VNHN - Nhiều dự báo cho thấy, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng trung bình 25% và còn hy vọng tăng hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, có lẽ không còn phải đợi lâu, dịch Covid-19 đang làm đảo lộn thói quen mua sắm của người tiêu dùng bởi các giao dịch TMĐT đang gia tăng hàng ngày.
Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm shipper (người giao hàng) cho một cửa hàng bán đồ gia dụng online được khoảng hơn 2 năm. Trước đây, mỗi ngày anh chỉ nhận được khoảng dưới 20 đơn hàng nhưng thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 đang diễn ra, số lượng đơn hàng tăng đáng kể, có ngày tăng gấp đôi so với trước đây, trung bình tăng khoảng 50-60% đơn hàng mỗi ngày. Cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh mà người dân ngại đến siêu thị mua sắm, chỉ ở nhà lướt mạng, đặt hàng và hàng sẽ được giao đến trong thời gian sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Coop Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh mà dịch vụ giao hàng tận nhà của Coopmart Hà Nội tăng mạnh hơn. Trước đây, Coopmart đã triển khai dịch vụ này nhưng chỉ chiếm rất ít so với doanh số bán tại các địa điểm siêu thị. Nhưng từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, siêu thị đã chủ động tăng số lượng nhân viên giao hàng để giao hàng nhanh hơn cho khách. Số lượng đơn hàng cũng tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30-40 đơn hàng mỗi ngày thì hiện nay, các đơn hàng đã tăng 10%, cao điểm có những ngày trên 100 đơn hàng.
Trung bình mỗi đơn hàng có giá trị khoảng 400.000 đồng, các mặt hàng đa phần là thực phẩm khô như mỳ tôm, bánh kẹo do khách hàng vẫn có tâm lý dự trữ thực phẩm. Tương tự là dịch vụ mua bán trên mạng của Hệ thống Lotte. Mặc dù đã đóng cửa trang TMĐT Lotte.vn nhưng hệ thống này vẫn bán hàng online qua ứng dụng Speed L. Các mặt hàng bán tại ứng dụng này cũng đa dạng như trên sàn TMĐT cũ. Mặc dù đã được người tiêu dùng đón nhận nhưng ứng dụng này vẫn tiếp tục có các chiêu thức hút khách hàng mua hàng online vào mùa dịch Covid-19 này khi liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi hút khách như tặng túi giữ nhiệt cho khách hàng chọn mua mặt hàng tươi sống, tung ra các hot deal (các gói combo hấp dẫn) với giá giảm đến 50%.
Khách hàng mua online tăng mạnh khiến doanh thu tại chỗ của các siêu thị giảm nghiêm trọng.
Đại diện của Speed L cho biết, ứng dụng này sẽ tận dụng mùa dịch để thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, để họ xuất hiện thói quen “lên mạng mua hàng” trước khi bước chân ra chợ hoặc siêu thị. Anh Nguyễn Mạnh Tiến, chủ cửa hàng đại lý hải sản Quảng Ninh (phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây, anh đã thử chạy chương trình quảng cáo trên faceboook về dịch vụ ship đến tận nhà một nồi lẩu hải sản giá chỉ 400.000 đồng (nếu đến cửa hàng ăn thì giá đắt hơn ít nhất 30%) nhưng lượng mua không đáng kể.
Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng đặt hàng dịch vụ ship lẩu về tận nhà tăng đáng kể, anh đã phải chủ động thuê thêm một bác xe ôm ở gần cửa hàng mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Do đó, anh Tiến cũng không ngần ngại bày tỏ mong muốn dịch bệnh Covid-19 này sẽ thay đổi hẳn thói quen mua sắm của khách hàng, để dịch vụ giao hàng tận nhà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo khảo sát nhanh của một chuyên trang về hàng tiêu dùng, số lượng đơn hàng trực tuyến qua các dịch vụ như Grab, Now, Aha tăng mạnh, lên đến trên 40%, thậm chí có nơi lượng đơn hàng tăng trên 70%. Số lượng đơn hàng thực phẩm đặt về cũng tăng đáng kể nhưng lại song song với việc giảm nguồn thu từ cửa hàng.
Đại diện cửa hàng thực phẩm Bác Tôm cho biết, hiện đơn hàng online của cửa hàng tăng đáng kể nhưng doanh thu tại các điểm bán lại giảm đi… Doanh thu tại chỗ giảm cũng là tình trạng của hầu hết các hệ thống siêu thị. Giám đốc Coopmart Hà Nội cho biết, dù lượng đơn hàng gọi điện đặt hàng tăng khá nhưng không thể bù được cho nguồn doanh thu sụt giảm của các điểm bán do khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn khi mua sắm online.
Cộng thêm việc do mùa dịch nên khách hàng lúc nào cũng sẵn tâm lý “mua nhanh để về” nên các cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hóa nhỏ luôn là sự lựa chọn đầu tiên của khách hàng. Tương tự, các quán ăn, chợ, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành trong thời điểm này cũng đìu hiu khi lượng khách giảm hẳn. Không bán được hàng, không có doanh thu lại phải nộp nhiều loại thuế, phí nên các tiểu thương của chợ An Đông (TP HCM) đã phải viết đơn xin giảm thuế. Đại diện chi cục thuế của một quận ở TP HCM cho biết, chi cục đã nhận được hơn 100 lá đơn xin miễn thuế của tiểu thương.