10/01/2025 lúc 19:24 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình tập đoàn kinh tế tại một số nước và gợi ý cho Việt Nam

Tập đoàn kinh tế tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ thường được biết đến với tên gọi Consortium, Conglomerate, Cartel, Trust, Alliance, Syndicate hay Group. Ở châu Á, trong khi người Nhật Bản gọi tập đoàn kinh tế là Keiretsu hoặc Zaibatsu thì người Hàn Quốc lại gọi là Cheabol và Trung Quốc gọi là Jituan Gongsi. Tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia.

1. Mô hình tập đoàn kinh tế tại một số nước trên thế giới

Các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới thường là các công ty xuyên quốc gia kinh doanh đa ngành nghề, có nhà máy, cửa hàng, chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều nước, tiềm lực kinh tế mạnh. Các tập đoàn kinh tế là nhân tố chủ chốt trong việc huy động tối đa các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực lớn trong xã hội vào sản xuất - kinh doanh với quy mô lớn, từ đó tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; tạo cơ sở nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện trách nhiệm giải quyết việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… qua đó tạo ra những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, các quốc gia thành công như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tạo môi trường cho sự hình thành và phát triển các mô hình tập đoàn mang bản sắc riêng.

Trên thế giới cũng đã có nhiều mô hình tập đoàn kinh tế được áp dụng, từ mô hình các tập đoàn ở các quốc gia Âu - Mỹ đến các nước châu Á như Nhật Bản (mô hình Keiretsu), Hàn Quốc (mô hình Chaebol), Trung Quốc (mô hình Jituan Gongsi) và nhiều mô hình tập đoàn khác. Trong đó, mô hình tập đoàn tại các quốc gia Âu - Mỹ được hình thành dựa trên nền tảng kinh tế phát triển từ rất lâu đời về thương mại, công nghiệp và dịch vụ. Các tập đoàn này thường khởi đầu từ các doanh nghiệp gia đình trong một số ngành nghề nhất định, thông qua quá trình sáp nhập và mở rộng hoạt động để hình thành lên các tập đoàn kinh tế lớn mạnh.

Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, các tập đoàn kinh tế được hình thành và phát triển từ nửa cuối thế kỷ XIX và chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân. Các tập đoàn KTTN không chỉ là biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ, dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, mà còn ảnh hưởng đến xu hướng phát triển công nghệ của nhân loại. Tại Hoa Kỳ có hai hình thức liên kết tập đoàn kinh tế cơ bản: (i) Tập đoàn hợp tác hình thành trên sự thỏa thuận của các công ty độc lập, không có công ty nào giữ quyền chi phối toàn bộ hoạt động của tập đoàn; (ii) Tập đoàn theo thứ bậc, trong đó có một công ty giữ quyền chi phối tập đoàn. Hình thức tập đoàn theo thứ bậc có hai hình thức là hỗn hợp và kim tự tháp. Để quản lý cũng như hạn chế những tổn thất cho nền kinh tế trong trường hợp các tập đoàn kinh tế sụp đổ, hệ thống quy định pháp luật của Hoa Kỳ đã đưa ra các quy định để làm giảm số tầng bậc trong tập đoàn kinh tế.

Tại Nhật Bản, Zaibatsu hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ khai thác khoáng sản, đóng tàu chế tạo động cơ đốt trong, thép, dệt may, hóa chất, lọc dầu, cho đến dệt may, sản xuất bia, chế biến thực phẩm, bảo hiểm, làm giấy… trong đó, ngân hàng và công ty thương mại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sau thế chiến thứ hai, mô hình Zaibatsu được thay thế bằng mô hình Keiretsu độc lập hơn với Chính phủ và phù hợp hơn với tình hình kinh tế mới. Về bản chất, Keiretsu là những tập đoàn hay tổ hợp các công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực liên kết lại với nhau về các mặt như tài chính, nhân lực, nguyên nhiên liệu, công nghệ, phân phối… Theo cách phân chia hiện hành thì Keiretsu có hai loại: Keiretsu liên kết dọc và Keiretsu liên kết ngang. Trong đó, Keiretsu liên kết dọc sẽ bao gồm các doanh nghiệp cung cấp nguyên, vật liệu hoạt động như những vệ tinh xoay quanh các nhà máy sản xuất lớn trên cơ sở chia sẻ về công nghệ, thương hiệu và quy trình tổ chức kinh doanh. Đặc điểm nổi bật của Keiretsu là tính chuyên môn hóa cao và mối liên kết giữa các doanh nghiệp dựa trên lợi ích kinh tế. Keiretsu liên kết ngang thể hiện mối quan hệ giữa các thực thể, thông thường xoay quanh một ngân hàng và một công ty thương mại (thường gồm nhiều doanh nghiệp), được liên kết với nhau thông qua việc nắm giữ cổ phần chéo và quan hệ thương mại. Keiretsu liên kết ngang được bàn đến nhiều nhất bởi chúng có sức mạnh chi phối rất lớn đến nền kinh tế Nhật Bản. Để thích nghi với sự thay đổi nhanh của kinh tế thế giới, mô hình tập đoàn kinh tế của Nhật Bản liên tục có sự tinh chỉnh, tuy nhiên về cơ bản, trong các tập đoàn của Nhật Bản vẫn thường có một định chế tài chính (ngân hàng) trung tâm để huy động, thu xếp vốn cho toàn bộ tập đoàn1. Các ngân hàng trung tâm đóng vai trò là cổ đông trong các công ty thành viên của tập đoàn, thực hiện việc thanh toán, bảo lãnh, cấp tín dụng cho các công ty thành viên.

Các Chaebol Hàn Quốc được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động với nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ đã nhanh chóng vươn lên trở thành mô hình tiêu biểu. Trong đó, về cơ cấu sở hữu trong các Chaebol có thể chia làm ba loại gồm: cơ cấu sở hữu trực tiếp (mô hình của Han Jin Group) với công ty mẹ là chủ sở hữu và các công ty chi nhánh; cơ cấu công ty cổ phần (mô hình của Daewoo Group) với công ty mẹ là chủ sở hữu, các công ty cổ phần và công ty chi nhánh; cơ cấu sở hữu hỗn hợp (mô hình của Samsung Group) với công ty mẹ là chủ sở hữu, các công ty cổ phần, các tổ chức trung gian và các công ty chi nhánh. Các Chaebol đều áp dụng mô hình “kim tự tháp” thể hiện một nền chuyên chế độc tài. Tuy nhiên, cùng với xu thế chung của thế giới, cũng như tăng sức cạnh tranh và khả năng sinh lời, các Chaebol Hàn Quốc đã không ngừng đa dạng hóa ngành, lĩnh vực, cũng như mở rộng phạm vi kinh doanh. Đặc trưng của các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó, tính sở hữu chéo rất mạnh và tính phân cấp cao. Sự phân cấp trong tập đoàn của Hàn Quốc không đơn giản là sự phân cấp từ quá trình đầu tư vốn từ công ty cấp trên xuống công ty cấp dưới, mà sự phân cấp hình thành từ quy mô tài sản và khả năng chi phối. Mô hình này có ưu điểm nổi trội như tính quyết đoán cao và khả năng phản ứng nhanh trước những vấn đề sống còn trong hoạt động kinh doanh, qua đó tạo điều kiện cho tập đoàn phát triển ổn định. Tuy nhiên, việc kiểm soát các giao dịch của tập đoàn rất khó khăn. Vì vậy, sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997 và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều chính sách và giải pháp để cải tổ các Chaebol theo hướng chống độc quyền, minh bạch tài chính, cạnh tranh lành mạnh; khắc phục “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp, quan chức nhà nước, ngân hàng thương mại.

2. Một số gợi ý cho Việt Nam

Thực tế tại Việt Nam, các tập đoàn KTTN ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Điển hình là Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà còn đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, sự vươn lên và bứt phá của nhiều tập đoàn tư nhân mới cũng đang mở ra những kỳ vọng mới về một khu vực KTTN phát triển thịnh vượng với đầu kéo là các tập đoàn, cùng các vệ tinh là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Tuy nhiên, quá trình phát triển các tập đoàn KTTN cũng đòi hỏi phải có hành lang pháp lý phù hợp, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có thêm nhiều tập đoàn hùng mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.

Theo quy luật tất yếu của thị trường, tập đoàn quy mô càng lớn thì khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế càng lớn. Do đó, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân nói riêng sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng. Vì vậy, trên cơ sở thực tiễn một số mô hình tập đoàn kinh tế điển hình tại một số nước trên thế giới có thể rút ra một số gợi ý trong phát triển các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân ở Việt Nam.

Sự thành công trong phát triển các tập đoàn kinh tế phải xuất phát từ nhu cầu của nội tại nền kinh tế, cũng như của chính bản thân doanh nghiệp

Sự thay đổi ngoạn mục của nền kinh tế Hàn Quốc với các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như hiện nay là do nhu cầu của Hàn Quốc cần phải có các tập đoàn kinh tế lớn và thực hiện các chính sách để thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn này, tiếp sau đó phải có những doanh nghiệp như Samsung, Huyndai… kiên định thực hiện theo định hướng chiến lược của đất nước.

Cần phải xác định được mô hình tập đoàn phù hợp

Hiện tại các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam chưa có cấu trúc, phân tầng rõ rệt. Trong khi đó, với kinh nghiệm phát triển từ những năm 60, mô hình của các tập đoàn kinh tế ở Nhật Bản và Hàn Quốc có cấu trúc giống như kim tự tháp với sự phân tầng rõ ràng, trên đỉnh cao là những tập đoàn toàn cầu, dưới là các công ty lớn, công ty vừa và công ty rất nhỏ. Đây là hệ thống thống nhất, những công ty lớn chuyển giao hợp đồng cho những công ty nhỏ hơn, tạo thành một hệ thống kinh tế của các tập đoàn.

Hoàn thiện thể chế, pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân hoạt động

Hiện tại, hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân ở Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề như pháp luật doanh nghiệp hiện hành không quy định giới hạn về số lĩnh vực đầu tư kinh doanh đối với các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân. Tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân có thể phát triển tự do theo nhu cầu đầu tư của công ty mẹ trong tập đoàn. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về hạn chế sở hữu chéo, tuy nhiên chỉ áp dụng trong trường hợp công ty con đầu tư vào công ty mẹ và các công ty con đồng cấp; các công ty con khác cấp vẫn có thể đầu tư chéo lẫn nhau… Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân huy động các nguồn lực vào hoạt động sản xuất - kinh doanh cần hoàn thiện thể chế, pháp luật về tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân. Trong đó cần quy định rõ khái niệm, đặc điểm pháp lý của tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân, đặc điểm của các loại thành viên tham gia tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân; mô hình và nguyên tắc hình thành tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu tư nhân, những yêu cầu và tiêu chí về quy mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các hệ thống quản lý, đội ngũ cán bộ, số vốn pháp định, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu; quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước…

Lê Minh Hương

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Nguyễn Hữu Long (2009), Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn, Tạp chí Thời báo kinh tế Sài Gòn, 39 (2009).

2. Nguyễn Khương (2012), Tập đoàn kinh tế: Mô hình quản lý và chiến lược phát triển, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 28 (2012), 16 ‐ 22.

3. VNR500 (2014), Số liệu Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500.

4. Vũ Phương Đông (2015), Những vấn đề pháp luật về tập đoàn kinh tế tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tiếng Anh

5. David Flath (2002), Distribution Keiretsu, FDI and Import Penetration in Japan.

6. Hee Sub Byun, Ji Hye Lee, Kyung Sub Park (2012), Product Market Compettion and Ownership Structure in Business Groups: Evidence from Korean, 2012 Conference Program.

7. Lincoln James R, Hikino Takashi, Colpan Asli (2010), The Oxford of Handbook of Business Group, Oxford University Press 2010.

...