20/04/2024 lúc 15:58 (GMT+7)
Breaking News

Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 1: Chống dịch như chống giặc

“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Không ngẫu nhiên, Nguyễn Khải, qua “Mùa lạc” nhắc đến những thách thức của cuộc sống trực chờ từ khó khăn, nghịch cảnh... sẵn sàng đấu trí với bản lĩnh con người.

Vượt qua ranh giới bản thân – ranh giới giữa sợ hãi và can đảm, giữa nhân ái và vị kỉ, giữa đối đầu và khuất phục, giữa tiến bước và lùi lại..., mỗi người không chỉ mang tới hạnh phúc cho người khác, điều có giá trị hơn, để chính mình - sống ý nghĩa mỗi ngày. Và, mệnh lệnh của trái tim luôn trở thành sức mạnh kỳ diệu nhất trước mọi gian nguy, để hơn 1.000 ngày thực hiện nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình ở nơi cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình), lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly y tế, bảo đảm chăm sóc an toàn tuyệt đối  cho 3.997 công dân Việt Nam thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhập cảnh, trở về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch khắp các châu lục trên toàn thế giới.  

Trong hoạn nạn, khó khăn mới thấy hết tình quân dân, chia tay Thái Bình, xin gửi lại lời chào, lời cảm ơn đến cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế tại Trung đoàn. Chúng tôi sẽ đem theo những kỷ niệm đẹp này suốt cuộc đời mình.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả cả nước bút ký “Mệnh lệnh trái tim” của tác giả Hồng Quang - Phương Linh.                                                         

KỲ I: CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC

Những ngày cuối tháng 11, nắng hanh vẫn vội vã trải đều một màu vàng óng, dẻo quánh và trong suốt như mật ong đầu mùa nhãn trước khi đón đợt gió lạnh mới ùa về. Trung đoàn 568 êm đềm, bình yên và thư thái trong nắng, như chưa từng trải qua những ngày ồn ã, náo nhiệt nhưng cũng đầy thấp thỏm, lo âu của hàng trăm người con trở về quê hương mỗi đợt. Chính ủy Trung đoàn,Thượng tá Đặng Văn Đảng rảo nhẹ bước chân qua vườn trái xum xuê và xanh mướt, dẫn chúng tôi xuống khu cách ly tập trung dành cho người nhập cảnh.

Sau hàng rào chắn, ba dãy nhà cao tầng xếp hình chữ U lặng lẽ cuộn tròn mình gối đầu trong mây, mơ màng êm ái giữa tiết trời đầu đông hanh hao và se sắt. Vừa mới vài ngày trước, chính tại nơi đây, cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn cùng lực lượng quân y Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, cán bộ và nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng tiếp đón đợt công dân thứ 24, kể từ đợt đầu tiên – ngày 26/2/2020. Tôi cười nói vui với Chính ủy, chỉ cần chất giọng kim nam – tenor, âm vang và linh hoạt nhưng vô cùng dứt khoát, rành rọt, rõ ràng của anh cất lên là đã đủ để như có một bộ phim tài liệu đang từ từ quay chậm trước mắt, tái hiện đầy đủ cuộc chiến giữa thời bình của những người lính “Bộ đội cụ Hồ” luôn sát cánh với lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Có lẽ, dấu mốc ngày 23/1/2020 khi Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) không chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến quyết liệt và không kém phần tàn khốc, mà còn khắc sâu vào tâm can mỗi người dân đất Việt về ngày 29 Tết nguyên đán không thể bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài cuộc tận hưởng niềm vui trọn vẹn của những thời khắc giao hòa đón một mùa xuân mới. Trong vòng xoáy hoành hành của đại dịch COVID-19 mà các quốc gia phải đối mặt, Việt Nam cũng không thể khác – ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên quy mô toàn quốc và nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Với tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hơn thế, khiến số người tử vong ngày càng cao, việc phòng chống, đẩy lùi, chặn đứng loại dịch bệnh nguy hiểm như “giặc ngoại xâm” này được coi là vấn đề cấp bách hiện nay.

Tính khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến hết ngày 30/11/2021, Việt Nam đã ghi nhận 1.251.623 ca nhiễm (bao gồm cả trong nước và nhập cảnh), đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó 25.448 ca tử vong. Chưa kể đến, đối với Việt Nam, “trong dịch có giặc”, đó là các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch COVID-19 để chống phá cách mạng, nhằm làm rối lòng quân, tạo tâm lý hoang mang lo sợ hoặc chủ quan, thiếu ý thức, mất cảnh giác trong dân, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch...

Chống “giặc COVID-19”, chống “giặc vô hình” trong cuộc chiến chống COVID-19 là sự vận dụng sáng tạo luận giải, chỉ dẫn khoa học của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường cách mệnh”: “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân. Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng”.

Kiên định tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động “chống dịch như chống giặc”, tổng tiến công toàn lực và thần tốc, áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ và quyết liệt để thực hiện các mục tiêu ưu tiên, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân trong nước, Tổ quốc, dân tộc Việt Nam chưa lúc nào quên dang rộng vòng tay đón đồng bào từ các quốc gia, lãnh thổ có dịch trở về đất mẹ.

Chung sức đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quan điểm chỉ đạo “Trong bất luận tình huống nào, quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu phòng, chống dịch COVID-19”, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công bố dịch, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với quy mô 2.800 giường, 14 tổ chuyên khoa tăng cường của các bệnh viện quân y, 5 đội quân y tuyến chiến lược, 154 tổ quân y tuyến chiến dịch và chiến thuật, 20 đội cơ động phòng chống dịch của các bệnh viện; đồng thời toàn quân trước mắt thực hiện 140 điểm tiếp nhận, cách ly y tế đối với người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 vào Việt Nam tại các đơn vị quân đội.

Vẫn chất giọng nam kim toner nhưng càng ngày càng trở nên rộn ràng hơn, tựa như những thứ tự thân bỗng trở thành nguồn mạch sống trào dâng không ngừng, Thượng tá Đặng Văn Đảng chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, với mục tiêu tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trở về Việt Nam; phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong, cùng với các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên và Hải Dương, Trung đoàn 568 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình) nhanh chóng trở thành một trong hơn 10 địa điểm tổ chức tiếp nhận, cách ly của Quân khu.

Yêu cầu đặt ra của Quân khu là phải chủ động, tích cực chuẩn bị tốt mọi mặt; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; chỉ huy, điều hành kịp thời, thống nhất, bảo đảm an toàn. Việc bố trí các khu vực tiếp nhận, cách ly hợp lý bảo đảm xa khu dân cư, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, không để lây nhiễm dịch bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly và cộng đồng dân cư.

Bố trí khu vực cách ly tại Trung đoàn 568 (xã Đông Phong, huyện Đông Hưng) với quy mô đảm bảo cho 200 người, Đại tá Vũ Văn Định, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thể hiện sự tin tưởng cán bộ, nhân viên Trung đoàn 568 luôn phát huy cao độ kết quả và kinh nghiệm công tác, xác định rõ trách nhiệm, vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi giai đoạn. Đồng chí Phó chỉ huy trưởng cho biết, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã và đang tạo mọi điều kiện nhằm bảo đảm hiệu quả và công suất khu cách ly tập trung để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Qua kiểm tra thường xuyên và đột xuất, công tác chuẩn bị, các bộ phận của Trung đoàn 568 được phân công nhiệm vụ luôn sẵn sàng vào cuộc và chờ lệnh thực hiện.

Tiếp lời chỉ huy Đại tá Vũ Văn Định, Trung tá Vũ Duy Tạo, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 568 khẳng định: Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, để cán bộ, nhân viên xác định tốt tinh thần “sẵn sàng ra trận”, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, nhất là các đồng chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung. 100% cán bộ, nhân viên Trung đoàn  sẵn sàng, tự tin thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu, quyết tâm cao nhất: góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ “kép” phòng, chống dịch và công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Hồng Quang – Phương Linh