26/12/2024 lúc 22:50 (GMT+7)
Breaking News

Mua sắm trực tuyến:  tiện lợi nhưng nhiều rủi ro

VNHN - Trong thời đại công nghệ, việc mua hàng trên các trang web, trên các sàn giao dịch điện tử không còn là điều xa lạ với đa số người dân. Mua sắm chưa khi nào tiện dụng như vậy bên cạnh đó cũng ẩn chứa không ít những rủi ro. Gần 50% người mua hàng qua mạng cho biết mình từng bị lừa đảo. Vấn nạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, mua bán hàng hóa kém chất lượng vẫn đang rất phổ biến.

VNHN - Trong thời đại công nghệ, việc mua hàng trên các trang web, trên các sàn giao dịch điện tử không còn là điều xa lạ với đa số người dân. Mua sắm chưa khi nào tiện dụng như vậy bên cạnh đó cũng ẩn chứa không ít những rủi ro. Gần 50% người mua hàng qua mạng cho biết mình từng bị lừa đảo. Vấn nạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, mua bán hàng hóa kém chất lượng vẫn đang rất phổ biến.

Mua sắm thuận lợi

Tháng 8/2016, Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu eMarketer đã đưa ra ước lượng về doanh số bán lẻ trực tuyến trong 6 thị trường ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt 14 tỷ USD. 

Dự đoán đến năm 2020 doanh số bán lẻ trực tuyến tại 6 quốc gia kể trên sẽ tăng trưởng gấp đôi. Riêng đối với một số quốc gia có sự tăng trưởng đột biến như Indonesia và Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng có thể cao hơn dự đoán khoảng 20-25%. 

Mua bán Online ngày càng trở lên phổ biến với người tiêu dùng

Con số này cho thấy, Việt Nam là một thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. 

Theo báo cáo về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam - được thực hiện bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM cho hay, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử được đánh giá tiếp tục ở mức cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục, nhất là đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. 

Tuy nhiên, người mua cũng có thêm nhiều lựa chọn khác từ các cửa hàng trên mạng do cá nhân người bán lập ra. Chị Minh Nguyệt, một nhân viên văn phòng ở Quảng Ninh cho hay: “Mình thường xuyên mua hàng trên mạng. Sách thì mua Tiki, quần áo mua Lazada, thiết bị điện tử mua Thegioididong, hàng gia dụng mua Sendo. Nhưng mình cũng mua một lượng không nhỏ các loại mặt hàng khác như đồ dùng, thực phẩm từ các trang  của bạn bè, người thân”. 

Theo thống kê, nhiều thương hiệu bán hàng online lớn đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ phía các cá nhân bán hàng trên mạng. Thú vui bán hàng qua mạng đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong giới văn phòng. Bán hàng qua mạng đã nở rộ thành trào lưu trong cộng đồng mạng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ văn phòng và trở thành một công việc bán thời gian hấp dẫn. Hơn 60% dân số Việt Nam có tài khoản facebook và một phần không nhỏ trong số họ đang nhộn nhịp kinh doanh, bán hàng trên mạng. 

Giới trẻ văn phòng ham mê bán hàng online vì họ có thể tận dụng được số lượng bạn bè và người theo dõi đông đảo trên facebook để giới thiệu sản phẩm. Việc kinh doanh cũng khá dễ dàng, không phải thuê mặt bằng, không cần nhiều vốn. Những đơn vị và cá nhân kinh doanh online thường hiểu rất rõ tâm lý của người mua hàng trên mạng để có cách giới thiệu, chụp ảnh, bày biện sản phẩm của mình sao cho hợp ý người mua. 

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), có tới 61% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội khi quyết định mua hàng. Họ lấy cảm hứng từ mạng xã hội hoặc tham khảo các đánh giá tích cực trên đó. Khoảng 20% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua một sản phẩm nào đó do tác động của người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Gần 50% người được khảo sát dựa vào ý kiến của gia đình và bạn bè để lựa chọn các sản phẩm cần mua.

Rủi ro không ít

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. 

Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại tập trung vào các vấn đề như: Giao sai sản phẩm hoặc sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, thông tin sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác hay nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ, hàng Nhật, không cung cấp hóa đơn...

Quy trình đơn giản khi mua 1 món hàng Online

Với đặc trưng của mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Hình thức này khác với hình thức mua sắm truyền thống là người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm. Mua sắm trực tuyến hạn chế tối đa người tiêu dùng trong việc đánh giá sản phẩm. Họ chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng, mà hình ảnh thường được làm đẹp hơn bình thường tiềm ẩn một rủi ro là không giống với sản phẩm thật.

Cùng với đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn cũng như cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản dù đây là phần nội dung rất quan trọng liên quan đến chính sách đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành sản phẩm.

Những người mua hàng từ các trang cá nhân trên mạng xã hội thậm chí còn chịu rủi ro khi phát sinh tranh chấp.Không ít người phải ngậm đắng nuốt cay vì không thể liên hệ được với cá nhân người bán hàng qua điện thoại hay địa chỉ đã được cung cấp.

Việc giải quyết, xử lý các kiện cáo, tranh chấp từ việc mua sắm trực tuyến thường rất phức tạp và không mấy hiệu quả, nên chủ yếu vẫn cần đến sự tỉnh táo, thông minh của khách hàng trong lựa chọn và quyết định mua sắm. Nhận thức của người tiêu dùng cần được nâng lên một bậc để họ có thể sở hữu những sản phẩm tốt như mong muốn.