VNHN-“Để du lịch miền Trung – Tây Nguyên đột phá phát triển, cần bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “biển, hải đảo – rừng, núi”, PGS., TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải miền Trung nhấn mạnh tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên vừa qua.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” vừa được tổ chức tại TP. Huế vào dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội nghị, 15 doanh nghiệp đã được trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 32.300 nghìn tỷ đồng.
Là cửa ngõ ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung và Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Khu vực này cũng hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch... Song thực tế du lịch miền Trung – Tây Nguyên phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Hiệu quả của hoạt động phát triển du lịch, nhất là về thu nhập và tạo việc làm cho xã hội còn hạn chế, cụ thể trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó, miền Trung - Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 28% khách quốc tế cả nước); tổng thu hơn 110.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch cả nước…
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều diễn giả đã thẳng thắn nhìn nhận: Sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của khu vực này. Du lịch miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thể hiện qua việc khai thác thô tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương; thiếu dịch vụ đi kèm, hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, giao thông, phương tiện vận chuyển khách, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu…
Bên cạnh đó, nổi lên những tồn tại đáng lưu ý như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp, hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu. Đặc biệt là tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Đổi mới tư duy trong phát triển du lịch
Theo PGS., TS. Trần Đình Thiên, cần từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “biển, hải đảo – rừng, núi”. Cụ thể cần nối Duyên hải với Tây Nguyên theo từng cụm phát triển du lịch – Cụm Duyên hải phía Bắc – Tây Nguyên, lấy Đà Nẵng làm trụ và Cụm Duyên hải phía Nam – Tây Nguyên, lấy Nha Trang làm trụ. Đồng thời tập trung phát triển “cánh gà” du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, tạo chuỗi du lịch Lăng Cô, Chân Mây – Huế – Bạch Mã – Quảng Trị – Quảng Bình, phối hợp với “cánh gà” phía Nam Hải Vân với chuỗi du lịch Đà Nẵng – Hội An – Bà Nà – Mỹ Sơn, tạo thành Vùng Du lịch đẳng cấp cao của thế giới…
Đồng thuận với quan điểm PGS., TS. Trần Đình Thiên, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung kiến nghị, cần xác định rõ cơ sở thực tiễn và pháp lý vùng kinh tế để lập quy hoạch vùng và xây dựng cơ chế liên kết phát triển vùng; xác định kinh tế ven biển miền Trung có vai trò động lực trong Chiến lược kinh tế 2021 – 2030…
Trần Du Lịch đề xuất, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện tuyến đường ven biển gắn với việc phát triển 5 trụ cột kinh tế ven biển mang tầm dự án quốc gia; Xây dựng cơ chế liên kết tạo điểm đến cho các “Vùng du lịch phía Bắc và phía Nam”; Xây dựng “Quỹ xúc tiến du lịch vùng” và Nhà nước phân bố ngân sách đầu tư du lịch theo vùng.
Nêu bật những tiềm năng, thế mạnh của du lịch miền Trung – Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế như các dịch vui chơi giải trí còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá…
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, ngành Du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạng tầng du lịch; các điểm đến; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…
Ngô Kiến-TCTC