VNHN - Tiếng Giẻ - Triêng, từ Cha là ăn, còn từ Kchiah vừa có nghĩa là than vừa là tên gọi của một loại cây mà người Giẻ - Triêng dùng đốt lấy than để sử dụng trong nghề rèn truyền thống. Vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, đồng bào vào rừng đi lấy than về để rèn các dụng cụ, chuẩn bị vào vụ màu sản xuất mới. Theo trí thức dân gian, chỉ có than làm từ loại cây Kchiah mới ăn no lửa, rèn nên những dụng cụ sản xuất tốt. Đây là thời điểm bà con tổ chức lễ hội cộng đồng lớn trong năm, gọi là Lễ hội ăn than.
Những người đi lấy than gùi than về làng
Những người lấy than và già làng làm nghi lễ tại nhà rèn công cụ
Người được chọn đi “ăn than” phải là người trong một vài năm vừa qua gia đình luôn gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh. Vào rừng, những người được dân cử đi rừng đốt than tiến hành hạ cây Kchiah. Đêm đến mọi người mới nhóm lửa để đốt than. Khi những cây Kchiah đã đốt thành than, đủ số lượng cần dùng, mọi người tiếp tục chặt cây lồ ô, chẻ thành nan dùng để đan gùi đựng than mang về nhà. Người đốt than đội chiếc mũ làm bằng lá của cây thuộc họ lồ ô mà người Giẻ - Triêng gọi là long kliă klao. Lá của cây này có đặc điểm là thanh lá dài, lá mỏng, có màu sáng hơi trắng và bền, khi khâu kết nối các lá với nhau không bị rách. Phía trước mũ tạo hình chóp như mỏ chim và phía sau tạo tua rua.
Trước khi mang than về nhà, họ cõng những gùi than trên lưng rồi đi xung quanh đống lửa 04 vòng theo hướng bên tay trái, họ vừa đi vừa thổi tù và làm bằng sừng trâu, thổi đinh tút… Sau đó, thành viên nhiều tuổi nhất dẫn đường đi trước, các thành viên nối tiếp nhau mang những gùi than về nhà. Về tới rìa làng cũng là lúc mặt trời đã lên khỏi đỉnh núi, lúc này mọi người dừng chân đợi khi có tiếng trống, tiếng chiêng mời gọi của già làng, mọi người mới được vào làng.
Trò chơi cõng người đi lấy than lên nhà rông dự lễ
Ở sân nhà làng, cây nêu, ngôi nhà rèn đã dựng sẵn, dân làng đã tập trung đông đủ chào đón các thành viên đi đốt than trở về. Lúc này, già làng cất tiếng gọi thông báo với dân làng “Hỡi dân làng, các thành viên đi lấy than đã về tới làng, hãy đánh trống, đánh cồng chiêng lên”. Khi tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên, những người lấy than gùi những gùi thang đi xung quanh ngôi nhà rèn 04 vòng. Kết thúc 04 vòng đi, những người đi lấy than lần lượt từng người vào và đặt những gùi đựng than bên trong nhà rèn.
Sau khi đưa than vào trong nhà rèn, già làng đốt than và rèn các công cụ lao động. Đây là nghi thức rèn làm phép theo tín ngưỡng của người Giẻ - Triêng. Họ chỉ rèn tượng trưng một công cụ lao động để thông báo và cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng. Sau khi rèn xong một số công cụ, dân làng lựa chọn các thanh niên khỏe mạnh cõng những người đi lấy than lên nhà rông. Tại cửa nhà rông, già làng đã chờ sẵn và cầm trên tay hạt gạo để bỏ vào miệng những người lấy than khi bước vào bên trong nhà rông. Dân làng tập trung lên nhà rông để cùng nhau dùng tiệc rượu mừng lễ ăn than.
Điệu múa xoang chào mừng khách quý đến dự lễ hội ăn than
Dân làng ăn uống vui vẻ, họ mời nhau uống rượu, chia sẽ với nhau những niềm vui, nỗi khó nhọc trong cuộc sống. Khi có khách đến tham gia lễ hội đều được tiếp đón nồng nhiệt. Hòa chung trong tiếng nói, tiếng cười, những lời mời uống rượu cần, tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên, những điệu múa xoang uyển chuyển nhịp nhàng của các cô gái làm cho không khí của lễ hội thêm vui nhộn và linh thiêng./.