VNHN - Có nhiều người từng nói, cái cảm giác thức dậy ở Cao nguyên Măng Đen, Kon Tum không thể tìm thấy được ở những thành phố hoa lệ hay nhiều nơi khác trong cả nước. Và họ nói rằng sau những ngày tất bật công việc nơi những thành phố công nghiệp, khói bụi thì đến Măng Đen như đến để sạc năng lượng cho riêng mình.
Khu du lịch thác Pa Sỹ
Có lẽ cái tên Măng Đen còn khá mới trên bản đồ du lịch Việt nam, nhưng tin tôi đi, bạn sẽ không thất vọng khi đến với Măng Đen. Nói về tiềm năng thì Măng Đen không thiếu để làm du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên. Đây cũng là cách con người dựa vào thiên nhiên và sống chan hòa với thiên nhiên như bao đời nay. Đến Măng Đen, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến không chỉ những vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Đak Ke hay thác Pa Sỹ hùng vĩ mà còn là khung cảnh yên bình hoang sơ của làng văn hóa dân tộc KonBring. Nơi đây, như một bức tranh huyền ảo giữa đại ngàn Măng Đen.
Một điểm đến hấp dẫn như đưa ta về với thiên nhiên thuần chất nhất là mỗi sớm mai bên thác Pa Sỹ, một điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến với Măng Đen mát lành. Và nơi đây khi màn đêm buông xuống bên bếp lửa bập bùng, du khách được thưởng thức những điệu nhảy cồng chiêng huyền ảo, cùng những âm thanh của nhạc rừng, thác suối. Buổi sáng nơi đây rộn ràng tiếng chim ca, rồi tản bộ vài vòng quanh thác, thưởng thức bữa điểm tâm cùng ly cà phê thơm nồng nàn đượm chất Tây Nguyên, ngắm những bức tượng gỗ như bức tranh được sắp đặt bên khu rừng nơi đỉnh thác. Nơi đây sẽ là không gian tâm linh vô tận để du khách khám phá những bí ẩn được truyền tụng từ đời này qua đời khác của các dân tộc Tây Nguyên. Ở đó, đời sống tâm linh của đồng bào được thể hiện qua các bức tượng gỗ, và không chỉ nơi đây bạn đi về phía các buôn làng những bức tượng ấy còn được dựng khắp nơi như cổng nhà rông, các nhà mồ…
Những bức tượng ở khu du lịch Pa Sỹ (ảnh Huy Đằng)
Đặc biệt tại thác Pa Sỹ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum thường năm có cuộc thi tạc tượng nghệ thuật truyền thống đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên vô cùng độc đáo. Cuộc thi được xuất phát từ tuần lễ văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (19/2/1913 – 19/2/2013). Rồi sau đó hằng năm cứ vào dịp lễ hội là các nghệ nhân từ khắp các buôn làng tụ hội về đây để tham gia cuộc thi tạc tượng, các bức tượng cứ thế nhiều dần lên và được trưng bày khắp nơi ở thác Pa Sỹ. Tạo nên một sinh hoạt thường xuyên để bảo tồn vốn quý truyền thống của các dân tộc bản địa. Những nghệ nhân ở các buôn làng, biến những rễ cây có hình thù kỳ lạ, thành những tác phẩm mỹ thuật độc đáo làm đẹp cho đời. Mỗi bức tượng là một số phận, một cảm xúc được truyền tải từ tâm trạng của mỗi nghệ nhân. Giờ đây các bức tượng ở thác Pa Sỹ không chỉ để trưng bày trong rừng già mà nó đã đi vào cuộc sống, không chỉ là vật gia bảo mà nâng tầm lên thành các tác phẩm nghệ thuật, phục vụ thương mại, đem lại đời sống kinh tế cho các buôn làng.
Câu chuyện vườn tượng ở thác Pa sỹ, theo anh A Biu, người sáng lập ra nghề tạc tượng, là nguyên do từ một sự tình cờ. Trong một lần ngụp lặn dưới dòng suối đầu nguồn thác Pa Sỹ, anh A Biu bỗng sững sờ nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của những rễ cây ngoằn nghòe nằm lâu ngày dưới lòng sông, sau đó anh đem về nhà gọt giũa thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Khách đến nhà khen ngợi và gợi ý anh đem trưng bày tại Măng Đen. Khi trưng bày, những bức tượng của anh đã hấp dẫn du khách, nhiều người hỏi mua và như thế anh tìm kiếm và khuyến khích một số người cùng làng làm theo, và dần từ đó nghề tạo tượng nơi Măng Đen được ra đời và nhiều người họ đã trở thành nghệ nhân. Các nghệ nhân lão luyện như anh A Vương, anh A Lâm, chị Y Nguyệt...đều cho rằng, nguyên tác đơn giản là thiên nhiên và con người cùng làm. Tuy nhiên con người càng ít gia công vào hoặc gia công thật khéo, thật khó nhận thấy thì giá trị và sức thuyết phục của các bức tượng càng lớn.
Vườn tượng ở khu du lich Pa Sỹ
Ban đầu, anh A Biu chỉ thực hiện những đề tài dân gian và tâm linh, sau đó theo gợi ý của khách hàng và một số chuyên gia mỹ thuật, đề tài của anh rộng mở trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Quan trọng nhất, theo anh Biu là cách chọn đề tài, đề tài phải có tính gợi mở làm cho người xem tưởng tượng và thưởng ngoạn theo ý thích riêng của mình.
Không phải chỉ là thú tiêu khiển lúc nông nhàn, nghề tạc tượng từ rễ cây này đã làm giàu cho một số gia đình, có hộ đã cất nhà, mua sắm tiện nghi, gặp khách ưng ý có thể ký được hợp đồng với số lượng nhiều. Tuy nhiên, theo anh A Biu, nghề này thu nhập vẫn rất thất thường. Bên cạnh khoản thù lao cho những nghệ nhân, trên cả vẫn là niềm đam mê sáng tạo mà nếu thiếu nó tính chất và ý nghĩa sẽ không còn. Do đó nghề này trước hết phải đam mê, tâm huyết, bởi tìm một rễ cây ưng ý không phải dễ, các anh phải vào tận rừng sâu để mang về. Hơn nữa nguyên liệu ngày càng ít, nghệ nhân phải mua lại của thợ rừng, nhiều lúc phải mua cả xe rễ cây nhưng chỉ chọn được mấy gốc ưng ý.
Vườn hoa ở khu du lịch thác Pa Sỹ
Mỗi buổi sớm mai thức dậy với cảnh bình minh lên ở Măng Đen, mỗi buổi chiều được ngắm hoàng hôn ở Măng Đen từ đỉnh núi hay đồng cỏ, có lẽ những trải nghiệm đẹp ở Măng Đen sẽ không thể nào ghi lại bằng mắt cho đủ, mà phải được ghi lại bằng cảm xúc. Tin tôi đi, bạn sẽ thêm Măng Đen vào hành trình khám phá và nơi ấy thác Pa Sỹ và những bức tượng Tây Nguyên sẽ là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi một lần đến với Măng Đen./.