04/01/2025 lúc 05:01 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Hiệu ứng tích cực từ Đề án thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài

Qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, ngành Giáo dục Nam Định gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh kết quả các kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh ngày càng nâng lên, năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao, tạo tín hiệu tích cực về chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, ngành Giáo dục Nam Định gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh kết quả các kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh ngày càng nâng lên, năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao, tạo tín hiệu tích cực về chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định tham gia kiểm tra đầu vào với giáo viên người nước ngoài

Nam Định là tỉnh tiên phong thực hiện đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy Tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2015-2020”. Sự ra đời của đề án là nỗ lực của ngành giáo dục nhằm đáp ứng sự mong mỏi của tầng lớp nhân dân và học sinh trong toàn tỉnh bởi mục tiêu chính của đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh trong sự nghiệp Công nghiệp hoá- hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài đã thành công ngoài mong đợi. Kết quả được thể hiện rất rõ qua các cuộc thi như thi hùng biện tiếng Anh hay thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, điểm trung bình thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của Nam Định hầu như không được xếp trong tốp 10, nhưng mấy năm trở lại đây điểm trung bình thi THPT quốc gia môn tiếng Anh  luôn giữ vững vị trí thứ 5, thứ 6 trong cả nước. Trong 3 năm Bộ GD và ĐT tổ chức thi Olympic tài năng tiếng Anh, Nam Định đạt kết quả xuất sắc: Năm 2015 có 3/3 em dự thi đoạt giải; năm 2016 có 5/6 em dự thi đoạt giải; năm 2017 có 6/6 em đoạt giải. Kết quả thi Olympic tiếng Anh trên internet, thi TOEFL dành cho học sinh phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng trường đăng ký triển khai chương trình và số lượng học sinh tự nguyện theo học đã vượt xa mục tiêu của Ðề án; các giáo viên nước ngoài đã góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông.

Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, việc thực hiện Ðề án cũng giúp giáo viên dạy tiếng Anh các nhà trường được giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để trau dồi năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Sự bổ sung tương trợ lẫn nhau giữa các giáo viên “ngoại” và giáo viên “nội” đã đem lại môi trường học ngoại ngữ hiệu quả hơn, khắc phục được điểm yếu của giáo viên và học sinh trong nước về phát âm và nghe nói. Các em học sinh theo học chương trình đã tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài, khả năng nghe nói tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Đó là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với tỉnh tiếp tục triển khai “Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026".

Song ngày 08/12/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Phụ huynh THPT Xuân Trường B than tiếng Anh người nước ngoài dạy chất lượng kém”. Để làm rõ nội dung này, ngày 16/12/2021 phóng viên Việt Nam Hội nhập đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Cường - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường B và ông Bùi Việt Hà – giáo viên Toán Tin, Trường THPT Xuân Trường B.

Tại buổi làm việc có sự tham gia của ông Vũ Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, ông Phạm Đức Mỹ – Phó Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, ông Phạm Việt Hà – thanh tra viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định. Qua trao đổi ông Bùi Việt Hà cho biết: Trong khoảng ngày 07, 08/12/2021 sau tiết học, một tốp học sinh của trường có lên gặp ông để gửi đơn xin thôi học thêm Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài( khoảng 4 đến 5 đơn) trước sự chứng kiến của một số giáo viên trong trường. 

Dạy tiết 4 xong, ông Hà lên gặp hiệu trưởng nhà trường Vũ Văn Cường trình bày: “Có một số cháu làm đơn xin không học Tiếng Anh với người nước ngoài nữa, đề nghị anh xem xét giải quyết”. Tại đây, Hiệu trưởng không nhận đơn  mà yêu cầu ông Hà trả lại nơi gửi. Thực hiện theo quy trình: gửi cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm chuyển đến nhà trường.

Trước sự dứt khoát của ông Cường, ông Hà nói thẳng không đồng ý với chỉ đạo của Hiệu trưởng, sẽ gửi trực tiếp cho lãnh đạo Sở và nhà báo. 

Ông Hà cho biết thêm, sau khi ra khỏi phòng hiệu trưởng, ông Hà đã chụp ảnh những lá đơn của học sinh và gửi cho phóng viên tòa soạn Tạp chí Giáo dục Việt Nam.

Phóng viên Việt Nam Hội nhập đặt câu hỏi: Là giáo viên dạy Toán, không phải nhiệm vụ của mình sao ông lại nhận đơn? Hiệu trưởng nhà trường trả lại đơn là đúng quy trình; công việc nội bộ của nhà trường chưa thống nhất giải quyết tại sao ông lại cung cấp cho cơ quan báo chí? Trước những câu hỏi của Phóng viên ông Hà liệt kê chỉ ra một loạt các khoản thu của nhà trường và cho đó là sai phạm của Hiệu trưởng cần phải làm minh tường.

Về phía nhà trường, ông Vũ Văn Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường B khẳng định không trực tiếp nhận đơn của bất kỳ phụ huynh học sinh nào. Quá trình thực hiện Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2015-2020”, nhà trường đã làm đúng theo quy đinh. Học sinh tham gia học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài trên tinh thần tự nguyện có sự đồng ý của phụ huynh học sinh.

Trao đổi với phóng viên Việt Nam Hội nhập, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu hai giáo viên trường THPT Xuân Trường B sai phạm, Sở cũng đã chỉ đạo Thanh tra và các phòng chức năng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra; yêu cầu hai ông Vũ Văn Cường – Hiệu trưởng và ông Bùi Việt Hà – giáo viên Toán Tin làm bản tường trình báo cáo. Sở sẽ có kết luận về những tập thể cá nhân liên quan.

Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành công văn về việc “hướng dẫn thực hiện đề án tăng cường giảng dạy Tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2026 từ năm học 2021 - 2022”. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 như hiện nay, Sở GD&ĐT Nam Định sẽ tổ chức cho giáo viên nước ngoài dạy học trực tuyến Tiếng Anh theo nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh và học sinh. Chương trình này cũng cần phải đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh và học sinh như dạy nghe nói, ôn luyện IELTS... và được Sở GD&ĐT kiểm duyệt.

Thời lượng và thời gian học sẽ theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh, nhưng cần đảm bảo yếu tố không quá tải với khối lượng kiến thức học sinh theo học. Ngoài ra, việc dạy và học Tiếng Anh theo phần mềm có bản quyền cũng được đề án này thông qua. Cụ thể, việc dạy tăng cường Tiếng Anh sẽ thực hiện với giáo viên nước ngoài hoặc Việt Nam có phần mềm hỗ trợ dạy học, khuyến khích học sinh mua phần mềm tự học. Thời lượng dạy cũng không quá 2 tiết/tuần/lớp.

CQĐD NAM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG