25/11/2024 lúc 13:52 (GMT+7)
Breaking News

Mấy vấn đề lý luận về tôn vinh tinh hoa văn hóa

Tinh hoa văn hóa là những yếu tố tiêu biểu của văn hóa quá khứ, được sàng lọc trong quá trình lịch sử, được thừa nhận là có giá trị tích cực, phổ biến đối với đời sống con người, góp phần quan trọng trong xây dựng nhân cách, thể hiện rõ bản sắc dân tộc.

Ảnh minh họa: Quảng bá và tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc tại EXPO 2020 Dubai

1. Khái niệm, đặc điểm và cấu trúc của tinh hoa văn hóa

Tinh hoa văn hóa là những yếu tố tiêu biểu của văn hóa quá khứ, được sàng lọc trong quá trình lịch sử, được thừa nhận là có giá trị tích cực, phổ biến đối với đời sống con người, góp phần quan trọng trong xây dựng nhân cách, thể hiện rõ bản sắc dân tộc.

Tinh hoa văn hóa có 4 đặc điểm sau:

- Trước hết, tinh hoa văn hóa là những yếu tố văn hóa được thử thách qua thời gian, được nhiều thế hệ dân cư trước đây coi trọng, giữ gìn, bảo vệ: Thuộc tính này khẳng định tinh hoa văn hóa là những yếu tố văn hóa đã được chọn lọc qua nhiều thế hệ và có giá trị trường tồn. Hầu hết các yếu tố văn hóa được lưu truyền cho đến ngày nay đều mang thuộc tính này vì nếu không thì nhiều yếu tố đã bị lãng quên, không được các thế hệ cư dân truyền tụng và bồi đắp. Song, khác với các yếu tố văn hóa được lưu truyền nói chung, tinh hoa văn hóa chỉ bao gồm những yếu tố mang tính tiêu biểu, đại diện.

- Đặc điểm trên khẳng định tinh hoa văn hóa thuộc về truyền thống, song nhất thiết phải được các thế hệ cư dân thời hiện đại tiếp nhận và thực hành trong đời sống văn hóa. Một số yếu tố văn hóa, là tinh hoa của thời đại trước, có thể không thích hợp với thời hiện đại và bị người dân lược bỏ một cách tự nhiên. Ví dụ, những bước thực hành văn hóa mang tính phức tạp, cầu kỳ đã bị lược bớt trong các sinh hoạt của cư dân thời hiện đại (tục ma chay, cưới hỏi hay các nghi lễ tế thần).

- Tinh hoa văn hóa là những yếu tố văn hóa được khẳng định là có giá trị cao trong xây dựng nhân cách và thể hiện rõ bản sắc dân tộc. Một yếu tố văn hóa không gắn liền với xây dựng nhân cách (tức xây dựng văn hóa con người) sẽ không được coi là có giá trị tích cực vì xây dựng nhân cách là mục tiêu cao nhất của phát triển văn hóa. Đồng thời, tinh hoa văn hóa là kết quả sáng tạo của một dân tộc, thể hiện hình thức và nội dung của đời sống dân tộc, vì vậy phải thể hiện rõ bản sắc dân tộc.

- Tinh hoa văn hóa tạo nên truyền thống văn hóa (tức có giá trị trường tồn) song không phải là hiện tượng nhất thành bất biến. Tinh hoa văn hóa có thể biến đổi theo từng thời kỳ, thời đại nhưng chậm hơn nhiều so với các yếu tố văn hóa khác trước sự tác động của kinh tế, chính trị và xã hội. Nói cách khác, tinh hoa văn hóa mang tính trường tồn cao nhưng vẫn có thể biến đổi.

Tinh hoa văn hóa là cốt lõi của văn hóa. Vì thế, thành phần cấu trúc của nó cũng giống như của văn hóa nói chung. Tinh hoa văn hóa được hình thành trong 3 lĩnh vực văn hóa sau:

- Văn hóa tâm linh: Các quan niệm, hệ thống tư tưởng của tôn giáo, tín ngưỡng; các cơ sở thờ tự theo tôn giáo, tín ngưỡng; các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.

- Văn hóa sinh hoạt: Văn hóa ăn, ở, đi lại; cách ứng xử giữa con người với con người trong gia đình và ngoài xã hội.

- Văn hóa sinh kế: Các công cụ sản xuất, các thực hành nghề nghiệp và tri thức về nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp.

2. Bảo tồn văn hóa và tôn vinh tinh hoa văn hóa

Nguyên tắc chung của bảo tồn văn hóa là ưu tiên bảo tồn các yếu tố tinh hoa, tức là hướng tới những giá trị cao của văn hóa. Tuy nhiên, phạm vi của bảo tồn rộng hơn so với tôn vinh. Bảo tồn là bảo vệ và lưu giữ, vì thế, hoạt động bảo tồn thường cố gắng chắt lọc những yếu tố văn hóa tích cực, chỉ loại trừ các yếu tố phản văn hóa. Các yếu tố có giá trị ở mức độ thấp hơn, thậm chí có những yếu tố mang hình thức xấu, nội dung tư tưởng tốt vẫn cần được bảo tồn. Ví dụ: Hiện tượng đố tục, giảng thanh; sử dụng cái tục để châm biếm, gây cười; chém lợn, đâm trâu trong lễ tế thần; chi tiết trong truyện cổ tích Tấm Cám của người Việt (Tấm lấy xác Cám làm mắm, gửi cho dì ghẻ ăn). Mặc dù những hiện tượng này gây phản cảm trong thời hiện đại nhưng đã tồn tại khá lâu trong đời sống cư dân thời quá khứ. Việc bảo tồn các yếu tố này có ý nghĩa lưu giữ những chứng tích văn hóa để các thế hệ tương lai hiểu đầy đủ hơn về lịch sử và đời sống dân tộc. Như vậy, bảo tồn cần được mở ra trong một diện rộng tối đa để có thể lưu giữ được phần lớn các yếu tố văn hóa quá khứ.

Những gì được tôn vinh đều nằm trong phạm vi bảo tồn, luôn gắn với bảo tồn song mục đích của tôn vinh không chỉ để bảo vệ và lưu giữ mà còn để đề cao, phát huy. Vì vậy, tôn vinh tinh hoa văn hóa cũng gắn liền với phát triển văn hóa. Vai trò của tôn vinh tinh hoa văn hóa là hết sức to lớn: Khơi dậy niềm tự hào của người dân, tạo động lực để người dân hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội.

Trên thực tế, hoạt động bảo tồn và tôn vinh luôn gắn bó mật thiết với nhau, có điểm trùng hợp với nhau, song song cùng tồn tại. Ví dụ, lập hồ sơ di tích để lưu giữ, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo là bảo tồn; xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và những hình thức đề cao khác là tôn vinh. Chính vì thế, việc phân biệt giữa bảo tồn và tôn vinh, về mặt khoa học, chỉ là tương đối và không phải lúc nào cũng dễ dàng.

3. Những vấn đề tồn tại của tôn vinh tinh hoa văn hóa trong thời đại ngày nay

Có thể nói, hầu hết các giá trị trường tồn của văn hóa tinh thần đã được đề cao trong thời hiện tại như các truyền thống: yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm, đền ơn đáp nghĩa, cần cù lao động v.v...Từ đó, nhiều thực hành văn hóa thể hiện các giá trị nói trên được tôn vinh như lễ hội thờ các anh hùng dựng nước, giữ nước; các sinh hoạt dân ca – dân vũ (hát múa chèo, hát múa chầu văn, hát quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử); các nghề truyền thống nổi tiếng,  v.v... Những hoạt động tôn vinh đã làm cho nhiều thực hành văn hóa có điều kiện hồi sinh, đời sống tinh thần của các tầng lớp cư dân trở nên phong phú, tạo thêm động lực để kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, việc tôn vinh tinh hoa văn hóa ở nhiều địa phương còn thiên về văn hóa tâm linh. Rất nhiều lễ hội được khôi phục, hồi sinh, phát triển trên quy mô lớn, đặc biệt là sự hình thành các ngôi chùa, các đền thờ mẫu đã thu hút hàng trăm triệu lượt khách thập phương về chiêm bái. Có thể nói, văn hóa tâm linh đã được hồi sinh theo nhu cầu của đời sống nhân dân sau thời kỳ đứt gãy giai đoạn 1955 – 1985. Tuy nhiên gần đây, việc tôn vinh ồ ạt đã dẫn đến không ít các hệ lụy như hiện tượng Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và Thích Chân Quang ở chùa Phật Quang (Bà Rịa – Vũng tàu); hiện tượng thực hành gây tốn kém trong các nghi lễ thờ Mẫu ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Trong khi văn hóa tâm linh nở rộ thì văn hóa sinh hoạt lại chưa được chọn lọc để tôn vinh, thậm chí còn bị lãng quên. Vì vậy, văn hóa sinh hoạt hiện nay tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập: Tình trạng xuống cấp đạo đức gia tăng; những vấn nạn xã hội ngày càng nhiều; các nhóm lợi ích cố kết ngày càng tinh vi. Việc tôn vinh truyền thống tốt đẹp của văn hóa sinh hoạt sẽ góp phần làm giảm thiểu những vấn đề bất cập nêu trên.

Cùng với văn hóa sinh hoạt, văn hóa sinh kế cũng chưa được đề cao đúng mức. Nhiều làng nghề chưa tìm được lối đi cho sự phát triển, nhiều tri thức nghề vẫn chỉ được lưu truyền trong phạm vi hẹp, có nguy cơ bị lãng quên.

Cùng với sự thiên lệch trong tôn vinh, sự tôn vinh tràn lan, thiếu kiểm soát cũng đã diễn ra. Nhiều hiện tượng văn hóa bình thường cũng được tôn vinh. Các làng xã nhìn nhau để chạy đua trong tôn vinh. Nhiều làng xã cố tìm cho mình một giá trị văn hóa để tôn vinh, không chịu kém các làng khác. Vì vậy, sự tôn vinh tràn lan, thiếu chọn lọc diễn ra trong nhiều năm đã gây hao tổn không nhỏ về kinh phí và quan trọng hơn, gây sự ngộ nhận về văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa tâm linh, điều này thấy rất rõ: Ranh giới giữa niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan bị lu mờ. Việc tôn vinh tràn lan và thiếu chọn lọc cũng dẫn đến tình trạng hình thành nhiều cơ sở tư nhân hành nghề tâm linh. Những giá trị tích cực của văn hóa tâm linh chưa được coi trọng đúng mức.

4. Một số nguyên tắc của tôn vinh tinh hoa văn hóa

4.1. Tôn vinh tinh hoa văn hóa trên cơ sở khoa học (tôn vinh có chọn lọc)

Trên thực tế, từ trước đến nay đã tồn tại 3 loại tôn vinh tinh hoa văn hóa: Người dân tự tôn vinh, nhà nước tôn vinh và các cơ quan văn hóa (tổ chức phi chính phủ) tôn vinh.

Tôn vinh của người dân là tôn vinh tự phát, dựa vào cảm thức chứ không dựa trên cơ sở nhận thức khoa học, vì vậy mang tính hội đoàn (làm theo số đông). Tôn vinh của các cơ quan văn hóa (phi chính phủ) đã dựa trên cơ sở khoa học một phần, song còn một phần khác, vẫn dựa trên cơ sở lợi ích của bản thân mình, vì thế, nhiều khi cũng thiếu chuẩn mực. Riêng tôn vinh của nhà nước đã bảo đảm được tính khoa học cao vì hoàn toàn dựa trên cơ sở các luận chứng và luận cứ xác thực. Tuy vậy, nhà nước không thể bao quát được toàn bộ các yếu tố, các hoạt động văn hóa để tôn vinh, nghĩa là không thể làm thay người dân và các cơ quan văn hóa.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt từ phía nhà nước, vai trò của các cơ quan khoa học về văn hóa (viện nghiên cứu, trường đại học) cần được phát huy. Dưới những quy định của nhà nước, bất kỳ một yếu tố văn hóa nào, để được tôn vinh, trước hết phải có tiếng nói của các nhà khoa học, sau đó là sự công nhận của các cơ quan nghiên cứu khoa học.

Các cơ quan này đảm bảo tính chuẩn mực trong quá trình chọn lọc để tôn vinh, tránh được sự nhầm lẫn giữa tôn vinh và bảo tồn văn hóa.

4.2. Tôn vinh đi liền với phê phán

Để người dân có được nhận thức đầy đủ các giá trị của yếu tố văn hóa cần tôn vinh, vấn đề phê phán phải được đặt ra. Văn hóa thường hình thành những tổ hợp phức tạp, nhìn tổng thể thì có giá trị cao nhưng không phải tất cả các yếu tố cấu thành đều có giá trị như vậy. Ví dụ, lễ hội làng Ném Thượng ở Bắc Ninh là một tổ hợp văn hóa mang giá trị nhân văn (đền ơn đáp nghĩa), tưởng nhớ tướng quân Đoàn Thượng. Tuy nhiên, hành động chém lợn (một yếu tố trong tổ hợp) lại hoàn toàn không phù hợp với xã hội hiện đại, gây phản cảm cho người xem, cần được phê phán để sàng lọc, mặc dù vẫn có những ý kiến trái chiều.

Nguyên tắc tôn vinh đi liền với phê phán còn giúp cho việc xác định ranh giới giữa niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan. Đây là một ranh giới mờ, không phải ai cũng có thể nhận ra được.

Hiện tượng tạo dựng truyền thống diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Ví dụ, hiện tượng thờ Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Bà Chúa Kho lương thực trước đây đã trở thành Bà Chúa Kho tiền. Khách hành hương từ nhiều nơi đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền chứ không phải vay lương thực. Hiện tượng này được coi là đã trở thành truyền thống hay chưa, cần có sự phân tích, đánh giá đầy đủ.

Đặc biệt, những hiện tượng văn hóa mới xuất hiện, giá trị chưa được định hình (chưa đủ thời gian để kiểm nghiệm), thường gây nên những “cú sốc” văn hóa với rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Những hiện tượng này cần được phân tích, đánh giá thật khách quan để người dân nhận thức đầy đủ, tránh sự sùng bái (tôn vinh tự phát) một cách cảm tính, vội vàng. Một ví dụ tiêu biểu gần đây là cách tu hành của một người tự xưng là nhà sư Thích Minh Tuệ (ở Gia Lai).

Trước đây, nhiều nhà khoa học đã nêu nguyên tắc phải trả văn hóa về cho dân – người chủ của văn hóa và là “người trong cuộc”. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Tiếng nói của “người ngoài cuộc” – các nhà quản lý và các nhà khoa học – luôn luôn là cần thiết trong quá trình tôn vinh tinh hoa văn hóa.

4.3. Tôn vinh được nhìn từ lợi ích của xã hội hiện đại

Như trên đã nói, một trong những đặc điểm của tinh hoa văn hóa là được các thế hệ cư dân thời hiện đại tiếp nhận và thực hành trong đời sống văn hóa. Vì vậy một tinh hoa văn hóa được tôn vinh phải thỏa mãn nhu cầu của số đông trong xã hội hiện đại, đem lại những lợi ích thiết thực cho đời sống dân cư. Nếu một yếu tố văn hóa quá khứ, được coi là tinh hoa nhưng chỉ tồn tại trong phạm vi hẹp thì cũng chưa đủ điều kiện để tôn vinh. Khả năng lan tỏa của một tinh hoa văn hóa trong xã hội hiện đại là điều kiện cần thiết để tôn vinh. Khả năng này có thể đo lường, kiểm nghiệm được.

Nguyên tắc này có thể gây khó khăn cho một số dân tộc ít người, song nếu tinh hoa văn hóa của họ thực sự độc đáo, được nhiều dân tộc khác, mặc dù không trực tiếp thực hành nhưng rất hâm mộ, thì vẫn được tôn vinh. Ví dụ, lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (có tổng số dân chỉ hơn 8.000 người – số liệu 2019), phạm vi lưu truyền rất hẹp nhưng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 12 năm 2012.

4.4. Ưu tiên tôn vinh những người có công thực hành và sáng tạo tinh hoa văn hóa

Văn hóa là kết quả sáng tạo của con người. Vì vậy, mỗi hiện tượng, quá trình, mỗi thực thể văn hóa bao giờ cũng có chủ nhân là những cá nhân hoặc tập thể thuộc nhiều thế hệ. Họ luôn đồng hành với văn hóa, là điều kiện tiên quyết để một hiện tượng văn hóa có thể tồn tại, lưu truyền và phát triển. Vì vậy, việc hướng tới những người có công trong thực hành và sáng tạo văn hóa tại một thời điểm nhất định là nguyên tắc quan trọng của tôn vinh.

Trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa dân gian, nhìn tổng thể, người có công là toàn dân; trong những trường hợp riêng lẻ, là tập thể những cư dân địa phương, song trước hết, phải kể đến đội ngũ nghệ nhân - những người có đóng góp nhiều nhất. Hơn ai hết, họ hiểu biết thấu đáo, cặn kẽ những gì mà mình sáng tạo ra.  Tuy nhiên, mức độ đóng góp của mỗi người có khác nhau. Hiện nay, trừ những người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân (mặc dù về hai danh hiệu này, vẫn còn những ý kiến bàn luận khác nhau), số nghệ nhân còn lại rất nhiều, việc tôn vinh cần dựa trên những tiêu chuẩn nhất định. Điều này rất cần có các cơ quan chức năng vào cuộc để định hình thành văn bản quy định các cấp độ tôn vinh khác nhau. Có như vậy mới tránh được sự tôn vinh theo cảm tính.

4.5. Phát huy vai trò của truyền thông trong tôn vinh tinh hoa văn hóa

Sức mạnh của truyền thông thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôn vinh tinh hoa văn hóa không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, truyền thông có hai chiều tích cực và tiêu cực. Chiều tích cực thường là truyền thông chính thống, dựa trên những dữ liệu đã được kiểm định. Chiều tiêu cực thường xuất hiện trong truyền thông tự do (từ một bộ phận người dân), dựa trên các dữ liệu chưa được kiểm chứng, thậm chí có khi còn sai lệch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tôn vinh tinh hoa văn hóa. Việc phát huy vai trò của truyền thông đương nhiên phải hướng tới truyền thông chính thống song việc tận dụng mặt tích cực của truyền thông từ phía người dân cũng hết sức quan trọng vì chúng ta vẫn luôn luôn đề cao tiếng nói của những người trong cuộc. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Ở đây, vai trò của các nhà khoa học, lại một lần nữa, cần được nhấn mạnh. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ đem đến cho người dân những dữ liệu có độ tin cậy cao. Một khi nhận thức đúng vấn đề thì truyền thông từ phía người dân sẽ thành động lực để đẩy mạnh quá trình tôn vinh tinh hoa văn hóa.

***

Mấy vấn đề lý luận nêu trên cho thấy, tôn vinh tinh hoa văn hóa cần xác lập vị trí khoa học của mình trong mối quan hệ với bảo tồn văn hóa. Đồng thời, tôn vinh tinh hoa văn hóa cũng đòi hỏi mối quan hệ thật chặt chẽ giữa nhà nước, nhân dân và cơ quan khoa học. Tôn vinh tinh hoa văn hóa còn mang tính chính trị: gắn với mục tiêu phát triển xã hội của nhà nước trong một giai đoạn hoặc một thời kỳ lịch sử nhất định.

PGS.TS Trần Đức Ngôn

Tài liệu tham khảo

1. Thu Hà: Hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc ít người. Báo điện tử VOV2  ngày 4/11/2023 (https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hoi-tu-va-lan-toa-tinh-hoa-van-hoa-dan-toc-rat-it-nguoi-45743.vov2).

2. Trà My, Hà Linh, Hà My: Giới trẻ và hành trình kết nối tinh hoa văn hóa. Báo Pháp luật ngày 9/12/2023 (https://baophapluat.vn/gioi-tre-va-hanh-trinh-ket-noi-tinh-hoa-van-hoa-post498268.html).

3. Chí Kiên: Hòa quyện và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Báo Hà Nội mới 23/12/23 (https://hanoimoi.vn/hoa-quyen-va-toa-sang-tinh-hoa-van-hoa-viet-nam-653888.html).

4. Lê Quân: Tôn vinh văn hóa Việt. Báo Quảng Nam 24/9/2023 (https://baoquangnam.vn/ton-vinh-van-hoa-viet-3026487.html).

5. Quang Hoa: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Báo Việt Nam thịnh vượng 27/5/2021 (http://thinhvuongvietnam.com/Content/quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-tiep-thu-tinh-hoa-van-hoa-nhan-loai-202017).

...