11/01/2025 lúc 06:07 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình “hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu sả, hoa hồng liên tục” đoạt giải Nhất Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ 17

Mô hình “Hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu sả, hoa hồng liên tục” đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021.

Qũy VIFOTEC (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)  phát động Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc (Cuộc thi) lần thứ 17 năm 2021 ngày 04/12/2020 tại Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội, Quỹ VIFOTEC - đơn vị thường trực Cuộc thi đã tiếp tục phối hợp với Hội đồng đội Trung ương, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, Sở Khoa học công nghệ, Tỉnh thành đoàn các tỉnh, thành phố triển khai Cuộc thi lần thứ 17 năm 2021 với 5 lĩnh vực.

Ngày 31 tháng 9 năm 2021, Ban Tổ chức đã nhận được  681 đề tài gửi về từ 53 tỉnh thành trong cả nước thuộc 5 lĩnh vực để đưa vào chấm giải. Trong đó Lĩnh vực Đồ dùng dành cho học tập có 126 đề tài; lĩnh vực Phần mềm Tin học có 120 đề tài; lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường có 126 đề tài; lĩnh vực Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 183 đề tài; lĩnh vực học tập có 126 đề tài.

Mô hình “Hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu sả, hoa hồng liên tục” đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021

Sau khi Hội đồng giám khảo là những nhà khoa học uy tín, làm việc khách quan, đầy trách nhiệm, đã quyết định tặng giải Nhất cho Mô hình “hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu sả, hoa hồng liên tục” đoạt giải Nhất Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ 17 của các em: Nguyễn Thị Ngân Giang (12G trường THPT Lômônôxốp, Hà Nội) Nguyễn Lê Châu (12A1 trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội) Đặng Chí Bằng (8A3 trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Ánh Ngọc (Lớp 10 Sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) Nguyễn Tuấn Phát (9A1 trường THCS Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo các em, ngày nay tinh dầu là sản phẩm quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Để tạo ra tinh dầu thì người ta phải tiến hành quá trình chưng cất để thu được sản phẩm. Có rát nhiều phương pháp chưng cất và nhiều loại thiết bị chưng cất khác nhau nhưng đều có một điểm hạn chế đó là quá trình chưng cất thường bị gián đoạn khi tiến hành nạp nguyên liệu vào.

Vì vậy các em đã nghiên cứu và tạo ra mô hình hệ thống thiết bị chưng cất liên tục theo hướng sản xuất công nghiệp, năng suất cao. Mô hình có nguyên lý hoạt động như sau: Nguyên liệu được cắt nhỏ ở máy cắt nguyên liệu. Nguyên liệu đã cắt và nước sạch đưa qua phễu nạp nguyên liệu đi đến ống vít tải gia nhiệt đến nhiệt độ sôi (Đồng thời là buồng chưng cất áp suất thấp do lắp bơm chân không). Hơi nước chứa tinh dầu được dẫn vào phễu và ống thu tinh dầu, qua hệ thống làm mát (Ống sinh hàn) bởi sự chênh lệch áp suất và sự hỗ trợ của bơm chân không vòng nước. Hệ thống làm mát này có vỏ ngoài là nước lạnh chảy thông liên tục. Hơi nước nóng kèm theo tinh dầu gặp lạnh sẽ ngưng tụ tại bình ngưng. Tại đây, hơi nước đã chuyển thành chất lỏng có chứa nước và tinh dầu, do tinh dầu nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên phía trên.Tinh dầu được tách ra khỏi nước và thu hồi qua van xả tinh dầu. Phần nước tách ra sẽ được tiếp tục chưng cất các mẻ nguyên liệu tiếp theo bằng cách chuyển ngược lại qua phễu nạp nguyên liệu.

Theo hội đồng giám khảo nhận xét về tính mới của mô hình thì đây là hệ thống chưng cất liên tục hoàn toàn mới, chưa có tại Việt Nam. Hệ thống làm việc theo dây chuyền khép kín, băng tải chuyển liệu có lắp bộ gia nhiệt, điều khiển tự động đồng thời là buồng chưng cất tinh dầu, áp suất âm.

Ngoài ra mô hình có tính sáng tạo của các em đó là có thể điều chỉnh được kích thước nguyên liệu đưa vào hệ thống, tốc độ quay của vít tải và nhiệt độ chưng cất tùy theo các loại nguyên liệu.

 

Buổi lễ trao giải Nhất cho các em được Qũy VIFOTEC tổ chức trang trọng lúc 20h ngày 22/12/2021 tại Nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội.