VNHNO - Khi nhắc đến “nền kinh tế tri thức”, người ta liên tưởng ngay đến ngành công nghệ cao và gắn nó với nền kinh tế số. Chắc ít người nghĩ đến sự sáng tạo trong các lĩnh vực truyền thống, như du lịch chẳng hạn.
Được thiên nhiên ban tặng
Khi cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà gây bão trên khắp thế giới, lọt vào top 100 điểm đến tuyệt vời nhất toàn cầu do tạp chí TIME bình chọn, ai cũng nhận ra: nó không phải là một tài sản sẵn có, hay là “được thiên nhiên ban tặng” như cách chúng ta nghĩ về du lịch truyền thống.
Nếu gõ từ khóa “được thiên nhiên ban tặng” lên Google, sẽ thấy đó được coi là lợi thế cốt lõi của rất nhiều vùng du lịch nước ta, từ Tây Bắc, duyên hải miền Trung cho đến Tây Nam Bộ. Nó cũng được nhận định, ca ngợi bởi hầu hết nhà quản lý cho đến nhà đầu tư trong các bài phát biểu của mình tại các hội nghị, hội thảo có liên quan đến tiềm năng du lịch.
Nhưng sản phẩm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2018 - cây cầu bộ hành duy nhất của Việt Nam có mặt trên wikipedia - hoàn toàn được tạo ra từ một bản vẽ của công ty kiến trúc TA Landscape, nằm trong một dự án của Sun Group, kiến tạo bằng thép và bê tông. Nó không “được thiên nhiên ban tặng”, nó là một sản phẩm của sự sáng tạo và là một ví dụ của “kinh tế tri thức”.
“Cầu Vàng của Đà Nẵng ở đâu? Hiếu cho chúng tôi đi nhé”. Đó là câu hỏi mà phần lớn du khách đặt chân xuống sân bay thời điểm này hỏi Huỳnh Trường Hiếu. Anh Hiếu là một hướng dẫn viên du lịch đã gắn bó với Đà Nẵng gần một thập niên. Anh vẫn nhớ, đoàn khách du lịch đầu tiên mình đón là một gia đình người Tây Ban Nha. Đó là năm 2011, họ vào Hội An 3 ngày rồi ra Huế chơi 2 ngày. Ở Huế và Hội An, dù sao cũng có các công trình kiến trúc được lịch sử để lại. Đà Nẵng khi đó là con số 0, cho dù cũng “được thiên nhiên ban tặng” một bờ biển dài.
Sau này, và cho đến giờ, Đà Nẵng đã và vẫn vượt xa Huế, đã dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tăng trưởng du lịch. Chìa khóa cho sự cất cánh của Đà Nẵng đến từ một yếu tố… “không được thiên nhiên ban tặng”: sự sáng tạo của các nhà đầu tư.
Ngành kinh tế tri thức
“Thiết kế sản phẩm” là một đầu việc rất quen thuộc khi người ta bàn đến các ngành công nghệ cao. Ở đó, sự sáng tạo được hình dung rất dễ: màn hình cong hay tràn viền, cảm biến vân tay hay nhận diện khuôn mặt, thép hay kính…
Nhưng không nhiều người quen thuộc với “thiết kế sản phẩm” trong lĩnh vực du lịch. Về cơ bản, ngành du lịch Việt Nam suốt từ những năm đổi mới cho đến đầu thế kỷ 21 chỉ trông chờ vào giá trị của các sản phẩm sẵn có: những mái ngói mũi hài tuổi đời một thế kỷ, một địa tầng quý hiếm nhô lên trên mặt biển Hạ Long, ruộng bậc thang của đồng bào Tây Bắc hay bãi cát dài ở duyên hải miền Trung…
“Thiết kế sản phẩm du lịch” là một hoạt động đặc thù khi người ta kết hợp các yếu tố sẵn có của tự nhiên và lịch sử với những thành tố có thể được tạo ra (như cây cầu Vàng), mở rộng ra (như hoạt động lưu trú cho phép khách tận hưởng thiên nhiên dài ngày) hay là tô hồng hơn (như các hoạt động lễ hội pháo hoa, carnival đường phố tại Đà Nẵng).
Đó là một hoạt động có những khó khăn đặc thù. Khác biệt quan trọng nhất là tính “không thể nắm bắt” (intangibility). Người ta không thể lưu giữ sản phẩm du lịch, mà chỉ có thể trải nghiệm nó. Một chiếc điện thoại hay một hộp thịt có thể lưu kho để bán ngày mai. Nhưng một phòng khách sạn trống và một vé máy bay trống thì ghi nhận lỗ ngay lập tức với nhà cung cấp.
Tương tự, nếu bạn không hài lòng với chiếc điện thoại mới mua trong ngày đầu tiên “đập hộp”, bạn có thể sẽ tìm thấy điểm thú vị vào ngày hôm sau. Nhưng một tour du lịch thì không. Ngày hôm nay, chỉ cần 1 trong 1000 người phục vụ có thái độ xấu, tổ hợp du lịch đó khó có cơ hội đón bạn lần nữa.
Hơn nữa, không phải ai có tiền cũng thành công. Các thành phố có hàng nghìn tỷ USD đầu tư cho hạ tầng du lịch như Dubai cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn đến mức gần như phá sản.
Du lịch là một cuộc cạnh tranh khốc liệt của sự sáng tạo. Và Đà Nẵng đang thành công.
Sự sáng tạo Đà Nẵng
“Tôi cảm thấy như đang ở chính hội chợ của miền quê nước mình vậy”, Melanie Scheider cùng nhóm bạn đến từ Đức vừa nâng cao cốc bia đen trong tay, vừa hát vang theo điệu nhạc “Hey good looking” của Hank William. Trên sân khấu của nhà hàng Beer Plaza ở Sun World Ba Na Hills, các nghệ sĩ châu Âu khiến khán giả phía dưới không thể không nhảy múa.
Melanie và 6 người bạn đến Đà Nẵng chỉ vì cây cầu Vàng, nhưng cuối cùng họ quyết định ở lại chơi cả một ngày trên Sun World Ba Na Hills. “Mọi thứ rẻ và tuyệt vời, tôi không thể nghĩ đây là một công trình của người Việt làm nữa”, cô hào hứng.
Cầu Vàng không phải là ví dụ duy nhất cho sự thành công của những sáng tạo Đà Nẵng. Năm 2007, một vị khách quốc tế đến Đà Nẵng chỉ lưu lại trung bình 1,67 ngày và tiêu trung bình 50 USD. Con số này tự nó đã gợi sự buồn tẻ: người ta không có việc gì để làm, không có dịch vụ gì để tận hưởng.
Giờ thì Đà Nẵng sở hữu những cơ sở lưu trú đẳng cấp thế giới, nơi lui tới nghỉ dưỡng hội họp của các nguyên thủ quốc gia, tài phiệt nổi tiếng toàn cầu.
Giờ thì Đà Nẵng là một trong những điểm phải đến, có những quần thể du lịch mà du khách cần phải đến một lần trong đời. Ở đó, bạn dễ dàng thấy thành tố của “nền kinh tế tri thức” ngay trong ứng xử của từng cô tiếp viên và hướng dẫn viên. Họ nói tiếng Anh rất tốt, và luôn mỉm cười.
Đà Nẵng đã từng là ví dụ cho khái niệm “thiên nhiên ban tặng” có thể là vô giá trị, khi những bãi cát trắng xóa dưới nắng và hàng dương xanh không thể tạo ra đồng tiền. Nhưng giờ, Đà Nẵng trở thành một ví dụ kinh điển cho tư duy làm du lịch mới của Việt Nam.
Từ trường hợp của Đà Nẵng, có lẽ thay vì nói “được thiên nhiên ban tặng” núi non và sông biển, đã đến lúc các nhà quản lý địa phương đi tìm những bộ óc “được thị trường ban tặng”, hòng làm cho du lịch cất cánh./.