MƠ ĐƯỢC MỘT LẦN LÀM MẸ ĐỂ SINH CON
Bất chợt nhớ
chợt quên
bất chợt
ngày nằm mơ, đêm thức mong chờ
mơ được chết hiền lành như cỏ
mong là mơ bất chợt
đêm trôi.
Giấc mơ
về ngày mẹ sinh tôi
trong vườn lá chuối khô thô ráp
tiếng khóc chạm tiếng ve
khúc hát
trưa hè
sông dọc bờ quê
tiếng khóc lịm dần
rơi giữa cơn mê
rơi trong vườn bắp tẻ
rơi xuống trần gian một kiếp người
Mẹ ẳm đầy vơi tiếng cười
chôn nhau tiếng khóc
cha gánh vải lên rừng
trĩu nặng bờ vai khổ nhọc
gánh cả đàn con thơ dại, đói nghèo
cha đi rồi
lều tranh một mái
mẹ một mình
sanh nở những niềm đau
giọt nước mắt đắng cay
ngày mẹ tôi trở dạ...
Bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ
mơ được một lần làm mẹ để sinh con
NGUYỄN NGỌC HẠNH
(Đăng trên Tạp chí Sông Hương số 370 tháng 12-2019)
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bên Mẹ kính yêu của mình
LỜi bình:
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chạm bút đến nhiều vỉa tầng của cuộc sống. Hầu như ở vỉa tầng nào thơ ông cũng xuất hiện thi ảnh “giấc mơ” . Như, Giấc mơ em “Còn lại mình tôi giấc mơ em” (trích “Giấc mơ” ), Giấc mơ cỏ xanh “Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh” (trích “Giấc mơ cỏ xanh”), Giấc mơ khất nợ “Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi” (trích “Giấc mơ trôi”).... Giấc mơ nào nghe cũng hiền hòa quen thuộc. Nhưng cũng rất hiếm hoi trong thi giới của ông có xuất hiện giấc mơ lạ, đó là “Mơ một lần được làm mẹ để sinh con” . Và đó cũng là tên một bài thơ Nguyễn Ngọc Hạnh viết về đề tài Mẹ.
Cánh cửa ngôi nhà thơ vừa mở đã hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh người đàn ông ở tuổi xế chiều trong trạng thái như... lẩn thẩn. Nếu không như thế thì tại sao lại “bất chợt nhớ/ chợt quên/ bất chợt” . Không lạ gì người ở tuổi chiều muộn cứ nhớ, quên bất chợt như vậy. Cũng không lạ khi người ấy “ngày nằm mơ, đêm thức chờ mong”. Chờ mong gì và mơ gì? Có phải câu trả lời là đây “mơ được chết hiền lành như cỏ”. Ở tuổi này, người ta cũng thưòng nghĩ đến “ngày về” của kiếp nhân sinh. Mơ như vậy, kể ra cũng thường tình thôi nhưng có lẽ người mơ cho là điềm gỡ nên “mong là mơ bất chợt/ đêm trôi” .
Mong “đêm trôi” giấc mơ mang điềm gỡ nhưng “giấc mơ /về ngày mẹ sinh tôi” thì lại luôn ám ảnh . Bởi đó là ký ức về ngày Tôi chào đời trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã: mẹ đẻ rơi tôi khi bà lao động tìm kiếm cái ăn cho gia đình. Bởi vậy không gian Tôi được sinh ra không phải trong phòng/buồng có chăn chiếu ấm êm mà là “trong vườn lá chuối khô thô ráp” . Trong hoàn cảnh sinh nở như vậy, sinh mệnh của hai mẹ con Tôi như đang đứng bên bờ của cái chết. Chẳng phải tiếng khóc của Tôi “lịm dần” rồi “rơi giữa cơn mê”. “Cơn mê” của người sinh ra Tôi “vượt cạn” một mình không người giúp đỡ. “Cơn mê” của đứa trẻ sơ sinh mà tiếng khóc chào đời cứ lịm dần trong khoảng trống không. Cũng may, tiếng khóc lịm dần nhưng không tắt. Mà tắt sao được khi mẹ cho Tôi mang nặng kiếp người. Làm người thì phải dấn thân vào cõi người chứ. Phải, Tôi đã vào “trần gian” bằng tiếng khóc chào đời “rơi xuống trần gian một kiếp người”. Tiếng khóc ấy cũng đã “rơi” tận đáy tâm tư Tôi mãi đến bây giờ khiến cho ký ức về ngày mẹ đẻ “rơi” Tôi cứ luôn thao thức thúc giục Tôi phải tìm về. Ở tuổi chiều, muốn tìm về ký ức bằng cách nào ngoài “giấc mơ”.
Được sinh con, được làm mẹ là hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Đó là cái thiên chức thiêng liêng cao cả thượng đế ban cho họ mà đứa con họ sinh ra là báu vật. Vậy nên khi mẹ ẳm con cũng là lúc “mẹ ẳm đầy vơi tiếng cười” . Nhưng tiếng cười hạnh phúc đó chưa “đầy” thì đã “vơi” ngay và nhường chỗ cho những “giọt nước mắt đắng cay” tuôn đổ. Không đắng cay sao khi “cha đi rồi” để lại “mẹ một mình” sinh con và phải nuôi cả đàn con thơ dại trong cảnh đói nghèo. Ký ức về “ngày mẹ tôi trở dạ” như một cuốn phim quay chậm lần lượt lướt qua tiếng cười hiếm hoi của mẹ khi “ẳm” đứa con mới chào đời, lướt qua hình ảnh “cha gánh vải lên rừng/ trĩu nặng bờ vai khó nhọc/ gánh cả đàn con thơ dại/ đói nghèo/ cha đi rồi” và phim dừng lại thật lâu, soi chiếu thật kỹ hình ảnh “lều tranh một mái/ một mình mẹ/ sanh nở những niềm đau/ giọt nước mắt đắng cay”. Chẳng phải đó là những hình ảnh “biết nói” về mẹ ngày sinh hạ? Lúc mẹ sinh con là lúc mẹ yếu đuối, mong manh nhất, cần được chăm sóc nhất thì lại là lúc mẹ gánh chịu nhiều đau khổ nhất. Nghịch cảnh đó đã đẩy khổ đau đời mẹ lên tận đỉnh. Đứng trên đỉnh của niềm đau, mẹ nhìn xuống đàn con bằng đôi mắt đầm đìa “giọt nước mắt đắng cay”. Giọt nước mắt ấy cứ treo lơ lửng trong giấc mơ Tôi và Tôi đã đưa tay hứng lấy đem cất giữ tận đáy tâm hồn để mỗi lần nhớ mẹ, Tôi soi mình vào đấy.
Giấc mơ về “ngày mẹ sinh tôi” đã khép lại. Chỉ là “bất chợt nhớ ngày xưa” thôi mà. Giờ, Tôi vẫn tiếp tục mơ nhưng mơ khác: “mơ được một lần làm mẹ để sinh con”. “Sinh con” là thiên chức của người phụ nữ, cái công việc phi thường và cao cả ấy chỉ có phụ nữ mới làm được. Có người nói rằng đàn ông có thể làm bất cứ việc gì nhưng có một việc đàn ông không thể làm được, đó là làm mẹ. Bởi vậy nên Tôi mới “mơ”. “Mơ được một lần làm mẹ để sinh con”, mới nghe qua có vẻ khôi hài, kỳ quặc. Có ai lại mơ làm một chuyện “ngược đời”, mơ làm việc “không tưởng” bao giờ. Có phải do Tôi lẩn thẩn chăng? Không đâu. Tôi chỉ nhớ, quên bất chợt thôi chứ chính tình yêu và lòng biết ơn mẹ trầm tích trong tôi thành hình khối đã khiến Tôi “mơ” như vậy. Vì chỉ có hóa thân làm mẹ sinh con thì mới “đau” cái đau của người sinh nở. Có tự trải nghiệm đớn đau thì mới thấu cảm và thấm thía công lao “sinh thành” của mẹ. Bóc cái lớp vỏ khôi hài và kỳ quặc ra, ta thấy bên trong “mơ được một lần làm mẹ để sinh con” hiển hiện một tấm lòng thơm thảo của người con dành cho mẹ. Nặng sâu, thắm thiết, xúc động vô cùng! Đi suốt chiều dài cuộc đời mình, con không lúc nào thôi thương nhớ, nặng mang ơn mẹ. Giờ, cuộc đời con đã hoàng hôn, con càng không thể quên người đã thắp bình minh đời mình. “Mơ được một lần làm mẹ để sinh con” hội tụ toàn bộ ánh sáng của bài thơ. Đó cũng là ánh sáng của đạo hiếu ngời ngợi lung linh trong tâm hồn người con luôn vọng tưởng về đấng sinh thành.
“Mơ được một lần làm mẹ để sinh con” làm nhớ đến chuyện phim giả tưởng Việt Nam “Khi đàn ông mang bầu” nói về khao khát của những người đàn ông muốn được sẻ chia những đớn đau, khó nhọc với phụ nữ mang thai, sinh nở. Rõ ràng “mơ được một lần làm mẹ để sinh con” là tứ thơ không mới nhưng lại là nét độc sáng của Nguyễn Ngọc Hạnh ở thi phẩm viết về mẹ. Xoay quanh cảm hứng “làm mẹ để sinh con”, Nguyễn Ngọc Hạnh đã dẫn dụ người đọc bước vào không gian bài thơ bằng nhiều thủ pháp. Tạo nên trường liên tưởng hợp lý: “sinh con” - “sinh nở niềm đau” và “giấc mơ về ngày mẹ sinh tôi” - “mơ được làm mẹ để sinh con” để gợi mở nhiều liên tưởng sâu xa cho người đọc, thu hút họ thâm nhập nội tâm nhân vật trữ tình. Cấu tứ bài thơ cũng tạo nhiều bất ngờ. “Mơ được chết hiền lành như cỏ” mở đầu thi phẩm tưởng chừng như không liên quan gì đến “mơ được một lần làm mẹ để sinh con” ở cuối bài thơ nhưng có phải đó là dụng ý nghệ thuật của tác giả nhằm tạo mối quan hệ nhân quả. Vì “ngày về” của người già rất gần nên đã thôi thúc Tôi “mơ được một lần làm mẹ để sinh con” kẻo không còn cơ hội. Nỗi niềm này cũng được nhà thơ bộc bạch ở một bài thơ khác “Chữ hiếu lững lờ trôi mong manh/ Con vừa chạm đã tan rồi không kịp/ Khi hiểu được thì đời con sắp hết/ Dẫu muộn màng xin tạ lỗi cùng cha” (trích “Cha”). Và giữa “mơ được chết” với “mơ được làm mẹ sinh con” cũng được nối với nhau bằng sợi dây của bài học đạo lý: Sống có làm tròn đạo hiếu thì mới mong “được chết hiền lành như cỏ”. Mạch cảm xúc buồn thương chảy dọc theo dòng hoài niệm của nhân vật trữ tình. Đương nhiên, ký ức buồn mà! Buồn lại còn phảng phất niềm u uất nữa. Có phải vì chữ hiếu kia “Con vừa chạm đã tan rồi không kịp” chăng? Thật xúc động!
Trong cõi thơ viết về mẹ có bài nào mà không xúc động. Nhưng để thu hút và gây ấn tượng cho người đọc, bài thơ đó phải in dấu vân tay của người cầm bút. Nguyễn Ngọc Hạnh đã để lại dấu vân tay của mình ở “Mơ được một lần làm mẹ để sinh con” .
Bình Định, 2020
TUỆ MỸ