Việt Nam và VHLKH&CNVN; (ii): Acta Mathematica Vietnamica của VHLKH&CNVN; (iii): Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) của VHLKH&CNVN; (iv): Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices – JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Nhà Xuất bản Elsevier; (v): Tạp chí Biomedical Research and Therapy (ISSN: 21984093) (tạp chí này đã vào Web of Science/ESCI từ năm 2016) của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; (vi): Tạp chí Progress in Stem Cell (ISSN: 21994633) (https://www.elsevier.com/ /solutions/scopus/content) của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xin chúc mừng thành công của các tạp chí nói trên và xin chúc mừng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước mong muốn ngày càng có thêm nhiều tạp chí của Việt Nam có tên trong danh mục tạp chí của hệ thống ISI, Scopus.

Như vậy, trong số 387 tạp chí nói trên, Việt Nam mới chỉ có 6 (≈ 1,55%) tạp chí nằm trong danh sách Scopus, chưa có tạp chí nào nằm trong danh sách ISI và cũng chỉ có 35 tạp chí bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt-Anh (≈ 9,04%). Trong khi đó, theo thống kê của ACI (Asean Citation Index), đến hết năm 2016, số tạp chí khoa học thuộc ISI/Scopus của các nước Châu Á như sau: Trung Quốc 538, Nhật Bản 459, Singapore 101, Malaysia 69, Thailand 23, Philippines 21, Indonesia 12, Việt Nam 3. Toàn bộ khu vực ASEAN có 225 tạp chí thuộc ISI/Scopus, thì Việt Nam chỉ chiếm 3.

Từ năm 2016, đã có 2 tạp chí khoa học Kinh tế của Việt Nam có tên trong danh mục ACI (Asean Citation Index): Journal of Economics and Development của Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Journal of Economic Development của Trường Đại học Kinh tế TP HCM.

Qua đợt rà soát danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm công trình khoa học quy đổi của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước năm 2017, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau đây của các tạp chí khoa học Việt Nam:

Một là, số lượng tạp chí khoa học nhiều nhưng chất lượng còn thấp;

Hai là, tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền có nơi, có lúc còn lấn át tính phát hiện, phản biện, tranh luận khoa học;

Ba là, tính diễn đàn và tính hệ thống khoa học, tính chuyên ngành, liên ngành còn yếu. Tính dự báo về những vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội và những phân tích, luận giải sâu sắc về những vấn đề cần thiết, bức xúc của thực tại còn nhiều hạn chế;

Bốn là, phần lớn ban biên tập, người tham gia phản biện bài báo khoa học và đội ngũ tác giả đều thuộc đơn vị, chưa mở rộng sang các đơn vị khác. Số nhà khoa học nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia ban biên tập, tham gia phản biện các bài báo hoặc có bài viết trên các tạp chí khoa học Việt Nam còn rất hạn chế. Quy trình thẩm định bài báo cũng còn nhiều bất cập, chưa theo thông lệ quốc tế;

Năm là, hình thức của không ít tạp chí còn lạc hậu, chưa có những mặc định thông tin tối thiểu như thông lệ quốc tế đã có từ lâu; chẳng hạn chưa có tóm tắt bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh (summary/abstract), từ khóa (keywords), ngày tòa soạn nhận được bài báo (received), ngày phản biện đánh giá và sửa chữa (revised), ngày bài báo được duyệt đăng (accepted for publication), tài liệu tham khảo (references);

Sáu là, hệ thống tạp chí khoa học ở nước ta hầu hết là tạp chí công bố bằng tiếng Việt và được bao cấp về kinh phí.

Đến nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chí quốc gia, chưa có hệ thống đánh giá quốc gia và quy trình đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học theo hướng hội nhập quốc tế. Đúng như có nhà khoa học đã nhận xét: ở nước ta, công bố khoa học đang được sử dụng như là thước đo đánh giá các giảng viên, nhà khoa học và cơ sở giáo dục đại học trên nhiều lĩnh vực nhưng bản thân nó, ở đây là các tạp chí, lại chưa có các tiêu chí chuẩn mực làm thước đo!

II. Một số kinh nghiệm quốc tế về việc đánh giá và nâng cao chất lượng tạp chí khoa học

Hiện nay, tạp chí khoa học của các quốc gia phát triển đều hướng tới các chuẩn mực được nhiều người thừa nhận. Quan điểm được đa số các nhà khoa học thống nhất ý kiến: tạp chí gọi là tạp chí chuẩn công bố quốc tế hay tạp chí quốc tế là tạp chí được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ uy tín, bao gồm Thomson Reuteurs (Web of Science, mà trước kia thường gọi là ISI) và Scopus. Tuy nhiên, trên thực tế ở mỗi chuyên ngành, một số cơ sở dữ liệu riêng cũng được thành lập và được chấp nhận rộng rãi như Pubmed (chuyên ngành y sinh), Embase (chuyên ngành y sinh), ...

Web of Science là một sản phẩm của Thomson Reuters, công cụ mạnh và đầy đủ để tìm kiếm, theo dõi, đo lường và hợp tác trong khoa học. Trong đó, một số cơ sở dữ liệu được chọn lọc với những tạp chí có chất lượng (theo bộ tiêu chuẩn của Thomson Reuters) gọi là Web of Science Core Collection như:

- Science Citation Index Expanded (SCIE; từ năm 1975 đến nay),

- Scocial Sciences Citation Index (SSCI, từ năm 1975 đến nay),

- Arts & Humanities Citation Index (A&HCI, từ năm 1975 đến nay),

- Conference Proceedings Citation Index- Science (CPCI-S, từ năm 1990 đến nay),

- Conference Proceedings Citation Index- Social Science & Humanities (CPCI-SSH, từ năm 1990 đến nay),

- Emerging Sources Citation Index (ESCI, từ 2015 đến nay).

Tạp chí đạt bộ tiêu chuẩn của Web of Science (ISI) sẽ được liệt kê vào danh mục Master Journal List. Sau đó, tạp chí sẽ được chọn tiếp vào các cơ sở dữ liệu của của Web of Science Core Collection và/hay một số cơ sở dữ liệu liên kết với Web of Science khác như Biological Abstract, Zoological Record,...

Scopus cũng là một nguồn dữ liệu uy tín đối với các nghiên cứu khoa học. Đối với Scopus, các tạp chí mới liên tục được thẩm định để được đưa vào cơ sở dữ liệu. Nhằm đảm bảo chính sách, nội dung minh bạch và rộng mở, Hội đồng cố vấn, thẩm định nội dung của Scopus (Content Selection and Advisory Board - CSAB) được thành lập năm 2005, bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý thư viện chuyên ngành từ mọi ngành khoa học, vùng lãnh thổ. Chức năng chính của Hội đồng này là hỗ trợ ban lãnh đạo Scopus trong tuyển chọn, thẩm định nội dung và xây dựng chiến lược.

Trước tháng 10/2009, CSAB thẩm định các tạp chí khoa học dựa trên 3 tiêu chí sau: (i) Tạp chí khoa học phải có tiêu đề và tóm tắt bằng tiếng Anh (phần nội dung bài báo có thể là ngôn ngữ khác); (ii) Thời hạn xuất bản đúng như cam kết với tần suất phát hành tối thiểu một năm một số; (iii) Chất lượng tạp chí phải được đảm bảo dựa trên sự đánh giá về chất lượng và ảnh hưởng của tạp chí trong ngành bao gồm danh tiếng của nhà xuất bản, sự đa dạng về tác giả, thành viên hội đồng biên tập, mức độ nhận biết về tạp chí của các nhà biên tập có uy tín, tạp chí thực hiện các quy chuẩn kiểm soát về chất lượng (ví dụ, phản biện kín).

Kể từ tháng 10/2009, Scopus sử dụng hệ thống tính điểm STEP nhằm thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu chí chính sau đây:

1. Chính sách tạp chí (35% số điểm);

2. Nội dung (20% số điểm);

3. Mức độ được trích dẫn (25% số điểm);

4. Tính kịp thời, đúng kỳ hạn (10% số điểm);

5. Nội dung của tạp chí nằm trong hệ thống dữ liệu trực tuyến (10% số điểm).

Xin nói thêm về các tiêu chí trên:

Hiện nay, việc đánh giá tạp chí khoa học được thông qua nhiều kênh khác nhau như: cơ cấu, thành phần hội đồng biên tập, đội ngũ tác giả, các tham biến được tạo lập trên cơ sở số liệu thống kê trích dẫn, các thuộc tính của tạp chí với tư cách một xuất bản phẩm... Hàng năm, trên cơ sở các hồ sơ đăng ký được gửi tới, Thomson Reuters tiến hành khảo sát khoảng 2.000 tên tạp chí khoa học trên toàn thế giới, và qua đó, chọn 10-12% để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) của mình. Đây chính là hệ thống CSDL phản ánh uy tín của các tạp chí khoa học. Công việc này được tiến hành liên tục, và đã trở thành một truyền thống khoa học. Về cơ bản, các chuyên gia thực hiện việc đánh giá, xác lập các số liệu thống kê và lựa chọn tạp chí của Thomson Reuters đều được phân công trên nguyên tắc chuyên môn hóa với trình độ cao: Họ được đào tạo về chính các chuyên ngành/lĩnh vực khoa học được đề cập trong các tạp chí mà họ xử lý.

- Ngôn ngữ thể hiện và thông tin thư mục của các bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí. Thực tế đó cho thấy, các nhà khoa học sử dụng tiếng Anh để công bố các kết quả nghiên cứu của mình vẫn có nhiều cơ hội hơn trong việc giao lưu với các đồng nghiệp trên thế giới. Tuy không thể đòi hỏi bắt buộc là mọi công trình khoa học phải được thể hiện bằng tiếng Anh, song Thomson Reuters lại đòi hỏi các tạp chí khoa học ít nhất cần phải cung cấp đến các nhà khoa học trên toàn thế giới thông tin và tóm tắt nội dung công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh. Đây là một trong số điều kiện cần để tổ chức này cân nhắc, lựa chọn một tạp chí khoa học vào hệ thống các CSDL của mình. Cũng có thể nhận thấy, đây chỉ là một đòi hỏi ít nhiều mang tính chiếu lệ, bởi Thomson Reuters luôn đòi hỏi ở mỗi tạp chí khoa học về tính chất quốc tế đối với hội đồng biên tập cũng như đối với đội ngũ tác giả các bài nghiên cứu. Để đạt được các yêu cầu này, vô hình trung còn khó hơn là việc xuất bản được tạp chí bằng tiếng Anh.

- Tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập tạp chí. Nhiệm vụ chính của Hội đồng Biên tập tạp chí là xác định/định hướng các chủ đề nội dung khoa học sẽ được trao đổi và thẩm định tính khoa học đối với các công trình sẽ được công bố. Một tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, có tác động và vai trò quan trọng đối với cộng đồng khoa học trên thế giới cần phải được một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín thuộc những quốc gia khác nhau trực tiếp tham gia vào công việc xác định các chủ đề nội dung cần trao đổi cũng như thẩm định và đánh giá bản thảo các công trình nghiên cứu để có thể đủ cơ sở khoa học cho việc phổ biến rộng rãi. Các nhà khoa học này làm việc theo một quy trình thống nhất, thường là phản biện kín, để xác định các bản thảo gửi tới có hội đủ sự cần thiết và các điều kiện (tính khoa học? tính mới? mối liên quan với các công trình khác?...) xuất bản hay không. Thông thường các tạp chí có uy tín trên thế giới đều xây dựng, tổ chức và duy trì một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín tại nhiều cộng đồng khoa học khác nhau trên thế giới tham gia vào Hội đồng Biên tập.

- Tính đa dạng quốc tế của đội ngũ tác giả các công trình được công bố trên tạp chí. Việc một tạp chí khoa học (nhất là tại các nước đang phát triển) thường xuyên công bố công trình của các tác giả nước ngoài chứng tỏ tạp chí đó đã trở thành diễn đàn đối với các nhà khoa học ở nước ngoài, phạm vi ảnh hưởng của tạp chí đã vượt ra ngoài lãnh thổ của quốc gia đó. Mặt khác, cũng nhờ việc công bố các công trình khoa học của các tác giả nước ngoài mà cơ hội tiếp nhận những thông tin và thành tựu nghiên cứu mới, quá trình giao lưu khoa học trên phạm vi khu vực và quốc tế đối với các nhà khoa học bản địa trở nên sâu sắc và bền vững hơn.

Cần lưu ý là việc công bố các công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài thông qua bản dịch mà Ban biên tập tạp chí chủ động đề xuất có sự khác biệt căn bản so với việc một nhà khoa học nước ngoài chủ động liên hệ và thường xuyên gửi bài đăng trên tạp chí. Trong trường hợp đầu, mới chỉ có thể kết luận: Tạp chí đã cố gắng để cung cấp cho giới khoa học trong nước các thành tựu nghiên cứu của nước ngoài. Đối với trường hợp sau, ngoài kết luận trên, còn có cơ sở để khẳng định: tạp chí đã trở thành diễn đàn của giới khoa học trên thế giới.

Hai yếu tố: Tính đa dạng quốc tế của Hội đồng Biên tập và tính đa dạng quốc tế của đội ngũ tác giả là vô cùng quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng khoa học của các công trình được công bố và do đó, chất lượng khoa học của tạp chí.

- Số liệu về thông tin trích dẫn của tạp chí. Một tạp chí được trích dẫn nhiều lần luôn được đánh giá là có chất lượng và uy tín cao. Bởi vậy các thống kê về số lượt trích dẫn đến tạp chí (tạm gọi là số lượt trích dẫn) là tham biến quan trọng: Số liệu này được Thomson Reuters sử dụng theo nguyên tắc từ cao xuống thấp, để lựa chọn và xếp hạng tạp chí và để cập nhật các tạp chí mới và biên soạn Journal Citation Reports. Cần phân biệt hai bộ phận cấu thành số lượt trích dẫn nói chung: số lượt mà các tạp chí, nguồn tin khác trích dẫn đến (số lượt trích dẫn bên ngoài) và số lượt mà bản thân tạp chí đó trích dẫn đến chính mình (số lượt tự trích dẫn). Thomson Reuters cũng đưa ra quan điểm đánh giá về quan hệ giữa số lượt trích dẫn bên ngoài và số lượt tự trích dẫn của các tạp chí: thông thường số lượt tự trích dẫn của các tạp chí không nên vượt quá 20% tổng số lượt trích dẫn.

Đối với các tạp chí mới hay các tạp chí có các chủ đề nội dung mới, các tạp chí mà chủ đề của nói mang tính khu vực thì số lượt tự trích dẫn cao vẫn có thể được xem là hợp lý vì số lượng các tạp chí có liên quan về nội dung tới tạp chí đó là ít, thậm chí rất ít.

- Các loại chỉ số phản ánh tác động, ảnh hưởng của tạp chí đối với cộng đồng khoa học và sự phát triển khoa học. Như đã nêu ở trên, thuộc nhóm này mà ISI sử dụng là Impact Factor – IF, Journal Immediacy Index (JImI), Cited Half-Life... là các tham số để xếp hạng, đánh giá, phân loại, và so sánh các tạp chí.

III. Một số đề xuất

Để nâng cao chất lượng tạp chí khoa học theo hướng hội nhập quốc tế, chúng tôi đề xuất:

- Một là, Tạp chí của Quý đơn vị tham gia vào hệ thống VCI (Vietnam Citation Index). Hiện nay, VCI đã hoàn thiện hệ thống để sẵn sàng cập nhật database của các tạp chí. Đây là cơ sở để tiếp đó gia nhập vào hệ thống ACI và các hệ thống khác trong khu vực và trên thế giới;

- Hai là, cải tiến, đổi mới tạp chí theo các chuẩn của VCI;

- Ba là, khẩn trương có số riêng bằng tiếng Anh cho các số chuyên ngành, liên ngành;

- Bốn là, có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là chiến lược phát triển đội ngũ Tiến sĩ, GS, PGS. Chú trọng hơn nữa về việc phát triển năng lực tiếng Anh đối với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên;

- Năm là, có chiến lược liên kết xuất bản tạp chí khoa học, liên kết đội ngũ với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong nước và với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

IV. Kết luận

Việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Quý đơn vị đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế đã thành đòi hỏi bức thiết hiện nay, đánh dấu thêm về sự phát triển của nhà trường.

Một cơ sở giáo dục đại học mạnh là cơ sở giáo dục luôn biết vượt lên, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay.

Để kết luận, xin dẫn danh ngôn của William Arthur Ward (1921 – 30/3/1994) là nhà giáo dục người Mỹ, tác giả cuốn Fountains of Faith - Suối nguồn Niềm tin. Ông là một trong những tác gia được trích dẫn nhiều nhất của Mỹ về những câu nói truyền cảm hứng. Ông là một trong những người viết được trích dẫn nhiều nhất trong các trang của quốc tế, tờ tuần san quốc tế cho các nhà hùng biện.

Bốn bước dẫn tới thành tựu:

”Lên kế hoạch có mục đích.

Chuẩn bị chuyên tâm.

Tiến hành tích cực.

Theo đuổi bền bỉ”

Trần Văn Nhung, Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Đức Huy

Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

______________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Phạm Duy Hiển, A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam, High Educ., (Springer), Vol. 60, p. 615–626, 2010.Phạm Duy Hiển, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Đức Chính, thông qua các đường link:

http://vietsciences.free.fr/khaocuu/congtrinhkhoahoc/khoahocvadaihocvn.htm); http://www.ykhoanet.com/binhluan/nguyenvantuan/071229_nguyenvantuan–nguyendinhnguyen_chatluong–nckh–vietnam.htm); http://www.pnas.org/cgi/content/abstract/102/46/16569,

Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguồn thông tin từ Trung tâm ISSN Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông.http://www.tudiendanhngon.vn/tabid/88/itemid/9805/search/william-arthur-ward/default.aspx

...