06/05/2024 lúc 06:16 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Tích cực triển khai các biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi

​​​​​​​VNHN – Là 1 trong 23 tỉnh/thành phố trong cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Nam Định đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch gây ra.

VNHN – Là 1 trong 23 tỉnh/thành phố trong cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Nam Định đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch gây ra.

Từ ngày 08/3/2019 đến ngày 28/3/2019, trên địa bàn tỉnh Nam Định, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 98 hộ chăn nuôi (13 hộ xét nghiệm dương ticnhs và 85 hộ xung quanh ổ dịch). Tổng số lợn chết, tiêu hủy là 662 con; Tổng trọng lượng tiêu hủy là 30.440 kg.

Ngay trước khi dịch xuất hiện trên địa bàn, các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngày 01/02/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, chỉ đạo về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2019; Kế hoạch số 98/KH-SNN ngày 14/02/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh năm 2019; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 28/02/2019 về hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 01/3/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh về gia súc, gia cầm và rất nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh của Sở Nông nghiệp và PTNT

Cùng với triển khai các văn bản, tỉnh Nam Định cũng đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho từng thành viên để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cung cấp thông tin về dịch tả lợn châu Phi tại Hội nghị Giao ban báo chí  tháng 3/2019

Tăng cường tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, Nam Định cũng đã chú trọng công tác thông tin tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, người dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Các thông tin tuyên truyền chú trọng về các nội dung: Cách nhận biết các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi; Các biện Pháp phòng, chống dịch bệnh; Quy trình xử lý dịch bệnh; Vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhất là vai trò của hộ chăn nuôi trong việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi và tài sản của chính mình, khai báo ngay với chính quyền khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường,…

Bên cạnh đó, các thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách của nhà nước, về các mô hình điển hình trong phát triển chăn nuôi, an toàn dịch bệnh cũng được thường xuyên cập nhật.

Đối với người dân, nội dung tuyên truyền hướng tới để thực hiện 5 không: Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tích cực phòng dịch

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, các huyện/thành đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật và Kế hoạch ứng phó khẩn cấp bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, các đơn vị cũng chủ động kịp thời bố trí ngân sách của địa phương mua 124 tấn vôi bột, 2.916 lít thuốc sát trùng cho phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của kề hoạch. Giao cho Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm với huyện về việc để dịch xảy ra trên địa bàn.

Tỉnh Nam Định đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông giáp với các tỉnh; UBND các huyện thành lập 27 chốt kiểm dịch ở những bến phà, đò ngang qua sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy và ở các đường, lối đi nhỏ giáp với các tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình và giáp với huyện Trực Ninh nơi đang có ổ dịch, giao cho UBND huyện và xã phụ trách, để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tại các chốt.

Bên cạnh đó, các chủ đò ngang, chủ cơ sở giết mổ cũng được yêu cầu ký cam kết không giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát

Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, công tác kiểm tra, giám sát được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Nam Định chú trọng. Các đội kiểm dịch lưu động của tỉnh, huyện đã được thành lập để tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật,..  Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra các huyện thành phố, xã, các chốt kiểm dịch, .... huyện, xã cũng thành lập tổ công tác để tăng cuòng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các xã trên địa bàn. Chi cục chăn nuôi và Thú y thành lập 3 đội phản ứng nhanh để giúp các địa phương xử lý ổ dịch.

 UBND tỉnh đã cấp phát cho các địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y 18.000 lít thuốc sát trùng từ nguồn Dự trữ Quốc gia để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Kêu gọi người dân cùng tham gia chống dịch

Chia sẻ về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã rất nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng chiến dịch thành công đến mức độ nào lại phụ thuộc rất lớn vào vai trò tham gia của người dân bởi nếu người dân không thông báo thì các cơ quan cũng rất khó phát hiện do điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định còn nhỏ lẻ, phân tán.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, bà Nga cho biết, với Nam Định, công tác hướng dẫn cho người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học luôn được thực hiện thường xuyên, giúp bà con yên tâm, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ người dân khi gặp dịch, bà Hoàng Thị Tố Nga thông tin: “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng tham mưu có cơ chế hỗ trợ người dân phù hợp để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, vừa không là gánh nặng đối với nguồn ngân sách hỗ trợ”.

Tính đến ngày 28/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 486 xã, 91 huyện của 23 tỉnh/thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, quảng Trị và Vĩnh Phúc. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 69.256 con.