26/12/2024 lúc 20:35 (GMT+7)
Breaking News

Miền Bắc giảm cắt điện vì một số nhà máy nhiệt điện khắc phục sự cố

Cùng với hai nhà máy thủy điện có thể vận hành trở lại, miền Bắc giảm cắt điện vì có thêm nguồn bổ sung, khi một số nhà máy nhiệt điện than khắc phục xong sự cố.

Những ngày này, các thợ điện phải tăng cường kiểm tra tại các điểm có phụ tải lớn để tránh sự cố xảy ra. 

Ngày 10/6, tình trạng cắt điện ở miền Bắc được giảm bớt, trong khi nguồn cung điện tại miền Nam và miền Trung vẫn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 10/6, tổng công suất nguồn khả dụng miền Bắc đạt 20.321MW; trong đó công suất khả dụng của thủy điện là 5.244MW.

Tình trạng cắt điện ở miền Bắc được giảm bớt nhờ việc huy động các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc tăng thêm 1.000MW. Hôm nay (10/6), sự cố tại một số tổ máy nhiệt điện (S1 Nghi Sơn 1-300MW, Thái Bình 1 S1-300MW, Quảng Ninh S1-300MW) đã được khắc phục thành công.

Cùng với đó, việc huy động các nhà máy năng lượng tái tạo với công suất huy động nguồn điện gió là 33,9 triệu kWh, điện mặt trời là 70,2 triệu kWh. 19 dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.221,12MW.

Tuy nhiên, theo đánh giá của A0, sự cố nguồn điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao tại nhiều nơi miền bắc  nhất là nhiệt điện than do nắng nóng gay gắt, nhu cầu phụ tải tăng cao, các tổ máy phải huy động liên tục. Theo thống kê, tổng công suất của các nhà máy điện than bị sự cố kéo dài không huy động khoảng 3.250MW, tổng sự cố ngắn ngày 410MW.

Trong khi đó, tình hình huy động các nhà máy thủy điện tại các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc là Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng và Tuyên Quang đã cải thiện, do nguồn nước đổ về cải thiện so với ngày 8/6.

Tuy nhiên, hầu hết các hồ thủy điện vẫn vẫn xấp xỉ mực nước chết, dẫn đến không huy động được khoảng 5.000MW công suất nguồn.

Dự báo trong vài ngày tới, Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, các hồ thủy điện tích cực tích nước để vượt qua mực nước chết.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước. Đồng thời các đơn vị tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; tập trung khắc phục các sự cố nguồn điện.

Các chuyên gia khuyến cáo, dù tình hình thủy văn có thuận lợi hơn, nguồn điện than được bổ sung, song tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, do đó các nhà máy thủy điện cần vận hành linh hoạt; tăng cường tích nước các hồ thủy điện.

Người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện, nguồn nước nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.

Những ngày gần đây, câu chuyện thiếu điện, cắt điện trong những ngày oi ả đang làm "nóng" dư luận xã hội và cả nghị trường.

Vấn đề cần thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xem lại hoạt động đầu tư, vận hành của ngành điện cũng được đặt ra…. Tuy nhiên, những lúc nóng vì thời tiết, "bức bối" vì điện, áp lực cảm xúc từ dư luận xã hội… hơn bao giờ hết lại là lúc cần cái đầu "lạnh" hạ nhiệt, để bình tĩnh nhìn lại căn nguyên, từ đó cùng chung tay tìm giải pháp.

Trước tiên, điện không chỉ là câu chuyện lỗ-lãi, mà còn là huyết mạch năng lượng, là an ninh năng lượng của cả nền kinh tế-xã hội. Hiểu đơn giản là bên cạnh quan hệ cung-cầu phục vụ dân sinh, các hoạt động kinh tế-xã hội, nguồn điện còn cần lượng dự phòng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc hòa lưới điện Quốc gia cũng được cẩn trọng nhìn nhận ở nhiều yếu tố, không chỉ là câu chuyện kỹ thuật hay tiền bạc. Với nhiều lý do đặc thù, điện là loại năng lượng đặc biệt, là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá. Không phải ai muốn sản xuất thì sản xuất, ai muốn hòa lưới điện Quốc gia thì hòa!

PV