30/11/2024 lúc 13:40 (GMT+7)
Breaking News

Mối quan hệ biện chứng giữa tiết kiệm, chống lãng phí và phát triển trong mục tiêu kỷ nguyên mới của đất nước

Tiết kiệm có vai trò/giá trị cốt lõi để củng cố nền tảng và biến các mục tiêu phát triển lớn lao thành tập hợp các chương trình có tính khả thi cao; Tiết kiệm, vì thế, cần trở thành nền tảng văn hóa tiến bộ của xã hội và rường cột trong tâm thức của dân tộc.

Chống lãng phí: Nền tảng của văn hóa tiến bộ xã hội

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia hơn 100 triệu dân có thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người dự kiến tiệm cận mức 5000 USD vào cuối năm 2024, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Mặc dù trải qua các giai đoạn cực kỳ khó khăn và đầy biến động của kinh tế thế giới do đại dịch và chiến tranh, quy mô nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng dương và đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Trong khi đó, lạm phát đã giảm xuống quanh mức 4%/năm từ mức siêu lạm phát với ba con số của giai đoạn đầu Đổi mới. Xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD, đã đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Trong khi đó, cơ cấu nền kinh tế đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, và dần phát triển được hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng ngày một tốt hơn các mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế-xã hội (1, 2).

Trên thực tế, đất nước Việt Nam thậm chí còn có thể có nguồn lực và tiềm lực nhiều hơn cả các chỉ số kinh tế qua các thông kê tiêu chuẩn. Tiềm năng còn nằm ở chỉ số những ngày nắng, ở mức độ đa dạng sinh thái, ở khả năng sinh và dưỡng của các loại cây và con trên các vùng đất khí hậu, sinh thái khác nhau của đất nước (3).

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Đại hội XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với các nguồn lực và tiềm lực phát triển hiện nay, có thể thấy, đất nước đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao (4).

Đứng trước cơ hội vươn mình của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều ý kiến chỉ đạo và nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng có tính cốt lõi với phát triển đất nước trong tương lai (1, 5-8). Mục tiêu bao trùm và chiến lược dẫu đa dạng và trải khắp các khía cạnh từ văn hoá, xã hội, chính trị, pháp luật, kinh tế,... nhưng đều hội tụ về tâm điểm: phát triển đất nước cường thịnh, bước vào kỷ nguyên phồn vinh, đưa quốc gia (bao gồm cả nền kinh tế) tiến tới trình độ phát triển cao trong tương quan toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong các ý kiến chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh một tư tưởng điều hành và nghị sự thực thi hiệu quả cho chống lãng phí—bên cạnh chống tham nhũng, tiêu cực—nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước vừa đầy đủ năng lực, phẩm chất thực thi. Cụ thể, trong bài viết “Chống lãng phí” (9), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hoá ứng xử trong thời đại mới”.

Có thể thấy, quan điểm về “chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm bao gồm hai hàm ý chính về tiết kiệm như sau:

Tiết kiệm có vai trò/giá trị cốt lõi để củng cố nền tảng và biến các mục tiêu phát triển lớn lao thành tập hợp các chương trình có tính khả thi cao; Tiết kiệm, vì thế, cần trở thành nền tảng văn hóa tiến bộ của xã hội và rường cột trong tâm thức của dân tộc.

Trong thời đại đất nước cần nuôi dưỡng, tích lũy, và vận dụng một cách hiệu quả và khoa học các nguồn lực và tiềm lực cho cơ hội chuyển mình của dân tộc thì việc thực hiện tư duy tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách. Việt Nam, cũng như các nền kinh tế đang chuyển đổi khác, đều phải đối mặt với lời nguyền tài nguyên trong quá trình phát triển: phụ thuộc vào quá nhiều vào nguồn lực vốn và vật chất sau một thời gian dài thiếu thốn nguồn lực. Điều này tạo ra nguy cơ gây xói mòn các nguồn lực kinh tế đã tích lũy được, do đó không chỉ thách thức mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà còn có thể khiến quốc gia đối mặt vấn đề bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi đó, lượng tài nguyên thiên cần khai thác và các tác động tiêu cực tạo ra trong quá trình phát triển lại gia tăng cho cùng mức độ phát triển (10, 11).

Trong bối cảnh này, bài viết đóng góp phân tích căn nguyên kinh tế, đặc biệt mối quan hệ biện chứng giữa tiết kiệm-phát triển từ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm chỉ ra tính khả thi, các điều kiện cần và đủ, vai trò của xác định chiến lược và đoàn kết triển khai, cũng như tính cấp thiết của một ý chí đoàn kết kiên định xung quanh mục tiêu chiến lược.

Tiết kiệm-đầu tư: Mối quan hệ biện chứng giúp nuôi dưỡng và tích lũy nguồn lực phát triển quốc gia

Châm ngôn ngàn đời của thế giới mà giới kinh tế học đều biết, nhưng không phải lúc nào cũng tuân thủ: “Tiết kiệm là mẹ của mọi khoản đầu tư”. Lối sống tiết kiệm là nền tảng của đầu tư, phát triển, có liên quan mật thiết tới nhận thức, suy nghĩ, thái độ, hành vi tiêu dùng. Theo một số nhà kinh tế học, về lâu dài, mức tích lũy vốn của một quốc gia do tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia đó quyết định; tiết kiệm quốc gia bằng tổng tiết kiệm của người dân, nhà nước và doanh nghiệp; khi mức tiết kiệm quốc gia tăng cao, trữ lượng vốn quốc gia sẽ tăng nhanh, và sản lượng tiềm năng cũng sẽ tăng nhanh. Khi mức tiết kiệm quốc gia xuống thấp, các trang thiết bị, máy móc và các công ty trở nên lạc hậu và kết cấu hạ tầng xuống cấp (49).

Kinh tế học hiện đại liên quan trực tiếp tới tiết kiệm ngay từ hình thái ngôn ngữ. “Economical” là tính từ chỉ tính tiết kiệm, còn “economic” là tính từ chỉ sự vật, hiện tượng, khái niệm thuộc về nền kinh tế/kinh tế học. Tuy vậy, sự phát triển quá mạnh của chủ nghĩa trọng tiêu dùng hình thái tư bản (Capitalist Consumerism) đã dẫn đến sự xuất hiện nhiều khuynh hướng xa rời bản chất tiết kiệm gốc rễ, dẫn tới “lãng phí”, tiêu diệt sinh lực kinh tế, cạn kiệt tài nguyên đầu tư.

Để kích thích phát triển kinh tế, chủ nghĩa trọng tiêu dùng thúc đẩy việc tạo ra ham muốn tiêu dùng “vô tận” thay cho các nhu cầu tiêu dùng hữu hạn để thúc đẩy tốc độ sản xuất của nền kinh tế thông qua quảng cáo, nghệ thuật bán hàng, và mở rộng các kênh cung cấp tài chính cho người tiêu dùng, v.v... (12). Điều này làm thay đổi hệ giá trị từ tiết kiệm sang hưởng thụ, từ đó thúc đẩy lối tiêu dùng phô trương (conspicuous consumption). Khi đấy, người tiêu dùng chi tiêu với mục đích để phô bày sự giàu có, địa vị hoặc uy tín xã hội, và hưởng thụ, mang tính hình thức hơn là vì các giá trị nội tại hoặc công năng thực sự (13). Xu hướng tiêu dùng này tiếp tục được khuyếch đại dưới ảnh hưởng tâm lý theo hiệu ứng Duesenberry (14, 15) do người tiêu dùng bị áp lực phải “vươn tới” mức tiêu dùng của người khác có mức thu nhập ở bậc kế tiếp cao hơn, nhằm duy trì hoặc tăng cường địa vị xã hội và uy tín của bản thân. Điều này không chỉ hình thành và củng cố văn hóa, lối sống vật chất và hình thức, khuếch đại rủi ro lãng phí trên quy mô lớn (16, 17), mà còn tiềm ẩn rủi ro kinh tế ở nhiều cấp độ, từ cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tới quốc gia (18).

Sự hình thành và lan tỏa của văn hóa và lối sống vật chất và hình thức trong xã hội có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng và tiết kiệm của người dân. Mặc dù việc tiêu dùng phô trương có thể tạo tác động gia tăng tổng cầu và kích thích sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn, nó lại ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiết kiệm. Điều này làm suy giảm khả năng tích lũy vốn dành cho các khoản đầu tư sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hóa, và đổi mới công nghệ, cản trở sự tăng trưởng dài hạn của quốc gia. Nghiên cứu của Kim & Lau (19) đã chỉ ra rằng nguồn động lực giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của bốn nước công nghiệp hóa mới của Đông Á, là Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, và Đài Loan, từ thập niên 1960 đến 1990 là sự tích lũy vốn, đóng góp tới 48-72% quy mô tăng trưởng. Tương tự, sự tích lũy vốn cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp cho Trung Quốc hiện thực hóa sự tăng trưởng thần kỳ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là quốc gia đạt được tăng trưởng về tiêu chuẩn sống nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người (20, 21).

Bên cạnh cản trở sự tích lũy vốn, văn hóa đề cao tiêu dùng phô trương còn làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng và đe dọa ổn định tài chính trong xã hội. Trong môi trường văn hóa này, nhiều người dù còn thiếu thốn phương tiện kinh tế cũng chịu áp lực tăng cường chi tiêu để cố gắng “theo đuổi” và mô phỏng hành vi tiêu dùng của người giàu để nâng cao địa vị và thăng tiến trong xã hội. Từ đó tạo nên gánh nặng nợ nần, và hạn chế phát triển giá trị nội tại của bản thân, tạo ra một vòng lẩn quẩn về bất bình đẳng kinh tế (22). Chưa kể, phát triển ngành hàng/dịch vụ xa xỉ làm chuyển hướng nguồn lực kinh tế ra khỏi các ngành thiết yếu, gây ra tình trạng phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gia tăng bất bình đẳng và phân bố nguồn lực kém hiệu quả có thể khiến quốc gia dễ tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng (23-28).

Không chỉ tạo ra các gánh nặng kinh tế, văn hóa sùng bái tiêu dùng còn tạo ra các tác động tiêu cực đối với các vấn đề tâm lý xã hội khác. Chủ nghĩa trọng tiêu dùng thúc đẩy hình thành các “hình mẫu cá nhân” gắn liền với những nhu cầu “vô hạn”, niềm vui vật chất theo chủ nghĩa khoái lạc, không hài lòng với “cuộc sống an ổn”, trọng hình thức, và trọng vật chất trong các mối quan hệ xã hội. Sự chuyển dịch tâm lý này có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, như gia tăng sự căng thẳng, lo âu, và trầm cảm (29). Sự suy giảm sức khỏe tinh thần có tác động tiêu cực đối với năng suất lao động của người dân (30, 31).

Tiêu dùng phô trương và lãng phí là một trong những nguyên nhân làm nghiêm trọng hơn tham nhũng và tiêu cực trong xã hội. Những cá nhân tham gia vào lối sống tiêu dùng xa hoa và lãng phí đóng vai trò trong việc tạo nên những hình mẫu phi đạo đức, thậm chí tìm cách hợp pháp hóa và hợp lý hóa các hành vi phi đạo đức, dẫn đến lây lan tham nhũng trong xã hội cả ở bề rộng lẫn chiều sâu. Lối sống lãng phí cũng thường liên quan trực tiếp tới những hoạt động gây tổn hại nền móng kinh tế và niềm tin xã hội như gia tăng quy mô kinh tế ngầm, rửa tiền hay bao che hoạt động kinh tế phi pháp (32).

Trong số các khuyết tật của kinh tế thị trường có khuynh hướng khủng hoảng thừa và kích thích tiêu dùng lãng phí, và không nền kinh tế thị trường nào ngoại lệ. Để cho tư duy lãng phí lây lan trong xã hội sẽ khiến cho tương lai trở nên bất trắc, nhưng nợ nần, gánh nặng tài chính, thói quen tiêu dùng dục nhiễm, tham nhũng và tiêu cực trong xã hội lại trở thành xác định. Thực tế này có liên quan sâu sắc tới nền tảng văn hoá xã hội, các giá trị sâu sắc với vai trò rường cột trong tâm thức một dân tộc.

Một trong những lý do sâu xa khiến Trung Quốc áp dụng chính sách mạnh tay với giới nghệ sĩ ăn chơi xa hoa là mong muốn bảo vệ và duy trì nền văn hóa tiết kiệm, lối sống tiết chế và lành mạnh, cũng chính là một sức mạnh đóng vai trò quan trọng trong bồi đắp sinh lực kinh tế của quốc gia trong nhiều thập niên. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok lại đang khuếch đại văn hóa tiêu dùng vô độ, khiến giá trị của sự tiết kiệm và cân nhắc trong chi tiêu dần bị xem nhẹ, ngay cả ở những quốc gia từng hiểu và thực hành thành công lối sống này trong quá khứ. Văn hóa tiêu dùng không kiểm soát một khi lan rộng có thể làm suy yếu các giá trị cốt lõi giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của một nền kinh tế.

Khi các giá trị khuyến khích sự lãng phí trở thành một trong các tiêu chuẩn và được lan tỏa trong xã hội, nó không chỉ tác động đến suy nghĩ và hành vi của các cá nhân, hộ gia đình, và tập thể, mà còn ảnh hưởng đến quyết sách và hành động của các cơ quan, lãnh đạo cơ quan các cấp, ban ngành, và tỉnh thành. Trong đó có những cơ quan và lãnh đạo cơ quan được giao trọng trách quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công cho các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đổi mới và phát triển khoa học-công nghệ, đảm bảo an ninh quốc phòng, và cải thiện cuộc sống của người dân.

Mặc dù Quốc hội đã thông qua Luật số 44/2013/QH13 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý nhà nước, khai thác và sử dụng tài nguyên, và hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, các nhân (33), nhưng vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể từ ý chí pháp luật tới thực tế triển khai. Một trong những nguyên nhân sâu xa chính là các giá trị văn hóa tiết kiệm vẫn chưa được hình thành và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, kể cả trong bộ máy quản lý nhà nước. Chính vì thế, thực trạng cho thấy các nguồn lực đầu tư công ở nhiều dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm vẫn đang được vận dụng thiếu hiệu quả, gây thất thoát và lãng phí rất lớn nguồn lực và tiềm lực của quốc gia. Một ví dụ cụ thể gây chú ý là lãng phí lớn ngân sách nhà nước tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nam. Mặc dù hai bệnh viện Trung ương được Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng vào năm 2014 với tổng số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, đến nay cả hai cơ sở vẫn chưa được đưa vào hoạt động (34). Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được thiết kế với quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, trong khi cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Chậm trễ đưa hai bệnh viện vào hoạt động làm lãng phí và gây tổn thất trên phương diện chi phí cơ hội, cụ thể là phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bên cạnh đó, các dự án đã được xác định rõ mục tiêu triển khai và đạt được sự đồng thuận, nhưng vẫn trì trệ không thể triển khai do tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, cũng góp phần làm lãng phí nguồn lực tài chính và con người, tài nguyên và hạ tầng, cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, và cả niềm tin của người dân vào các cơ quan lãnh đạo. Một ví dụ điển hình là dự án chống ngập triều ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016 với mục tiêu kiểm soát lụt cho 570 km², phục vụ khoảng 6,5 triệu dân tại các khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn (35). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, khiến cho việc giải ngân trở nên chậm trễ.

Sự xuống cấp của hệ văn hóa liên quan đến môi sinh cũng là một minh chứng rõ ràng khác cho sự nguy hiểm của văn hóa lãng phí và tầm quan trọng của văn hóa tiết kiệm. Nhu cầu tiêu dùng các sản vật từ thiên nhiên hoặc khai thác tài nguyên ngày càng gia tăng mà thiếu sự điều tiết và kiểm soát, dẫn đến nhu cầu khai thác không giới hạn (3, 36, 37). Trong khi đó, tài nguyên môi sinh vốn dĩ rất hữu hạn. Khi mức độ khai thác tài nguyên thiên nhiên vượt quá khả năng tái tạo của hệ sinh thái, nó sẽ tạo ra thâm hụt sinh thái (38, 39). Về lâu dài, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc cạn kiệt tài nguyên, mà còn dẫn đến tình trạng “tăng trưởng bần khốn”, kéo theo sự xuống cấp của hệ giá trị văn hóa và suy giảm năng lực kinh tế. Lúc này, năng lực phát triển kinh tế-xã hội sẽ bị thu hẹp, trong khi nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên và các tác động tiêu cực từ quá trình phát triển lại gia tăng không tương xứng với mức độ phát triển đạt được (10). Trong bối cảnh rủi ro biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và suy thoái môi trường đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, rủi ro này càng trở nên rõ rệt.

Có thể thấy, quan hệ tiết kiệm-đầu tư là cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn khách quan ủng hộ quan điểm “chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm (9). Phải có tiết kiệm thì chúng ta mới có nguồn lực và tiềm lực để đầu tư cho sự phát triển và bền vững tương lai. Thật vậy, một trong 10 yếu tố văn hoá tiến bộ do Lawrence E. Harrison đề xuất đầu thiên niên kỷ được Liên Hợp quốc thường xuyên sử dụng là: Lối sống tiết kiệm, không lãng phí (40). Sống tiết kiệm không nên hiểu theo nghĩa hạn hẹp là chi li dè xẻn trong chi tiêu, mà nhìn bao quát là lối sống có ý thức xem tài nguyên là hữu hạn, không lãng phí vào các mục đích phô bày sự giàu có, địa vị xã hội, hưởng thụ ích kỷ. Văn minh tiết kiệm tạo điều kiện cho sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả vào các mục tiêu giúp tích lũy nguồn lực, phát triển các giá trị nội tại, đảm bảo tương lai bền vững cho bản thân, xã hội, và các thế hệ mai sau.

Cũng chính vì thế mà “chống lãng phí” sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu “phòng, chống tham nhũng, và tiêu cực”, một nghị sự trọng tâm trong xây dựng và phát triển đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết và dầy công vun đắp (38). Một xã hội với hệ giá trị văn hóa và tâm thức đề cao việc “chống lãng phí” là một xã hội không phải chịu áp lực về chạy đua tiêu dùng và phô trương hình thức, cũng như ý thức được các tác hại của việc chi tiêu lãng phí, một trong những nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy tham nhũng và tiêu cực. Đó là xã hội phát huy được sức phấn đấu của hệ tư tưởng luận lành mạnh.

Tính khả thi của quốc sách tiết kiệm để phát triển vì một kỷ nguyên mới thịnh vượng

Một mục tiêu rất cao mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra là đất nước ta cần có, và dám đặt ra, những tiền đề và điều kiện để đạt mức tăng trưởng hai con số, tức là từ 10% mỗi năm. Khi so sánh với dữ liệu lâu dài kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới năm 1986, giai đoạn tăng trưởng cao nhất, vào khoảng 9% mỗi năm dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có thể thấy được mục tiêu này là rất thách thức. Tuy vậy, chúng ta cũng đang sống trong kỷ nguyên tạo nên những thành tựu “không tưởng”. Đây là kỷ nguyên mà SpaceX của Elon Musk cải tiến và sáng tạo ra cách sử dụng “đũa thần” để thu giữ tầng tên lửa đẩy tàu không gian Starship—không khác các bộ phim viễn tưởng là mấy—chỉ để nhằm tiết kiệm chi phí. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tạo ra nguồn lực cho các đầu tư chiến lược, mục tiêu “chống lãng phí” mà Tổng Bí thư đặt ra càng trở nên đúng đắn và cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính mục tiêu tăng trưởng trên 10% này làm nổi bật vai trò quan trọng của việc tối ưu hóa nguồn lực và quản lý chặt chẽ các yếu tố kinh tế, nhằm đạt được sự phát triển bền vững và vươn lên trong kỷ nguyên mới. Tính khả thi của việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ nằm ở các yếu tố sau.

Trước tiên và trên hết là phẩm chất năng lực bộ máy nhà nước quản lý điều hành phân phối nguồn lực cho mục tiêu lớn của nghị sự quốc kế dân sinh (8, 42). Do đó, việc tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần phải được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, như rà soát lại và loại bỏ các chức năng chồng chéo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tối ưu hóa biên chế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi cơ cấu tổ chức, v.v.. Ngoài ra, để nâng cao phẩm chất năng lực của bộ máy, sự chuyển đổi trong tư duy lãnh đạo, hướng đến các mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, và thân thiện hơn với doanh nghiệp, hết sức cần thiết, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật (8, 43).

Theo Bộ Nội vụ, tính trong năm 2022, các bộ, ngành Trung ương đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ, và 1.042 đơn vị sự nghiệp công lập (44). Bản thân Tổng Bí thư cũng là tấm gương đi đầu trong tinh gọn bộ máy các tổng cục từ khi lãnh đạo Bộ Công an, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí thường xuyên của bộ máy nhà nước (45).

Sự điều hành và phân phối nguồn lực của bộ máy nhà nước cần dựa trên hai nguyên lý cốt lõi:

  1. Hiệu quả: Làm đúng việc
  2. Hiệu suất: Làm việc đúng phương pháp

Đánh giá được chính xác giá trị tiềm năng và khả năng hoàn thành của mục tiêu là hai yếu tố quan trọng giúp xác định được đúng việc. Trong khi đó, việc cân nhắc tỷ lệ giữa lợi ích và chi phí sẽ giúp xác định được các phương pháp và cách tiếp cận phù hợp, giúp đạt hiệu suất cao. Hiệu suất ở đây ám chỉ năng suất và số lượng đầu ra trên một đơn vị đầu vào như thời gian, nguồn vốn. Vi phạm hai nguyên lý trên đều có khả năng dẫn đến lãng phí và gây tổn thất trên nhiều phương diện, như tiền của, tài nguyên, thời gian, công sức, và tăng cao chi phí cơ hội. Đó là lý do tư duy logic khoa học và hiểu rõ quan hệ biện chứng hết sức quan trọng. Chỉ khi nhận thức đúng và đủ trước khi lên kế hoạch và triển khai các chương trình mới tránh/hạn chế được lãng phí, thất thoát, và tiêu cực. Bên cạnh đó, việc giám sát cũng cần dựa trên nguyên lý hiệu quả và hiệu suất. Việc đặt sai mục tiêu có khả năng gây lãng phí toàn cục, trong khi thực thi sai phương pháp hay cách thức có khả năng gây lãng phí cục bộ. Vì thế, việc liên tục giám sát và kiểm soát các chỉ số hiệu quả và hiệu suất trong quản lý đầu tư nhà nước, như chỉ số Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), là rất cần thiết (46). Chỉ số này cũng thường được xã hội quan tâm để đánh giá mức độ hiệu quả của các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó là sự tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật đối với hoạt động kinh tế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ chủ trương: Tạo điều kiện phát triển, huy động nguồn lực cho dân sinh, không hình sự hoá các quan hệ dân sự nếu không vi phạm pháp luật, v.v.. (47). Chủ trương và ý chí đúng đắn này sẽ có khả năng giải phóng nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước, tạo nên một công cuộc tháo gỡ vướng mắc, cởi trói vận hành nền kinh tế, động viên tinh thần lao động sáng tạo... của các tầng lớp xã hội. Trong khi đó, “đổi mới sáng tạo” đã và đang là từ khoá quan trọng bậc nhất của những mục tiêu lớn, và rõ ràng không thể có sáng tạo nếu không có đầu tư hiệu quả và đầy đủ (48).

Xác định chiến lược của Tổng Bí thư cũng là định hướng để Nhà nước kiên định với các mục tiêu điều hành kinh tế hiệu quả, an toàn, nhưng không bỏ lỡ thời cơ phát triển mà thời đại mang đến (1, 5). Trong đó, cụ thể nhất là quan hệ giữa lãi suất, tiền lương và khả năng tạo ra sáng tạo của một nền kinh tế. Những bài học lịch sử của những nền kinh tế đã thành công, làm nên vị thế lịch sử từ Anh, Đức, Pháp, Mỹ tới Trung Quốc cho thấy quan hệ: lãi suất thấp, lương lao động tăng tốt chính là nền tảng kinh tế phía sau năng lực sáng tạo của một xã hội trong dài hạn.

Ngay cả điều này cũng liên quan trực tiếp tới luận điểm tư tưởng cốt lõi của Tổng Bí thư: Chống lãng phí (9). Không tiết kiệm, lấy ngân sách đâu tăng lương? Không chống lãng phí, làm sao hạn chế được các chi phí tăng cao tổn thất tài chính các giao dịch, phát sinh các yếu tố của lạm phát và khiến cho bằng lãi suất ở mức cao, giảm dư địa điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ? Nếu tư tưởng, suy nghĩ, thói quen con người, bao gồm cả công chức không xây dựng được văn hoá chống lãng phí, tiêu cực thì nhiệm vụ hạn chế các chi phí, tổn thất tài nguyên do “ma sát” phi thị trường này sẽ gây khó khăn, thách thức tới mức nào với các mục tiêu lớn về phát triển thịnh vượng và bền vững? (46).

“Không có gì là không thể” (50). Để vươn lên, Việt Nam cần có một ý chí lãnh đạo mạnh mẽ, dám đặt ra những mục tiêu lớn lao, như tư tưởng Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra rõ ràng, dứt khoát. Những mục tiêu lớn ấy cũng còn cần được tiếp tục xây dựng, triển khai vào những chương trình và cả bước đi cụ thể. Quan trọng hơn cả, hệ thống mục tiêu và phương pháp cần phải được thực thi một cách rốt ráo, hiệu quả và kiên trì. Trong đó, việc tiết kiệm và chống lãng phí cần được xây dựng trở thành nền tảng văn hoá xã hội và rường cột trong tâm thức của dân tộc, trở thành niềm tin kiên định. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược dài hạn, đặc biệt kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045 dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm phòng, chống lãng phí trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, vì đó chính là chìa khóa để nuôi dưỡng ý chí, tinh thần, và tích lũy nguồn lực, đặt nền móng bền vững cho sự phát triển thịnh vượng và vươn tầm cao mới mai sau.

TS. Vương Quân Hoàng (1,4), TS. Nguyễn Hồng Sơn (2),

TS. Nguyễn Minh Hoàng (3)

(1) Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành, Trường ĐH Phenikaa

(2) Nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương

(3) Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành, Trường ĐH Phenikaa

(4) Giáo sư nghiên cứu (kiêm nhiệm), Korea University, Seo

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới. https://special.nhandan.vn/tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-Dang/index.html

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính (2024) "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm

3. Hoàng VQ, Hoàng NM, & Sơn NH (2023) Không hy sinh rừng để phát triển kinh tế - xã hội: Việt Nam lựa chọn lối hài hòa, cân bằng sinh thái. https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/Lists/XayDungDang/View_Detail.aspx?ItemID=198

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập 1 (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội).

5. Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. https://special.nhandan.vn/phat-huy-tinh-Dang-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-Vietnam/index.html

6. Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Người thầy là đầu tàu cho giáo dục. https://nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-nguoi-thay-la-dau-tau-cho-giao-duc-post843982.html

7.Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Con đường của Việt Nam, quan hệ với Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới. https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/con-duong-cua-viet-nam-quan-he-voi-hoa-ky-va-tam-nhin-cho-ky-nguyen-moi-678703.html

8.Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả. https://special.nhandan.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua/index.html

9. Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) Chống lãng phí. https://special.nhandan.vn/chong-lang-phi/index.html

10. Hoàng VQ, Sơn NH, & Hoàng NM (2024) Từ luận đề văn hóa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ed. TBT Nguyễn Phú Trọng (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội), pp 876-880.

11. Hoang VQ & Napier NK. (2014) Resource curse or destructive creation in transition: Evidence from Vietnam's corporate sector. Management Research Review 37(7):642-657.

12. Kasser TE & Kanner AD (2004) Psychology and consumer culture: The struggle for a good life in a materialistic world (American Psychological Association).

13. Veblen T (2017) The theory of the leisure class (Routledge).

14. Duesenberry JS (1949) Income, saving and the theory of consumer behavior (Harvard University Press).

15. Mason R (2000) The social significance of consumption: James Duesenberry’s contribution to consumer theory. Journal of Economic Issues 34(3):553-572.

16. Vuong Q-H (2023) Mindsponge theory (Walter de Gruyter GmbH).

17. Vuong Q-H & Nguyen M-H (2024) Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation.

18. Watkins JP (2023) The origins and evolution of consumer capitalism: a Veblenian-Keynesian perspective (Routledge).

19. Kim J-I & Lau LJ (1994) The sources of economic growth of the East Asian newly industrialized countries. Journal of the Japanese and International Economies 8(3):235-271.

20. Yueh L (2013) What drives China's growth? National Institute Economic Review 223:R4-R15.

21. Ross J, Zheng J, & Prime KS (2016) What can be learned from China’s success? Journal of Chinese Economic and Business Studies 14(1):51-68.

22. Banuri S & Nguyen H (2023) Borrowing to keep up (with the Joneses): Inequality, debt, and conspicuous consumption. Journal of Economic Behavior and Organization 206:222-242.

23. Bollyky TJ, et al. (2022) Pandemic preparedness and COVID-19: an exploratory analysis of infection and fatality rates, and contextual factors associated with preparedness in 177 countries, from Jan 1, 2020, to Sept 30, 2021. The Lancet 399(10334):1489-1512.

24. Restuccia D & Rogerson R (2017) The causes and costs of misallocation. Journal of Economic Perspectives 31(3):151-174.

25.Dias DA, Marques CR, & Richmond C (2016) Misallocation and productivity in the lead up to the Eurozone crisis. Journal of Macroeconomics 49:46-70.

26.Perugini C, Hölscher J, & Collie S (2016) Inequality, credit and financial crises. Cambridge Journal of Economics 40(1):227-257.

27. Malinen T (2016) Does income inequality contribute to credit cycles? The Journal of Economic Inequality 14:309-325.

28. Kumhof M, Rancière R, & Winant P (2015) Inequality, leverage, and crises. American Economic Review 105(3):1217-1245.

29. Guitart ME (2011) The consumer capitalist society and its effects on identity: A macro cultural approach. Revista Psicologia Política 11(21):159-170.

30. de Oliveira C, Saka M, Bone L, & Jacobs R (2023) The role of mental health on workplace productivity: a critical review of the literature. Applied Health Economics and Health Policy 21(2):167-193.

31. Bubonya M, Cobb-Clark DA, & Wooden MJLe (2017) Mental health and productivity at work: Does what you do matter? Labour Economics 46:150-165.

32. Prabowo HY (2023) Where is the life we have lost in living (beyond means)? An exploratory inquiry into the deceptive world of corruption and consumerism. Journal of Financial Crime.

33. Quốc hội (2014) Luật số 44/2013/QH13 của Quốc hội: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=171416

34. Vietnam+ (2024) ‘Ngân sách nhà nước bị lãng phí lớn với Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2’. https://www.vietnamplus.vn/ngan-sach-nha-nuoc-bi-lang-phi-lon-voi-benh-vien-bach-mai-viet-duc-co-so-2-post989601.vnp

35. Quân M (2024) Siêu dự án ngăn triều ở TPHCM bị cắt vốn 6.800 tỉ đồng. https://laodong.vn/xa-hoi/sieu-du-an-ngan-trieu-o-tphcm-bi-cat-von-6800-ti-dong-1408906.ldo

36. Nguyen M-H & Jones TE (2022) Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice 4(12):e12822.

37. Vuong Q-H & Nguyen M-H (2024) Call Vietnam mouse-deer ‘cheo cheo’ and let empathy save them from extinction: a conservation review and call for name change. Pacific Conservation Biology 30:PC23058.

38. Vuong Q-H & Nguyen M-H (2024) Better economics for the Earth: A lesson from quantum and information theories (AISDL).

39. Vuong QH (2021) The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters 10(3):284-290.

40. Harrison LE (2000) Promoting progressive cultural change. Culture matters: How values shape human progress, eds Harrison LE & Huntington SP (Basic Books).

41. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2023) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội).

42. Sơn NH & Thái NH (2024) Chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước: Từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam (NXB Giao thông Vận tải).

43. Dũng NS (2024) Tinh gọn bộ máy theo thông điệp của Tổng Bí thư: Những đề xuất. https://dantri.com.vn/tam-diem/tinh-gon-bo-may-theo-thong-diep-cua-tong-bi-thu-nhung-de-xuat-20241114144022466.htm

44. Thư M (2022) Năm 2022, giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ. https://dangcongsan.vn/phap-luat/nam-2022-giam-17-tong-cuc-8-cuc-va-145-vu-628647.html

45. Báo Nhân Dân (2024) Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống chính trị: “Chìa khóa” để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. https://special.nhandan.vn/Bai-1-Nhung-la-co-dau-trong-viec-tinh-giam-sap-xep-to-chuc-lai-hieu-qua-bo-may-hoat-dong/index.html

46. Chính PM & Hoàng VQ (2009) Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật).

47. Báo Lao Động (2024) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm. https://laodong.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dut-khoat-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-1410459.ldo

48. Vuong Q-H (2022) A new theory of serendipity: Nature, emergence and mechanism (Walter De Gruyter GmbH).

49. Paul A. Samuelson, William D. Nordhaus: Kinh tế học, Tập II, (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr 109-110).

50. Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản – Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Hội thảo khoa học quốc gia, Hà Nội, ngày 15-11-2024).

...