Đảm bảo an toàn tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu được các cấp, ngành và người dân quan tâm để không để xảy ra bất kỳ sự số phát sinh sau tiêm. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Tòa soạn Việt Nam Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Nam Định xung quanh việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Nam Định đảm bảo an toàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em (Ảnh minh họa: Internet)
PV: Thưa bác sỹ, hiện nay, Nam Định đang bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại các địa phương trong tỉnh, xin ông cho biết kế hoạch triển khai bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em toàn tỉnh như thế nào?
ThS.BS Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Nam Định: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 01/11 về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế, giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, lập danh sách và tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng.
Mục tiêu đặt ra là tiêm cho trên 95% trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Thời gian triển khai từ tháng 12/2021 theo tiến độ cung ứng vắc-xin của Bộ Y tế và tình hình dịch trên địa bàn.
Việc tổ chức tiêm theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học đồng loạt tại các địa phương; tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi). Đối với học sinh tại trường học triển khai trước cho nhóm học sinh THPT, từ khối 12 đến khối 11, khối 10. Sau đó triển khai đến học sinh THCS lần lượt từ khối 9 đến khối 8 và đến khối 7.
PV: Xin ông cho biết lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong tỉnh? Liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có khác gì với tiêm vắc xin cho người lớn không?
ThS.BS Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Nam Định: Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em về cơ bản cũng được thực hiện quy trình tương tự theo quy định của Bộ Y tế giống người lớn. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em cũng có những nội dung cần lưu ý.
Như tôi đã trao đổi ở trên, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 chỉ khi được cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP của Bộ Y tế. Đồng thời, công tác chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cho trẻ phải được quan tâm, thực hiện tốt trước khi tiêm chủng. Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ngoài ra, cần phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Phụ huynh lưu ý luôn phải có người theo dõi, bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19. Nhắc nhở trẻ không uống rượu, bia, các chất kích thích; không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin.
Phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C thì bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để trẻ nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ, phụ huynh phải theo dõi và nếu sưng to, nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; về đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; về đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Người dân cũng nên có nhận thức đúng về hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đây là cách thức hiệu quả để bảo vệ trẻ và tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Khi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 không có nghĩa là trẻ không bị nhiễm Covid-19 nữa mà sẽ làm giảm tính trầm trọng của bệnh nếu không may bị nhiễm.
PV: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, Sở Y tế Nam Định đã chỉ đạo công tác tổ chức tiêm chủng như thế nào, thưa ông?
ThS.BS Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Nam Định: Ngành Y tế Nam Định đặt tiêu chí hàng đầu trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế Nam Định chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia tiêm chủng về các nội dung an toàn tiêm chủng, quy trình khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để quản lý đối tượng tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị triển khai tiêm ngay sau khi tiếp nhận vắc xin với công suất tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng, an toàn phòng dịch; đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng, xử trí sự cố bất lợi trong quá trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.
Các cơ sở tiêm chủng bố trí đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm (nếu có) và chuyển viện khi cần thiết; tổ chức tiêm chủng đúng quy trình: Khám sàng lọc trước tiêm chủng xác định tên, tuổi, địa chỉ đối tượng tiêm chủng, người giám hộ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết; đo thân nhiệt, đếm mạch, nghe tim, phổi.
Theo dõi sức khoẻ sau tiêm cho trẻ tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và thông báo ngay với nhân viên y tế khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện kiện toàn, công khai thông tin liên hệ các Đội cấp cứu tại đơn vị và Đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng phương án xử trí cấp cứu các trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Tại các điểm tiêm chủng luôn bố trí đội cấp cứu lưu động thường trực tại điểm tiêm bao gồm 1 bác sỹ, 2 điều dưỡng, xe cứu thương đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc để xử trí các sự cố bất thường.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền tại trường học và trong cộng đồng về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, hiệu quả của tiêm vắc-xin, các khuyến cáo về tiêm chủng an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau khi tiêm chủng./.
PV: Xin cảm ơn ông!