16/01/2025 lúc 05:03 (GMT+7)
Breaking News

Một Hà Nội thu nhỏ trong tàu điện

VNHN - Tàu điện với tiếng leng keng từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô ở thế kỷ 20. Nhìn dưới góc độ lịch sử, văn hóa, Giáo sư Lê Văn Lan và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có những lý giải thú vị xung quanh sự ra đời của loại phương tiện này.

VNHN - Tàu điện với tiếng leng keng từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô ở thế kỷ 20. Nhìn dưới góc độ lịch sử, văn hóa, Giáo sư Lê Văn Lan và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có những lý giải thú vị xung quanh sự ra đời của loại phương tiện này.

Việt Nam hóa tàu điện

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan thì ngày 13-9-1900, người Pháp cho khánh thành tuyến tàu điện đầu tiên ở Hà Nội chạy từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Ga tàu điện trung tâm của Hà Nội trước kia, nay được nhiều người nói vui là “hàm cá mập” tọa lạc bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm đã sớm được người Pháp quy hoạch chọn là trung tâm, bởi thế ngoài ga tàu còn có tòa đốc lý, bưu điện… Sở dĩ người Pháp chọn điểm này để mở ga tàu vì tuyến đường sẽ qua chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, Quán Thánh - là những nơi buôn bán thịnh vượng, sẽ mang lại lãi suất cao.

Năm 1906, Hà Nội có thêm tuyến tàu điện từ Thụy Khuê lên tới đường Bưởi – nơi có chợ Bưởi, chợ lớn rất sầm uất bấy giờ. Do đó, việc khai thác kinh tế của người Pháp rất nhạy bén. Tuyến tàu điện đi từ Bờ Hồ đến Thái Hà ấp, rồi từ đây tới Hà Đông với chiều dài 11km. Thái Hà ấp có dinh cơ của Kinh luật sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải và Hà Đông là đất có con trai của cụ Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu làm Tổng đốc. Bởi vậy, tuyến tàu điện này cho thấy mục đích chính trị rõ ràng, để chiều lòng các quan Nam triều.

Nhà thơ Vũ Quần Phương trong chương trình Quán Thanh xuân “Leng keng tháng ngày cũ”

Sau đó Hà Nội có thêm tuyến thứ 3, thứ 4 từ Bờ hồ đi chợ Mơ, Cầu Giấy lại trở về mục đích ban đầu là kinh tế vì chợ Mơ cũng là điểm buôn bán lớn và Cầu Giấy rất phát triển thủ công nghiệp. Tuyến thứ 5, bắt đầu làm từ 1928 đến 1943 từ Nhà thương Vọng (Bạch Mai bây giờ) chạy qua trung tâm lên đến đê Yên Phụ. Và đây cũng là tuyến người ta dùng lại các cửa ô từ thời Lê, thời Nguyễn tạo ra.

Lý giải về việc làm các tuyến ga, vị giáo sư đáng kính cho biết: “Người Pháp rất giỏi trong việc nắm địa lý. Họ thừa hưởng cơ sở hạ tầng của Hà Nội nhưng đồng thời cũng phát huy, khai phá một cách nhạy bén. Ý định của người Pháp là vậy nhưng họ cũng thể không hề ngờ rằng người Việt ta lại nhảy tàu điện trốn vé. Có thể nói chúng ta đã Việt Nam hóa tàu điện mà người Pháp tạo ra một cách vui vẻ”.

Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ trong chương trình Quán Thanh xuân “Leng keng tháng ngày cũ”

Tàu điện là tâm hồn Thủ đô

   Nhà thơ Vũ Quần Phương thì khẳng định: Tàu điện chính là tâm hồn của Thủ đô vì tính phổ cập, lam lũ của nó. “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 diễn giải, tàu điện là của những bà con áo ngắn với những thúng mủng, lợn gà và ai cũng lên tàu điện được. Đi tàu điện thì có hai loại vé, nếu vé của phòng đầu là ngồi ghế êm, giá cao gấp đôi ghế dọc. Tàu điện cũng dễ thân với con người, cho nên có những gia đình bố mẹ khiếm thị hát xẩm trên tàu điện còn đứa con ôm chậu thau méo mó để xin tiền. Đó là sân khấu lưu động mà người biểu diễn với khán giả rất gần nhau, rất cùng cảnh với nhau.

“Hát xẩm hay nỉ non nỗi buồn của thân phận và hát xẩm trên tàu điện còn đặc biệt ở chỗ như một thông tấn xã. Ví dụ hôm qua có một cô dâu trong đám cưới của mình đến trưa mà chưa được ăn nên cô tranh thủ đưa miếng thịt trâu lên ăn. Bất chợt có người vào phòng, cô dâu ngượng quá, vội nuốt nên bị nghẹn phải đi cấp cứu. Hay cô tân thời nào tự tử trên hồ Trúc Bạch thì cũng là cái tin được chuyển thể thành xẩm trên tàu điện ngày hôm sau”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.

Cũng theo tác giả bài thơ “Áo đỏ” thì tàu điện còn là cái chợ lưu động vì ngày xưa người ta bán cả các loại sách, như: thơ Tản Đà, Đồi thông hai mộ, Bật nữ tháng… Khi quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô rồi đánh Mỹ, người ta bán sách bằng túi dết hoặc balo, rồi bày sách, bán cả thuốc, như: Cao dán hiệu bà Lan Trọc, thuốc cam của ông Lang Vòng… Sau này thì có bán cả nơ hồng, bật lửa, băng phiến… Đó đều là những mặt hàng bình dân rất phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân. Có thể nói tàu điện như một Hà Nội thu nhỏ mà ở đó nó như mạch máu nuôi sống con người theo nhịp đập của cuộc sống./.

Đăng Khoa