22/01/2025 lúc 17:10 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vai trò, vị thế của đô thị và đô thị hóa trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW, việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, cần được ưu tiên.
Ảnh minh họa - Internet

Đô thị là khu vực định cư của con người. Dự báo đến năm 2035, khu vực đô thị sẽ là nơi lựa chọn định cư của 2/3 dân số thế giới. Quá trình đô thị hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lược sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách bài bản, bảo đảm tổ chức không gian phát triển, dự trữ và bảo tồn hợp lý, tạo ra không gian sống chất lượng cao và hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái. Quản lý phát triển đô thị song hành cùng quy hoạch đô thị để quản lý, đánh giá quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như quản lý các vấn đề đô thị khác, như quản lý nguồn lực phát triển đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác và thiết lập văn minh đô thị hiệu quả. Quy hoạch và quản lý đô thị kém hiệu quả sẽ làm gia tăng những vấn đề của đô thị, như giao thông tắc nghẽn, sự quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng, thiếu nhà ở và những vấn đề bất bình đẳng xã hội khác...

Thực trạng công tác quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua

Những mặt đạt được

Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo của địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, từng bước bảo đảm việc quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.

Công tác quản lý đô thị được thực hiện bài bản hơn, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch các ngành, giữa các cấp độ (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết), trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ngắn và dài hạn. Đến nay, hầu hết các đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch phân khu tại 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 19 đô thị loại I đạt khoảng 70% - 90%; tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40% - 50%. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết được lập đạt khoảng 38%. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với những chủ trương, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước; bảo đảm phục vụ lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quốc phòng và an ninh; thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai tại đô thị; góp phần tạo lập không gian đô thị khang trang, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Phương pháp tiếp cận quy hoạch và công tác nghiên cứu thể chế, pháp luật hoàn thiện, công tác quản lý phát triển đô thị cũng liên tục được cập nhật, đổi mới để tiến đến phù hợp hơn với thực tế và nhu cầu phát triển đô thị.

Phát triển đô thị đã hình thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều tại 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đến tháng 6-2021, hệ thống đô thị đã có 870 đô thị, gồm: 2 loại đặc biệt; 22 loại I; 32 loại II; 48 loại III; 90 loại IV và 676 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa (tính theo phường và thị trấn) của cả nước đạt khoảng 40,5%. Hệ thống đô thị bước đầu hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo lớn cấp quốc gia, cấp khu vực. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm theo hướng đồng bộ, đã và đang cung cấp chất lượng cuộc sống cao cho cư dân đô thị. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của đô thị trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện cuộc sống cộng đồng.

Ở Trung ương, văn bản pháp luật và các chính sách để thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thường xuyên được rà soát, nghiên cứu, cập nhật để hoàn thiện và tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác; rà soát, sửa đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công tác quy hoạch đô thị nhằm phù hợp với thực tiễn quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 1-3-2019, “Về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt”; Quyết định số 1398/QĐ-TTg, ngày 16-10-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng”; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 6-12-2019, “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”.

Triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14-10-2015, của Chính phủ, “Về Chính phủ điện tử” và đôn đốc các địa phương trong thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-TTg, Quyết định số 1398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã có các văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng để công khai thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đến nay, có khoảng 1.500 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia. 

Ở địa phương nhìn chung, dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã có nhiều bước tiến mới. Nhiều đồ án quy hoạch chung có sự tham gia của tư vấn quốc tế nên chất lượng quy hoạch được nâng lên, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển đô thị. Trong giai đoạn 2011 - 2020, các đô thị đều chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Công tác duy tu, cải tạo, tái thiết từng bước được tăng cường. Việc cấp giấy phép cho các hoạt động xây dựng, sửa chữa để nâng cấp vỉa hè, lòng đường, xây dựng công trình hạ tầng đô thị, chiếu sáng, tạo dựng cảnh quan, trồng thêm cây xanh đường phố, công viên, quảng trường đã được các chính quyền đô thị quan tâm.

Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị còn một số hạn chế. Ở cấp Trung ương, công tác lý luận, phương pháp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của đô thị hóa; hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở,... còn chưa thống nhất, đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung; pháp luật và các công cụ quản lý phát triển đô thị còn thiếu; công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả.

Ở cấp địa phương, nhìn chung, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi; quy hoạch thiếu gắn kết các chương trình dự án đầu tư, xây dựng công trình và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiếu nội dung thiết kế đô thị; quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch chưa công khai, kịp thời, thường xuyên và rộng rãi; cấp giấy phép xây dựng đạt hiệu quả chưa cao, còn tình trạng không phù hợp về chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất, tầng cao; chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm còn hạn chế, thiếu tính răn đe, chưa kịp thời và triệt để; chính quyền đô thị chưa chủ động ban hành các văn bản điều hành, chuyển hóa các nội dung quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển đô thị phù hợp từng thời kỳ; trình độ, năng lực cán bộ quản lý đô thị, tư vấn còn hạn chế; chưa có cơ chế thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch tại địa phương, nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch đô thị còn hạn chế; thông tin, dữ liệu, số liệu còn thiếu, rời rạc, chưa được hệ thống hóa, số hóa để áp dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác đánh giá thực trạng, nhu cầu, dự báo phát triển trong lập, thẩm định quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; việc lấy ý kiến cộng đồng về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong quy hoạch đô thị, xây dựng môi trường sống và phát triển đô thị.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW không chỉ đưa ra những quan điểm về phát triển đô thị mà còn đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong bối cảnh mới. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn tới là: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phấn đấu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Xây dựng được 3 đến 5 đô thị có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030. Những mục tiêu này có liên quan mật thiết đối với nhiệm vụ đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng, tạo sự thay đổi, đột phá toàn diện quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trên, việc nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân được xác định là việc làm cần được ưu tiên. Nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị không chỉ trên cơ sở minh bạch về thể chế, phương pháp tiếp cận, thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị mà còn cần khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các thành phần cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ, phát huy sáng kiến xây dựng phát triển đô thị, đặc biệt ở các quy trình lập, thẩm định quy hoạch, đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trên địa bàn đô thị và tạo nguồn lực phát triển đô thị. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp:

Một là, hoàn thiện thể chế thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về phát triển đô thị với pháp luật về các lĩnh vực khác. Các nguyên tắc quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị cần được bảo đảm đi trước một bước, triển khai công khai, minh bạch.

Ở cấp Trung ương, cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị. Hoàn thiện các công cụ kiểm soát phát triển đô thị, xác định rõ hơn trách nhiệm, nội dung quản lý, mối quan hệ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, thông thoáng, thuận tiện cho người dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong việc lập và kiểm soát các khâu của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, nhất là các khâu tổng hợp và xử lý, phản hồi ý kiến đóng góp của các tổ chức, cộng đồng, người dân trong công tác lập, quy hoạch và khâu điều chỉnh quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, bảo đảm quy trình về công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch.

Ban hành thể chế, chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện, lập các khu vực phát triển đô thị, các ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định. Lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm các quy chế kiểm soát nhà cao tầng trong các quận nội đô tại thành phố trực thuộc Trung ương. Cân đối nguồn lực, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư 5 năm và hằng năm để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong từng khu đô thị, từng dự án nhà ở. Đặc biệt, chú ý đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung bảo đảm sự kết nối về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thiết yếu trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các địa phương lân cận.

Hai là, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị”; đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, có hiệu lực từ ngày 5-7-2021, xây dựng các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, giảm thải khí CO2 và phát triển bền vững. Để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, cần có sự tập trung nguồn lực thích đáng về nhân lực, vật lực, gắn kết quy hoạch với nguồn lực thực hiện. Quy hoạch chung đô thị bảo đảm tính định hướng cao trong chiến lược xây dựng phát triển và quản lý đô thị. Quy hoạch phân khu làm rõ phân khu chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất, danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư và đưa ra các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư. Quy hoạch chi tiết xây dựng được thành lập trên cơ sở điều tra, đánh giá đầy đủ hiện trạng sử dụng đất và được xây dựng trên nền bản đồ địa chính để bảo đảm các dự án được phân chia phù hợp với phân khu chức năng trong đồ án quy hoạch chi tiết đó.

Nhân lực thực hiện công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị hiện nay đã và đang là vấn đề cần được quan tâm để tăng cường chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa. Các địa phương đặc biệt là các chính quyền đô thị cần chủ động xây chương trình và kế hoạch thu hút các nguồn vốn nhằm động viên, khuyến khích cán bộ quản lý chất lượng cao; đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vai trò chung tay xây dựng phát triển đô thị.

Ba là, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, bám sát các quy định của Luật Kiến trúc.

Quy chế quản lý kiến trúc đưa ra quy định cụ thể trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của chính quyền các cấp và kiểm soát việc xây dựng đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, khai thác, sử dụng công trình mới, công trình cải tạo đô thị trên địa bàn cả nước. Thông qua quy chế quản lý kiến trúc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm hành chính về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị tại địa phương và giúp kiểm soát việc xây dựng mới, chỉnh trang phát triển toàn đô thị. Theo Luật Kiến trúc, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị) trước ngày có hiệu lực thi hành của Luật Kiến trúc sẽ chỉ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31-12-2021. Do vậy, các địa phương cần rà soát, bảo đảm ban hành quy chế kiến trúc trên địa bàn theo quy định, trong đó lưu ý làm rõ quy định đối với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt và xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch những nơi chưa có quy hoạch, khu vực cần điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị; xác định trách nhiệm của chính quyền đô thị và cơ quan chuyên môn liên quan trong tổ chức, chỉ đạo, theo dõi, thực hiện quy hoạch đô thị, xác định các khu vực, tuyến phố ưu tiên chỉnh trang và những quy định khác làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng.

Bốn là, nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, giám sát đầu tư phát triển đô thị.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, phương pháp quy hoạch và quản lý đô thị đã ngày càng được đổi mới, hoàn thiện để thực hiện tối ưu vai trò định hướng và quản lý, thúc đẩy hợp tác chung giữa các đối tác sống, làm việc trong không gian đô thị, bảo đảm sự hài hòa, cân bằng quyền lợi, lợi ích giữa các đối tác; đồng thời, gia tăng cơ hội phát triển và tận dụng nguồn lực của xã hội trong việc xây dựng, kiến tạo và quản lý môi trường sống, môi trường làm việc chất lượng cao cho tất cả mọi người.

Lấy ý kiến cộng đồng là một nội dung quan trọng bắt buộc phải thực hiện có chất lượng hơn trong các đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng, cũng như trong các quyết định lựa chọn và đưa vào chương trình ưu tiên đầu tư phát triển đô thị. Việc lấy ý kiến cộng đồng cần hướng đến khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng, giám sát và thực thi các đồ án quy hoạch, mang lại lợi ích thiết thực cho cả nhà quản lý, hoạch định chính sách và người dân - những người sống, làm việc và hưởng thụ chất lượng không gian đô thị. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của mình đối với không gian sống của cộng đồng nói riêng và không gian đô thị nói chung mà còn giúp tận dụng các nguồn lực từ xã hội, khuyến khích các sáng kiến mới, cách làm và hạn chế những xung đột trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị, hạn chế các ảnh hưởng lớn đến cộng đồng về kế sinh nhai, môi trường sống, việc làm, đồng thời giảm tác động đến các mặt môi trường tự nhiên, xã hội, tiếng ồn, phát sinh nguồn bệnh cho người dân đô thị,... Cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để cộng đồng được tham gia, đóng góp trong quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, minh bạch rõ ràng, nhất là khâu tổng hợp và xử lý ý kiến đóng góp của các tổ chức, cộng đồng, người dân. Sự tham gia của cộng đồng sẽ được khuyến khích và nâng cao chất lượng khi có thể xây dựng niềm tin cho cộng đồng về năng lực, vai trò, trách nhiệm và công nhận sự đóng góp của họ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đô thị. Do vậy, các địa phương cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, chú trọng tăng cường cơ chế giám sát dựa vào nhân dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị; thúc đẩy sáng kiến, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy hoạch và phát triển đô thị để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Năm là, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đô thị. Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phục vụ quy hoạch và quản lý phát triển đô thị minh bạch.

Cơ sở dữ liệu về quy hoạch, đô thị của quốc gia và của các đô thị có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh và xu hướng phát triển đô thị thông minh với nền tảng là quy hoạch thông minh và quản lý phát triển đô thị thông minh hiện nay. Cơ sở dữ liệu là nền tảng để giúp chính quyền ở đô thị nhanh chóng “học” và hiểu các vấn đề đô thị một cách có hệ thống, khoa học và từ đó phục vụ tốt nhất cho quá trình ra quyết định thông qua ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn như hệ thống GIS. Liên thông dữ liệu đô thị với dữ liệu đô thị quốc gia, dữ liệu đất đai giúp cung cấp quản lý thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác dự báo, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng hệ thống GIS giúp quản lý tập trung các thông tin quy hoạch, tạo môi trường đơn giản, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng các thông tin quy hoạch cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác trong quá trình phát triển đô thị nhờ vào giao diện trực quan, sinh động; phục vụ nhanh chóng các nhu cầu về khai thác thông tin, tin học hóa quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện, đánh giá, ra quyết định trong quản lý phát triển đô thị. Nền tảng hệ thống GIS và các nền tảng kỹ thuật khác giúp cung cấp thông tin đa chiều, hỗ trợ việc ra quyết định cho lãnh đạo trong khi giúp cơ quan, đơn vị quản lý quy hoạch hệ thống hóa thông tin, quản lý cập nhật dữ liệu, khai thác dữ liệu theo yêu cầu nghiệp vụ một cách bài bản, khoa học. Với các đơn vị nhà đầu tư, các nền tảng công nghệ liên thông dữ liệu và phân tích dữ liệu cũng giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin và cập nhật, tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng, thông tin về khu vực ở hoặc khu đất dự kiến sẽ đầu tư hoặc biết được trạng thái xây dựng riêng của từng lô đất.

Sáu là, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch và phát triển đô thị cho các địa phương.

Tại địa phương, chính quyền đô thị cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương và địa phương, quán triệt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên địa bàn để nâng cao chất lượng quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới; đẩy mạnh cơ chế tự quản cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị; thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quy hoạch phải bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng,... để khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu.

TS Nguyễn Thanh Nghị 

Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng 

...