1. Một số khái niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa
1.1. Công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu
Công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu là một chiến lược công nghiệp hóa lấy phát triển khu vực sản xuất hàng xuất khẩu làm động lực chủ yếu lôi kéo phát triển toàn nền kinh tế. Chiến lược này từng được nhiều nước đang phát triển áp dụng và không ít trong số đó đã thành công, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ngoài ra cũng có thể nhắc đến một số nước ASEAN và Trung Quốc. Chiến lược này ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có thể xuất khẩu được sản phẩm của mình. Các biện pháp ưu tiên thường được sử dụng gồm: trợ cấp xuất khẩu, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, hỗ trợ về thông tin thị trường, tạo thuận lợi cho nhập khẩu đầu vào cho sản xuất, ưu đãi về tỷ giá hối đoái, quy định về tỷ lệ xuất khẩu đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thuận lợi về cơ sở hạ tầng chẳng hạn như thành lập các khu chế xuất. Các ngành xuất khẩu sẽ đem lại thu nhập cho nền kinh tế, công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đem lại nguồn thu ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu các máy móc cho công nghiệp hóa và đặc biệt là những ảnh hưởng lan tỏa của nó tới các ngành và lĩnh vực kinh tế khác. Những ngành được lựa chọn là những ngành mà quốc gia có lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế của quốc gia thay đổi cùng với quá trình phát triển của mình, nên có nhiều giai đoạn công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu.
Trong giai đoạn đầu tiên của công nghiệp hóa, các nước đang phát triển thường chỉ có lợi thế ở những ngành thuộc khu vực một của nền kinh tế như khai thác tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp. Vì thế, giai đoạn này hay được gọi là giai đoạn công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu sơ khai. Nhật Bản trải qua giai đoạn này vào những thập niên cuối của thế kỷ 19. Hàn Quốc và Đài Loan trải qua giai đoạn này từ đầu thập niên 1960. Sang giai đoạn thứ hai, các ngành thâm dụng lao động như dệt may, đóng giày, thực phẩm qua chế biến, đồ gỗ qua gia công, và những ngành công nghiệp nhẹ khác cùng ngành đóng tàu, v.v... được lựa chọn vì lúc này lợi thế của quốc gia chính là lao động rẻ và có tay nghề không cần cao. Nhật Bản trải qua giai đoạn này vào hai thập niên đầu của thế kỷ 20, trong khi đó Hàn Quốc và Đài Loan sớm từ bỏ giai đoạn một và chuyển sang giai đoạn hai từ nửa cuối thập niên 1960. Ở giai đoạn thứ ba của công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu, các ngành được lựa chọn là những ngành thâm dụng tư bản (vốn) và lao động có kỹ năng như sản xuất hàng điện gia dụng-điện tử, cơ khí đơn giản như chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất xe gắn máy. Nhật Bản trải qua giai đoạn này sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến giữa thập niên 1960. Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu xúc tiến giai đoạn này từ đầu thập niên 1980. Ở giai đoạn thứ tư, các ngành được lựa chọn là những ngành thâm dụng công nghệ như chế tạo máy chính xác, hóa chất, chế tạo ô tô, v.v... Ba giai đoạn sau được gọi chung là công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu của khu vực thứ hai (khu vực chế tạo). Các giai đoạn trên có thể gối nhau. Thậm chí, một số nền kinh tế đang phát triển lớn mà hầu như tất cả các phân ngành chế tạo đều có thì có thể thực hiện bốn giai đoạn đồng thời với sự xuất phát của mỗi giai đoạn có thể khác nhau; điển hình cho trường hợp này là Trung Quốc, nước đồng thời xuất khẩu từ nông sản tới các thiết bị công nghệ cao[1].
1.2. Chiến lược thay thế nhập khẩu
Chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu đã được hầu hết các nước công nghiệp phát triển thực hiện trong thế kỉ 19. Trong những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỉ 20 thì sản xuất thay thế nhập khẩu trở thành chiến lược phát triển kinh tế chủ đạo của các nước đang phát triển. Chiến lược của chính phủ là đẩy mạnh việc thay thế một số hàng nhập khẩu nông nghiệp hoặc công nghiệp để khuyến khích sản xuất địa phương để tiêu thụ nội địa, hơn là sản xuất cho thị trường xuất khẩu. Thay thế nhập khẩu có nghĩa là tạo việc làm, giảm nhu cầu ngoại hối, kích thích sự đổi mới, và làm cho đất nước tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng như thực phẩm, quốc phòng và công nghệ tiên tiến.
Nội dung của chiến lược thay thế nhập khẩu có một số điểm chính: Một là, nhà nước lập kế hoạch xác định số lượng và chủng loại hàng hóa phải nhập khẩu trong một năm. Hai là, lập phương án để tổ chức sản xuất đáp ứng đại bộ phận nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa. Ba là, đảm bảo cho các nhà sản xuất trong nước có thể làm chủ được công nghệ sản xuất hoặc các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp công nghệ, vốn và quản lí hướng vào việc cung cấp cho thị trường nội địa là chính. Bốn là, lập các hàng rào bảo hộ để hỗ trợ cho sản xuất trong nước[2].
1.3. Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá coi trọng nguồn lực nội sinh
Trong thời kỳ bình minh của chủ nghĩa tư bản, nhiều nước tư bản ở Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, và Bắc Mỹ đã đi theo mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá coi trọng nguồn lực nội sinh. Các nước này tiến hành công nghiệp hoá tuần tự nhất nguyên, chuyển từ thời kỳ nông nghiệp sang thời kỳ công nghiệp, từ sản xuất thủ công cá thể sang giai đoạn sản xuất công trường thủ công, rồi lên công nghiệp cơ khí. Quá trình công nghiệp hoá ở Anh diễn ra trong thời gian khoảng từ giữa thế kỷ XVII đến những năm 60 của thế kỷ XIX thì hoàn thành. Quá trình công nghiệp hoá ở Pháp, Đức, Bỉ và Mỹ diễn ra trong thời gian từ 1800 - 18801. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Bắc Mỹ dựa chủ yếu vào nguồn lực nội sinh - nhiều nhà tư bản lớn xuất thân từ thợ thủ công, người sản xuất nhỏ, người làm nghề tự do. Cuộc cách mạng đó phát triển liên tục từ thời kỳ nông nghiệp, thủ công nghiệp, công trường thủ công, rồi lên đại công nghiệp cơ khí. Nó kéo theo sự phát triển của rất nhiều ngành từ công nghiệp nặng, khai khoáng đến năng lượng, v.v.., tạo thành một mô hình công nghiệp hoá hoàn chỉnh vào những năm 60 của thế kỷ XIX. Mặc dù, các nước trên không thuần tuý tiến hành công nghiệp hoá bằng nguồn lực nội sinh, mà họ ít nhiều cũng phải dựa vào một số nguồn lực ngoại sinh là lợi ích thu được từ việc buôn bán nông sản, tài nguyên thiên nhiên từ châu Á sang châu Âu và đưa người da đen từ châu Phi sang châu Mỹ. Nhưng tích luỹ từ nguồn lực ngoại sinh không phải là yếu tố quyết định của quá trình công nghiệp hoá, bởi vì chỉ có dưới 20% nhà công nghiệp có nguồn gốc thương nhân[3]. Về cơ bản, mô hình coi trọng nguồn lực nội sinh rất gần với chiến lược thay thế nhập khẩu.
1.4. Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá coi trọng nguồn lực ngoại sinh
Vào thập niên 50 - 60 của thế kỷ XX, nhiều Nhà nước độc lập ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh ra đời. Phần lớn các nước này được giải phóng khỏi chế độ thực dân kiểu cũ và bắt đầu sự nghiệp xây dựng đất nước cùng với nền kinh tế độc lập tự chủ. Đòi hỏi khách quan lúc này là phải có quan điểm, lý thuyết, chính sách và chiến lược công nghiệp hoá để phát triển đất nước. Những nước này, đa số thuộc thế giới thứ ba - các nước phương Nam. Với mục đích đó, các nhà hoạch định chính sách của các nước phương Nam dưới sự "giúp đỡ" của các chuyên gia phương Bắc đã xây dựng lý thuyết kinh tế học phát triển - chuyên bàn về sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước đang phát triển. Có hai trường phái lý luận trong giai đoạn này là “Thuyết tân cổ điển” và “Thuyết cơ cấu”.
Áp dụng hai lý thuyết kinh tế học trên vào quá trình công nghiệp hoá, hàng loạt nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh dưới sự tác động của các nước phát triển đã tiến hành thực hiện chính sách "cơ cấu lại" nền kinh tế, bao gồm: Một là, thực hiện chính sách tiết kiệm khắc khổ nhằm hạn chế tối đa các khoản chi tiêu, hạn chế thâm thủng ngân sách bằng cách giảm chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, văn hoá. Hai là, Nhà nước mở rộng thị trường nội địa cho các nhà tư bản đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quý hiếm và những ngành kinh tế thu lợi nhuận cao khác. Cùng với đó là chính sách hạ thuế nhập khẩu xuống mức thấp nhất để cho hàng hoá của những nước tư bản xâm nhập vào thị trường các nước đang phát triển một cách tự do và cổ vũ cho một xã hội tiêu dùng bằng nguồn vay của các nước phát triển.
Thực hiện chính sách dựa trên nguồn lực ngoại sinh, các nước đang phát triển ở châu Mỹ La tinh như Braxin, Achentina, Mêhicô, ở châu Phi như Angiêri, Xênêgan, ở châu Á như Inđônêxia, Philipin, v.v… đã vay những khoản tín dụng lớn của nước ngoài để đầu tư vào những ngành công nghiệp nặng và tiêu dùng theo sự tư vấn và khuyến cáo của những nước cho vay. Trong những thời điểm nhất định, nguồn vốn vay này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Điển hình là Braxin trong những năm 60 và đầu những năm 1970 của thế kỷ trước được coi là một hiện tượng kinh tế kỳ lạ với GDP tăng 6,4%/năm liên tục trong suốt một thời gian dài. Ở khu vực Đông và Đông Nam Á những năm 70, nền kinh tế Inđônêxia và Philipin tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 6,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1%/năm[4]. Về cơ bản, mô hình dựa trên nguồn lực ngoại sinh rất gần với chiến lược hướng về xuất khẩu.
1.5. Mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá kết hợp giữa nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Malaixia được coi là những quốc gia và lãnh thổ thành công trong quá trình công nghiệp hoá theo mô hình kết hợp hài hoà giữa nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh. Điển hình trong số đó là Nhật Bản. Những cuộc tiếp xúc với người châu Âu đã cho người Nhật thấy được sự thua kém so với phương Tây về nhiều mặt. Vì vậy, Nhật Bản đã chủ trương đẩy mạnh giao thương nhằm học hỏi phương Tây. Người Nhật học được từ phương Tây kỹ thuật chế tạo súng, đại bác, đóng tàu, hàng hải, khai mỏ, cơ khí, luyện kim, in, làm giấy, v.v… Những kiến thức đó giúp cho nền sản xuất của Nhật Bản phát triển và hình thành nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa. Sự giao lưu với bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nhật Bản từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Hơn nữa, trong khoảng 3 thế kỷ giao lưu với phương Tây, Nhật Bản đã nội sinh hoá những yếu tố ngoại sinh trên nền tảng văn hoá bản địa Nhật Bản, tạo tiền đề đưa đất nước nhanh chóng đuổi kịp các nước tư bản châu Âu trong thời kỳ Duy tân Minh Trị cuối thế kỷ XIX.
Năm 1868, Nhật Bản cải cách toàn diện đó đã tạo điều kiện cho Nhật Bản tiếp thu một cách nhanh chóng khoa học - kỹ thuật phương Tây, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế. Cuộc cải cách đã bắc chiếc cầu nối Nhật Bản với các quốc gia tiên tiến nhất ở phương Tây, tạo điều kiện tiếp cận những thành tựu khoa học - kỹ thuật và phương thức sản xuất mới, góp phần đưa Nhật Bản tiến kịp các nước phương Tây và tiến hành xâm chiếm thuộc địa, tham gia vào hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau chiến tranh, Nhật Bản tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc và trở thành một cường quốc trên thế giới. Nhật Bản đã thực hiện cải cách toàn diện từ kinh tế, văn hoá, chính trị đến khoa học, quân sự; đề ra khẩu hiệu đạo lý Nhật Bản - kỹ thuật phương Tây. Nhờ vậy, Nhật Bản đã năng động hoá những nguồn lực nội sinh, phát huy một cách cao nhất tinh thần sáng tạo để tiếp thu những nguồn lực ngoại sinh, tạo ra hiện tượng thần kỳ Nhật Bản trong lịch sử[5].
2. Một số kinh nghiệm và vấn đề về công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Quá trình phát triển kinh tế đồng hành với quá trình công nghiệp hóa. Các quốc gia khi giàu lên đều tăng tỉ trọng công nghiệp và giảm tỉ trọng nông nghiệp. Vấn đề là tìm con đường tốt nhất để xây dựng một khu vực công nghiệp có thể tự mình tăng trưởng bền vững? Có hai chiến lược. Thứ nhất là bảo hộ bằng thuế quan, hạn ngạch và cấm nhập khẩu. Ý tưởng ở đây là nâng giá sản phẩm để các doanh nghiệp nội địa có thể học cách trở nên hiệu quả. Về nguyên tắc, bảo hộ sẽ phải giảm dần để người tiêu dùng các sản phẩm này không mãi mãi phải chịu giá cao. Thực ra, khi một ngành đã quen được bảo hộ thì sẽ rất khó chuyển sang cuộc sống không có nó. Một công ty được bảo hộ đạt lợi nhuận cao bằng cách thuyết phục các quan chức chính phủ hay chính trị gia rằng công ty phải được bảo hộ hơn nữa, trong khi chẳng dành nhiều nỗ lực để giảm giá thành hay cải thiện sản phẩm. Đôi khi một chính phủ mạnh tay và buộc doanh nghiệp phải trở nên cạnh tranh, nhưng điều này rất hiếm. Thông thường, một khi công nghiệp hóa bắt đầu với giá thành cao thì sẽ tiếp tục như vậy.
Đối với chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Ưu điểm của chiến lược này là: Thứ nhất, áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu đã đem lại sự mở mang nhất định cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Thứ hai, mở rộng phân công lao động trong nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Thứ ba, quá trình đô thị hóa bắt đầu tăng, bước đầu hình thành các chủ doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh. Thứ tư, do thực hiện chính sách bảo hộ nên nền kinh tế trong nước tránh được sự ảnh hưởng xấu từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, có một số nhược điểm của chiến lược thay thế nhập khẩu: Một là, chiến lược sản xuất thay thế nhập khẩu thực chất nhằm thỏa mãn nhu cầu trong nước là chính, chú trọng nhiều đến tự cấp của thị trường nội địa, ngoại thương không được coi trọng, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào khai thác tiềm năng của đất nước cho phát triển kinh tế. Hai là, các nước đang phát triển trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, nền kinh tế thiếu thốn đủ thứ, tổng cầu vượt quá tổng cung, thường thông qua nhập khẩu để cân bằng. Ba là, xu hướng này không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Bốn là, chiến lược này làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Năm là, thực thi chiến lược này nảy sinh nhiều tiêu cực, bảo hộ bằng thuế dẫn đến tình trạng trốn lậu thuế, hối lộ đội ngũ thuế quan. Sáu là, chiến lược thay thế nhập khẩu còn hạn chế xu hướng công nghiệp hóa của đất nước. Bảy là, chiến lược này làm gia tăng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển.
Công nghiệp hóa coi trọng nguồn lực ngoại sinh nhấn mạnh đến sự thuận lợi của những nước đi sau, cho rằng các nước này sẽ tiến hành công nghiệp hoá nhanh hơn vì có sự giúp đỡ của những nguồn lực ngoại sinh hùng hậu thông qua đầu tư vốn tư bản và được kỳ vọng là sẽ sớm đuổi kịp các nước công nghiệp hoá theo con đường nội sinh cổ điển. Tuy nhiên thực tế đã chỉ ra rằng, các nước tiến hành công nghiệp hoá muộn đã vấp rất nhiều khó khăn và trở ngại mà các nước đi trước không gặp phải. Tuy nhiên, do không có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, nguồn lực nội sinh quá yếu, các khoản vay cũng đến lúc phải trả, hầu hết các nước công nghiệp hoá trên cơ sở coi trọng nguồn lực ngoại sinh do phương Tây đề xuất đều rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Trong suốt những năm 80 của thế kỷ XX Braxin và những nước châu Mỹ lâm vào khủng hoảng nợ nước ngoài.
Công nghiệp hoá coi trọng nguồn lực nội sinh có những hạn chế cơ bản: Thứ nhất, do trình độ khoa học - kỹ thuật thấp, cuộc cách mạng công nghiệp chủ yếu thực hiện sự cải biến tuần tự, dần dần từ nông nghiệp đến công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và giao thông vận tải. Vì vậy, quá trình công nghiệp hoá diễn ra trong khoảng thời gian dài, xấp xỉ 200 năm. Nó được coi là hoàn thành ở Anh vào những năm 60, ở Mỹ, Đức, Bỉ vào những năm 80 của thế kỷ XIX. Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp giai đoạn đầu dựa trên tăng cường lao động. Vì vậy, cần nhiều lao động hoặc lao động nhiều giờ, nhiều ca dẫn đến tình trạng sức lao động bị khai thác cạn kiệt.
Công nghiệp hóa kết hợp nguồn lực nội sinh và ngoại sinh có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, khai thác được nguồn lực cả trong và ngoài nước. Thứ hai, không bị phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài. Thứ ba, nguồn lực trong nước được tiếp cạn với nguồn lực nước ngoài nên tiếp thu được chuyển giao công nghệ, quản lý... Tuy nhiên, công nghiệp hóa kết hợp nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài cũng có vấn đề. Thứ nhất, trên một địa bàn khi có sự xuất hiện các nguồn lực khác nhau dẫn đến hoặc quy mô địa bàn phải lớn hoặc chỉ là các doanh nghiệp không lớn. Thứ hai, khi các doanh nghiệp lớn hoặc trong nước, hoặc ngoài nước đến một địa bàn thường kéo theo chuỗi các doanh nghiệp phụ trợ. Vì vậy, nếu có cả doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước sẽ dễ dẫn đến tình trạng tranh giành ảnh hưởng. Thứ ba, nếu một địa bàn đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước đến đầu tư thì ngoài việc địa bàn đủ lớn còn cần cơ quan quản lý địa bàn có đủ thẩm quyền để giải quyết các vấn đề phát sinh. Điều này, đến lượt nó, đặt ra vấn đề không phải tỉnh nào cũng có thể đáp ứng được. Chỉ là những tỉnh có các khu kinh tế lớn hoặc những địa bàn có những cơ chế đặc thù và đủ lớn về diện tích.
Như vậy, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm từ các nước đi trước, đặc biệt là các nước trong khu vực: Thứ nhất, muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công cần xây dựng một thể thống nhất giữa tất cả các bên hữu quan. Thứ hai, xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng cải cách mở cửa, hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá; đầu tư phát triển một số ngành trong nước có lợi thế so sánh. Thứ ba, xây dựng thể chế kinh tế theo hướng hội nhập kinh tế thế giới quốc tế và khu vực phù hợp với quốc gia, đồng thời. cần xác định một lộ trình để tiến tới tự do hoá thương mại đáp ứng nhu cầu hội nhập vào các định chế kinh tế toàn cầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thứ tư, cần xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thứ năm, cần có một hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng kinh tế phát triển.
PGS.TS. Trần Kim Chung
Thư ký khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương
[1] Công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu. https://-vi.wikipedia.org/-wiki/-. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[2] Chiến lược thay thế là gì? Chiến lược thay thế nhập khẩu?. Thạc sỹ Đinh Thùy Dung. 28/02/2022.
[3] Đào Đình Thưởng. Ba mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lịch sử và một vài kinh nghiệm đối với Việt Nam
[4] Đào Đình Thưởng. Ba mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lịch sử và một vài kinh nghiệm đối với Việt Nam
[5] Đào Đình Thưởng. Ba mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lịch sử và một vài kinh nghiệm đối với Việt Nam