VNHN - Cứ ba thanh niên Việt Nam được khảo sát thì có một người không ngần ngại thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình, mặc dù họ vẫn mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính và hiểu rằng tham nhũng có hại cho thế hệ mình, cho nền kinh tế, cũng như cho sự phát triển của Việt Nam.
Điều này phản ánh sự mâu thuẫn trong nhận thức và hành động của thanh niên Việt Nam về việc thực hành liêm chính.
Ảnh minh họa - Nguồn: internet
Đó kết quả từ cuộc Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 (YIS 2019), do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam, vừa được công bố tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. YIS 2019 có phạm vi 11 tỉnh thành như trong các lần khảo sát trước vào 2011 và 2014, với cỡ mẫu khảo sát 1.173 thanh niên, bao gồm cả đối tượng thanh niên theo định nghĩa của quốc tế (15-24 tuổi) và định nghĩa của Việt Nam (16-30 tuổi), và nhóm đối chứng là 465 người lớn tuổi (31-55 tuổi).
Khảo sát này cũng chỉ ra rằng, mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của sự liêm chính, song nhiều thanh niên Việt Nam vẫn tham gia vào hành vi tham nhũng và cố tìm cách biện minh cho hành động đó. Ví dụ, hơn một nửa số thanh niên được khảo sát cho rằng một người liêm chính vẫn có thể nói dối hoặc gian lận nếu điều đó giúp họ giải quyết được khó khăn cho bản thân và gia đình, hoặc cứ sáu thanh niên thì có một người cho rằng việc nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và tham nhũng mang lại nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, đáng lo ngại là, cứ hai thanh niên thì có một người sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào học ở trường tốt hoặc nơi làm việc tốt và số thanh niên sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng đã tăng trong năm 2018 so với kết quả khảo sát năm 2011 và 2014 (trước đây lần lượt là 42% và 38%).
Trong khi đó, trải nghiệm tham nhũng của thanh niên khi tiếp cận dịch vụ công ngày càng tăng và cam kết chống tham nhũng giảm do cảm thấy bất lực. Mức độ tham nhũng mà thanh niên trải nghiệm khi tiếp cận các dịch vụ công cơ bản được khảo sát đã tăng lên đáng kể vào năm 2018 so với kết quả năm 2011 và 2014. Theo báo cáo, 57% thanh niên tiếp xúc với cảnh sát, 46% thanh niên khi tiếp cận dịch vụ y tế và 40% thanh niên khi đi xin một loại giấy tờ hay giấy phép có trải nghiệm với tham nhũng.
So với hai lần khảo sát trước, tỷ lệ thanh niên cam kết tố cáo tham nhũng giảm rõ rệt, từ 60% năm 2011 giảm xuống dưới 50% năm 2018. Lý do không tố cáo được đưa ra nhiều nhất là “thanh niên không nghĩ rằng tố cáo sẽ có tác dụng”, tiếp sau đó là lý do “lo sợ cho an toàn của bản thân” và “không phải việc của họ”.
Có thể thấy từ báo cáo YIS 2019 vấn đề không nằm ở nhận thức về tham nhũng, mà ở “môi trường thực hành”. Phần lớn người được khảo sát đều biết đến tác hại của tham nhũng, nhưng trải nghiệm của họ với tham nhũng ngày càng tăng và thanh niên không cảm thấy có khả năng tham gia phòng chống tham nhũng. “Trong bối cảnh đó, rất cần sự chung tay hành động của tất cả các bên liên quan nhằm tạo nên một môi trường tạo điều kiện cho liêm chính hình thành và phát triển để giúp người trẻ có thể trải nghiệm và thực hành liêm chính”, báo cáo YIS 2019 khuyến nghị.
Cụ thể gồm (i) xây dựng một hệ thống tố cáo an toàn và hiệu quả để thanh niên có thể tố cáo tham nhũng và các hành vi phi đạo đức mà không lo sợ bị trả thù và (ii) ưu tiên những nỗ lực cải thiện các dịch vụ công cơ bản mà thanh niên có khả năng thường xuyên gặp tham nhũng nhất, như cơ quan thực thi pháp luật (như cảnh sát giao thông), y tế, giáo dục và các cơ quan dịch vụ hành chính (cấp xét các loại văn bản giấy tờ).