VNHN - Quảng Ngãi đã phát hiện 5 bệnh nhân Cvid - 19. Khi dịch bệnh xãy ra bà con một số nơi trong tỉnh đã lo lắng về tình hình đáp ứng lương thực, thực phẩm. Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ thông tin để bà con yên tâm, không mua tích trữ lương thực.
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi
Phóng viên: Thưa ông, mặc dù người dân địa phương xem như đã được “tập dợt” sau lần báo động đại dịch lần thứ nhất. Tuy nhiên, khi Quảng Ngãi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng thì tâm lý mua vét lương thực tích trữ bắt đầu nổi lên. Xin ông chia sẻ và có lời khuyến cáo?
Đỗ Tiến Đạt: Sở Công thương đã có kịch bản sẵn. Vì vậy khi ngành y tế phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên là 419 thì chúng tôi đi kiểm tra ngay. Người dân có tâm lý lo sợ, đến mua vét gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn, củ quả ở các siêu thị Thành Nghĩa, Coopmart, Bic C…Chúng tôi đi kiểm tra thì thấy số lượng người mua hàng rất lớn. Bà con còn mua ở các đại lý nhỏ ở các khu phố và tập trung chủ yếu là mua các mặt hàng trên.
Qua đây, Sở Công thương cũng khuyến cáo bà con, không nên mua tích trữ. Vì có siêu thị mới báo là hết mì tôm thì 3 giờ sau đã có cả xe thùng container chở đầy ắp hàng về trút vào siêu thị. Lượng hàng này không phải chở từ thành phố Hồ Chí Minh ra, mà được luân chuyển từ các kho ở các tỉnh lân cận, nên hàng hóa không lo thiếu.
Phóng viên: Trong đợt dịch đầu năm, nhiều người dân huyện đảo Lý Sơn lùng khắp các bến cảng ở 2 bên bờ sông Sa Kỳ để mua vét mì tôm. Theo ông là mì tôm không thiếu, nhưng tại sao vẫn khan hiếm?
Đỗ Tiến Đạt: Sở Công thương đã xây dựng kịch bản chi tiết về việc cung ứng hàng hóa trong trường hợp có đại dịch. Kịch bản này chia làm 5 cấp độ. Cấp độ 1 là khu dân cư cách lý 50 người trong thời gian 28 ngày; cấp độ 5 là khu dân cư có 10.000 người cách ly trong thời gian 28 ngày. Huyện đảo Lý Sơn có dân số hơn 22.000 người, tức gấp 2 lần cấp độ 5. Có những vấn đề phát sinh mang tính tiểu tiết và nằm ngoài kịch bản này, đó là khẩu vị của người dân địa phương. Người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và người dân Quảng Ngãi nói chung là thích loại mì tôm có vị cay nhẹ, hơi chua, béo, không có vị hậu của mì sắn. Thời điểm đó, có rất nhiều mì tôm, nhưng bà con chỉ lựa chọn loại mì có vị như thế. Khi phát hiện sự thiếu hụt đó thì chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp tính toán và nhu cầu trũng đó đã được san bằng.
Tàu chở hàng ra đảo Lý Sơn
Phóng viên: Lương thực dự trữ của huyện đảo Lý Sơn đáp ứng cho người dân sử dụng trong thời gian dài như thế nào?
Đỗ Tiến Đạt: Hiện nay hoạt động vận tải đường thủy, chở khách du lịch ra đảo để tham quan, du lịch đã chính thức tạm dừng. Tuy nhiên, hoạt động tuyến vận tải thì vẫn diễn ra bình thường và thuận lợi. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với chính quyền ở huyện đảo Lý Sơn để nắm tình hình thông thương lương thực, thực phẩm, xem bà con thiếu mặt hàng gì, cần mặt hàng gì, có gì khó khăn thì sẽ đề nghị các doanh nghiệp cung ứng đầy đủ. Hiện nay các đại lý trên đảo tích trữ khoảng 100 tấn gạo, kho dự trữ của huyện dự trữ 15 tấn. Nhìn chung là lương thực sẽ không thiếu. Qua theo dõi thì tâm lý của bà con yên tâm, không lo lắng ùn ùn đi mua lương thực về tích trữ.
Phóng viên: Việc găm hàng, nâng giá bán lương thực, thực phẩm có xảy ra không? Sẽ bị xử lý như thế nào?
Đỗ Tiến Đạt: Hiện nay chúng tôi chưa phát hiện vụ việc lợi dụng đại dịch để nâng giá lương thực. Riêng ở các siêu thị thì giá cả vẫn niêm yết theo đúng giá thường ngày. Nếu phát hiện đại lý nào có dấu hiệu lợi dụng thì sẽ bị xử lý.
Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi là đầu mối cảnh báo, khuyến cáo, thông báo cho bà con nông dân đưa hàng nông sản ra các tỉnh phía bắc, thông thương qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai. Đó là thông tin được ông Đỗ Tiến Đạt chia sẻ thêm ngoài nội dung phỏng vấn. Ông Đạt cho biết, Dưa hấu vụ Đông Xuân năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi hơn 707 ha, thu hoạch mỗi hơn 31 tấn dưa/ha. Bên cạnh đó là mặt hàng ớt, tổng diện tích là 1.067 ha, năng suất bình quân 18-20 tấn ớt/ha, 2 mặt hàng nông sản chủ lực này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong đợt dịch Covid-19 vào đầu năm, đơn vị đã liên kết với Sở Công thương tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn để liên tục gởi đi thông báo, cảnh báo cho bà con nông dân trong tỉnh. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ làm tốt hơn nội dung này đưa công nghệ 4.0 vào việc chuyển tải thông tin, để nông dân khi cần thông tin là có đầy đủ ngay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.