04/01/2025 lúc 02:01 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định – Điểm hẹn du lịch

Là vùng đất văn hiến, Nam Định là nơi bảo lưu nhiều di sản văn hóa như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, di tích, làng nghề, lễ hội truyền thống. Tỉnh Nam Định có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch, thu hút du khách.

Theo số liệu kiểm kê, toàn tỉnh hiện có 1.354 di tích, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 301 di tích cấp tỉnh và 964 di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh phê duyệt với nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc có sức hấp dẫn như: quần thể di tích văn hóa đền Trần, Phủ Dầy, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói, chùa Lương...

Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ khai hội đền Trần

Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa đền Trần nằm trải rộng trên phạm vi các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Định) và một số xã Mỹ Thành, Mỹ Phúc… của huyện Mỹ Lộc bao gồm 45 di tích gắn với lịch sử vương triều Trần. Các di tích: đền Trần, chùa Tháp, đền Bảo Lộc, đền Cao Đài... có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Lễ hội Phủ Dầy nơi khởi nguồn tín ngưỡng

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn 3 xã Kim Thái, Quang Trung, Đại An thuộc huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Định 14km về phía Tây Nam. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy bao gồm 21 di tích liên quan đến sự tích, truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của điện thần Việt Nam. Một số di tích quan trọng như phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2017, Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy được vinh dự là nơi tổ chức lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo Hành Thiện

Chùa Keo Hành Thiện tọa lạc tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường cách thành phố Nam Định khoảng 35km về phía quốc lộ 21B - quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy mô chùa bề thế với 13 tòa rộng dài, 121 gian nối tiếp, với kiến trúc chủ yếu bằng gỗ mang phong cách thời Hậu Lê. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17. Năm 2016, di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo tập trung nhiều ở các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Các nhà thờ mang những nét kiến trúc độc đáo, là những điểm đến thú vị cho du khách trong nước và quốc tế.

Nhà thờ Hưng Nghĩa với kiến trúc gothic mái vòm cổ điển như ở châu Âu.

Vốn là nơi tập trung đông người theo đạo Thiên Chúa giáo, khu vực huyện Hải Hậu, Xuân Trường của Nam Định có hàng trăm nhà thờ lớn nhỏ, với nhiều kiến trúc cổ điển theo phong cách Gothic độc đáo. Trong đó, có nhiều nhà thờ được xây dựng công phu, hoành tráng với thiết kế mái vòm như ở phương Tây, trong đó phải kể đến: Nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Kiên Lao, giáo xứ Thánh Danh... Một trong những điểm đến được đánh giá có sức hấp dẫn cao là phế tích Nhà thờ đổ Hải Lý (Hải Hậu) với vẻ đẹp cổ kính cùng vị trí đặc biệt bên bờ biển khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú.

Nhà thờ đổ còn có 1 cái tên gọi khác là “Nhà thờ Trái Tim” được xây dựng năm 1943 và do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.

Đến Nam Định, ngoài khám phá những công trình kiến trúc nhà thờ độc đáo, thưởng thức những điệu hát văn của văn hóa thờ Mẫu tam phủ, tham quan những ngôi chùa cổ tuyệt đẹp, du khách còn có thể trải nghiệm du lịch cộng đồng trong làng cổ Cửu Khúc như: Cầu ngói chùa Lương; thăm làng làm kèn đồng Phạm Pháo, làng đồ cổ Hải Minh, làng hiếu học Hành Thiện – quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh; khám phá Bảo tàng Đồng quê; trải nghiệm du lịch cộng đồng tại khu nghỉ dưỡng Ecohost.

Làng nghề cây cảnh Vị Khê

Bên cạnh các di tích, danh thắng, tỉnh Nam Định còn có trên 90 làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên), ươm tơ Cổ Chất (huyện Trực Ninh), làng nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng cả nước Vị Khê (huyện Nam Trực)…

Về di sản văn hóa phi vật thể cũng rất đa dạng, phong phú; toàn tỉnh có 01 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, 09 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hàng trăm lễ hội truyền thống cùng với nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: hát Chèo, hát Chầu văn, hát Ca trù, nghệ thuật múa Rối nước, Rối cạn, Nhạc kèn, múa Rồng, múa Lân… 

Một góc biển Quất Lâm

Với bờ biển dài 72km, tỉnh Nam Định có 2 khu du lịch nghỉ mát, tắm biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy) và các làng nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản với phong tục, tập quán sinh hoạt đậm nét văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng có khả năng khai thác phát triển du lịch trải nghiệm. Để phát triển ngành du lịch biển, huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy xác định giai đoạn 2020-2025 tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch biển với các điểm du lịch khác thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên vùng. Từng bước hình thành các tổ hợp đô thị - thương mại - du lịch - dịch vụ chất lượng cao, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort, sân golf... Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch; tạo chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam, và được xem như “sân ga” của nhiều loài chim di cư quý hiếm, trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Hiện tỉnh Nam Định có 2 nhóm hệ sinh thái chính là tự nhiên và nhân tạo với tổng số 6 hệ sinh thái khác nhau. Một số khu, điểm du lịch sinh thái đã được đầu tư xây dựng như: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy), điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng nghề hoa, cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hải Hậu…; trong đó, Vườn Quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái rừng ngập mặn Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Toàn tỉnh hiện có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, trong đó có 220 cơ sở dịch vụ ăn uống. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách và phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội tổ chức tại Nam Định.

Để phát triển du lịch Nam Định theo hướng bền vững, lâu dài, ngành Du lịch Nam Định tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch mang tính đặc trưng vùng. Đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong, ngoài tỉnh. Giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với mảnh đất, con người Nam Định./.

CQĐD NAM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG