22/01/2025 lúc 18:52 (GMT+7)
Breaking News

Một số vấn đề đặt ra trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại TP Hồ Chí Minh

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

1. Hiện trạng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đơn vị hành chính là khái niệm được sử dụng để chỉ những khu vực lãnh thổ, đất đai, dân cư lớn nhỏ khác nhau do nhà nước phân định về giao cho chính quyền của từng đơn vị hành chính quản lý. Đơn vị hành chính là vùng không gian, lãnh thổ, có ranh giới xác định, được phân chia trong một lãnh thổ quốc gia thống nhất, nhằm mục đích thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước. Việc phân chia đơn vị hành chính là tất yếu đối với bất cứ nhà nước nào để tổ chức quyền lực nhà nước trên lãnh thổ quốc gia. Tùy theo đặc điểm về tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hóa - xã hội khác nhau mà mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ các đơn vị hành chính được tổ chức với các cấp cụ thể nhằm bảo đảm sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiến pháp 2013, tại Điều 110 quy định: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường…”.

Như vậy, cấp xã bao gồm xã, phường, thị trấn là cấp hành chính cuối cùng trong hệ thống hành chính bốn cấp của nước ta, là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo đời sống của nhân dân và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện tại

Sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chính Minh hiện có 312 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 22 quận, huyện, thành phố thuộc Thành phố, bao gồm: 249 phường, 05 thị trấn và 58 xã, trong đó có 261 đơn vị hành chính cấp xã loại 1; 50 đơn vị hành chính cấp xã loại 2 và 01 đơn vị hành chính cấp xã loại 3.

 Danh mục số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2030

Qua rà soát về quy mô dân số của các quận, huyện, Thành phố kể cả hệ số quy đổi theo Phụ lục 3 Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Trên cơ sở thống kê và quy đổi, quy mô dân số của các phường xã, thị trấn và quận, huyện và đối chiếu với khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030.

Ở giai đoạn 2023 – 2025, có 126 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp có 126 đơn vị thuộc diện sắp xếp, trong đó, có 06 đơn vị đã sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021, còn 120 đơn vị thuộc diện sắp xếp. Ở giai đoạn 2026 – 2030, có 09 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Về mặt tích cực và hạn chế khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030 rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2023 - 2025. Vì vậy, dự báo công tác sắp xếp đơn vị hành chính  trong giai đoạn này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể:

- Mặt tích cực

Giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp được kiện toàn và bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân ổn định.

- Mặt hạn chế

Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức cho thấy bên cạnh mặt tích cực nêu trên, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn có những hạn chế sau:

- Đặc thù các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn, chẳng hạn, Phường 9, 10 thuộc Quận 4 và Phường 7 thuộc Quận 10 diện tích tự nhiên chỉ có 0.11 km2, mật độ dân số từ 93.000-101.000 người/km2, vượt nhiều so với quy định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nếu nhập 02 đơn vị hành chính hoặc nhập 03 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành 01 đơn vị hành chính mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức không tăng; đồng thời tại các đơn vị lớn sau khi nhập, số lượng hộ dân lớn, nhưng cách thức vận hành cũ, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách không thay đổi trong trong điều kiện đô thị thay đổi thì mục tiêu của sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước không cao.

- Việc sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian rất ngắn, đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2025, là giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc Hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, cũng như thực hiện nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và sắp xếp lại khu phố, ấp mới theo quy định Trung ương, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay; đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, do các cơ quan dành nhiều thời gian vào công tác sắp xếp; đồng thời ảnh hưởng lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan.

- Thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã sẽ tác động đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư, phải nghỉ việc hoặc phải điều chuyển đến đơn vị khác nên có phần ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trong thời gian đầu thực hiện công tác sắp xếp. Mặt khác, công tác giải quyết số cán bộ,  công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định.

- Việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính để không lãng phí, hư hỏng cũng gặp nhiều khó khăn. Một số trụ sở có thể đấu giá, nhưng một số sẽ khó khăn khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, do phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng và đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

- Cơ sở hạ tầng như: trụ sở, trạm y tế,... dư thừa do sáp nhập khó được giải quyết hợp lý, gây lãng phí, sử dụng không hiệu quả trong khi trụ sở mới cần được đầu tư mới yêu cầu với số lượng và kinh phí lớn.

2. Định hướng trong việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2030 của Thành phố Hồ Chí Minh

- Về kế hoạch sắp xếp

Dự báo công tác sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Vì vậy, công tác sắp xếp ngoài việc thực hiện đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Bởi vì số lượng ĐVHC cấp xã phải sắp xếp rất lớn, đặc biệt là giai đoạn 2023-2025. Nên nhằm đảm bảo tính ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh  đồng thời phù hợp với Đề án quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Thành phố đã tiến hành rà soát xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cả 02 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 thực hiện sắp xếp chung 01 lần trong giai đoạn 2023 – 2030 và đã được Bộ Nội vụ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân Thành phố đồng ý với chủ trương trên.

- Về số lượng ĐVHC cấp xã sẽ sắp xếp

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc loại đô thị đặc biệt ở Việt Nam, là đầu tàu kinh tế của đất nước. Vì vậy, để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, “không gây xáo trộn lớn” trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất, kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đồng ý cho Thành phố vận dụng 05 yếu tố đặc thù được quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15; 02 yếu tố gắn với thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh vào công tác sắp xếp. 

Theo đó, khi vận dụng các yếu tố đặc thù trên, giai đoạn 2023-2030 Thành phố có 80 phường thuộc 10 quận tiến hành sắp xếp, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, thời gian hoàn thành trước năm 2030. Sau sắp xếp, dự kiến tại Thành phố có 273 ĐVHC cấp xã, giảm 39 phường so với hiện tại. Các đơn vị hành chính cấp xã có liên quan đều đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, giao dịch hành chính của công dân, bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn, ổn định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, quản lý của chính quyền, bố trí cán bộ, công chức; đảm bảo đúng định hướng quy hoạch, chất lượng đô thị sau sắp xếp theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Kết luận

Với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô đơn vị hành chính; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền cơ sở; cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; phù hợp với các chủ trương và định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn Thành phố tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

Thạc sĩ Bùi Thị Bình

Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013

2. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức.

4. Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

5. Báo cáo số 58/BC-UBND ngày 04/3/2024 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp thu, giải trình, bổ sung phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của Thành phố Hồ Chí Minh.

...