17/01/2025 lúc 02:56 (GMT+7)
Breaking News

Lý Sơn - quê hương của những hùng binh Hòang Sa - Bắc Hải

Có thể nói dư âm lễ hội, không nơi nào ở nước ta lại đậm đặc ký ức Hoàng sa như đảo Lý sơn. Một ký ức đầy chất bi hùng về thời kỳ lịch sử thực thi sứ mệnh vương triều của các ngư dân huyện đảo. Sứ mệnh ấy còn ghi trong sử sách với tên tuổi nhiều cai đội :Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật… và để lại trên đất đảo này nổi đau khắc khoải chưa nguôi của nhiều thế hệ binh phu Hoàng Sa. Nổi đau dù đã đằm sâu dưới khoảng lặng của lời ca, nén chặt trong bóng tối của các khám thờ vẫn

VNHN - “Hoàng sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng sa trời nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế linh Hoàng sa”. Có thể nói dư âm lễ hội, không nơi nào ở nước ta lại đậm đặc ký ức Hoàng sa như đảo Lý sơn. Một ký ức đầy chất bi hùng về thời kỳ lịch sử thực thi sứ mệnh vương triều của các ngư dân huyện đảo. Sứ mệnh ấy còn ghi trong sử sách với tên tuổi nhiều cai đội :Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật… và để lại trên đất đảo này nổi đau khắc khoải chưa nguôi của nhiều thế hệ binh phu Hoàng Sa. Nổi đau dù đã đằm sâu dưới khoảng lặng của lời ca, nén chặt trong bóng tối của các khám thờ vẫn xốn xang tâm hồn thế hệ hiện tại vào cử tháng ba hàng năm khi lệ làng đến hẹn lại lên người ta gọi nhau về dự lễ khao lề thế lính Hoàng sa.

                 Biển đảo Lý Sơn

   Là bến đỗ trên con đường thủy đạo nối cửa Sa kỳ Quãng Ngãi với hòn cù lao Ré, bến Lý sơn thuộc địa phận thôn Tây xã An Vĩnh là nơi khởi đầu tuyến đường giao thông đi lại chủ đạo trên đảo. Chính tại nơi đây 400 năm về trước cù lao Ré đã đón bước chân  của các vị tiền hiền mỡ đầu cuộc hành trình khai canh khai cơ lập nên huyện đảo Lý Sơn ngày nay.

 Chuyện kể rằng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 17, 13 ngư dân thuộc hai làng vạn An Vĩnh và An Hải nằm bên cửa Sa kỳ đã rời quê ra cù lao Ré sinh sống và lập ra hai phường Lý Vĩnh và Lý Hải. Tròn hai thế kỷ gắn liền với cù lao song cuộc sống của người dân đảo vẫn còn nhiều đường dây mối nhợ lệ vào quê cũ, phải đến đầu triều Gia Long, năm 1804 hai phường Lý Vĩnh, Lý Hải mới tách khỏi đất liền để chính thức bước vào thời kỳ mới gắn liền số phận đảo với sứ mệnh của đội hùng binh Hoàng sa kiêm quản Bắc hải mà triều đình nhà Nguyễn giao phó…

            Toàn cảnh huyện đảo Lý Sơn

   Trải qua hàng thế kỷ, người Lý Sơn vẫn luôn tự hào với truyền thống quê hương, tự hào với đội thủy quân Hoàng Sa, một thời đã từng ngang dọc biển đông mang gươm đi giữ đảo, để bảo vệ chủ quyền của quốc gia dân tộc. Lần giở theo những trang chính sử, cũng như gia phả các tộc họ thì hầu hết các tộc họ ở Lý Vĩnh đều có người sung vào đội Hoàng Sa- Bắc Hải theo lệ luân phiên mổi năm một lần trong suốt gần hai thế kỷ. Và thực tế nhiều người lính Hoàng Sa một đi không về, để lại nỗi nhớ thương cho người thân nơi quê nhà:

        “ Mãn mùa tu hú kêu thanh. Cá Chuồn đã vãn sao anh chưa về ”

   Được lịch sử ghi nhận là một trong số các tộc họ đã có nhiều công lao đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn thực thi sứ mệnh đo lường con đường thủy đạo và cắm mốc hải giới vùng biển đảo Hoàng Sa. Họ Phạm làng Lý Vĩnh ngày nay may mắn có một gia phả tương đối đầy đủ các thế thứ gắn liền với đảo qua những cuộc hải trình biển đông. Họ là những binh phu đã bỏ mình trên các chuyến đi hoàng sa mà lệ làng trên đảo Lý sơn ngày trước quy định. Trong đó có nhiều chuyến đi đã hy sinh gần trọn cả thế hệ anh em trong cùng gia đình dòng tộc. Nổi đau cứ ràng rịt từ đời này sang đời khác nên con cháu dòng họ này luôn tự hào trước nghĩa khí :“Trung can huyền nhật nguyêt. Nghĩa khí quán càn khôn…” của lớp người chinh phu thuở trước. Họ xứng đáng được triều đình nhà Nguyễn tin cậy như phên dậu trong việc che chở cho đất liền và canh phòng giặc biển.…

          Đình làng An Vĩnh - Lý Sơn

   Tinh thần phụng mệnh đầy cao cả của dòng họ Phạm đã được lưu truyền trong các bộ chính sử của triều Nguyễn. Đó là trường hợp ông Phạm Quang Ảnh người thôn Đông làng Lý Vĩnh. Tháng giêng năm Ât hợi,1815 ông được vua Gia Long cử làm cai đội và sai chuẩn bị binh phu đi Hoàng sa. Năm sau ông mang theo 6 binh phu Lý sơn đi đo đạc thủy trình và cắm cờ hiệu trên đảo. Theo truyền ngôn của tộc họ, ông là người nhiều năm phụng mệnh nhà vua lập hải đội, tổ chức tiếp nhiều chuyến đi khác và cuối cùng đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển Đông cùng với 9 binh phu đồng hương. Ông được truy phong là Thượng đẳng thần và có miếu thờ tại làng Lý Vĩnh. Sau này người ta đã lấy tên ông để đặt cho hòn Tiền hay còn gọi là Money Island theo cách gọi của người phương Tây để ghi công ông vào lịch sử…

   Không chỉ có thế, người họ Phạm làng Lý Vĩnh tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử làm chủ Hoàng sa với vị chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật . Ngày 15 tháng tư năm Ất Mùi 1835 ông được vua Minh Mạng sai mang thuyền binh chở vật liệu cùng 24 lính thủy đi đóng cọc, dựng bia đá, trồng cây và xây đền thờ nhằm khẳng định chủ quyền của vương triều Đại Việt trên quần đảo Hoàng sa. Nhiệm vụ ấy phải kéo dài nhiều năm nên ông không tránh được nạn bão biển, đã hy sinh cùng hải đội trong chuyến đi cuối cùng năm 1854 thọ 49 tuổi. Đương thời , ngoài ông ra nhiều ngư dân họ Phạm, họ Võ họ Nguyễn làng Lý vĩnh cũng được cử làm cai đội chỉ huy các chuyến hải hành khác đi hoàng sa như các ông Phạm văn Biện, Phạm văn Nguyên, Võ văn Hùng…; nhưng ông là cai đội có uy tín nhất đối với triều đình vua Minh Mạng. Vì vậy cả 3 pho sử của triều nhà Nguyễn như Đại Nam Thực Lục, Quốc Triều Chính Biên và Khâm Định Đại nam hội điển sự lệ đều nhắc đến.

   Dòng họ Đặng vốn là dòng họ khai canh thôn Đông, Lý Vĩnh cũng là một trong những dòng họ mà nghề biển đã xuyên suốt nhiều thế hệ nên rất thạo luồng lạch trên biển Đông và giỏi điều khiển thuyền buồm cho các chuyến đi Hoàng sa. Trong đó có chuyến đi năm 1834 do ông tài công Đặng Văn Siểm điều khiển…

Tộc Võ có cai đội Hoàng sa là Hội nghĩa hầu Võ văn Khiết. Ông là hậu duệ đời thứ 5 dòng họ Võ tiền hiền trên đảo Lý sơn. Ông là người Lý Vĩnh được triều Tây Sơn trọng dụng giao cho việc đề xướng tái lập đội Hoàng sa và đội Quế hương vào tháng 2 năm 1786 và thường niên y lệ cũ lãnh chỉ thị sai phái của vị Thái phó Tổng binh dân chư vụ triều Thái Đức đi tìm sản vật quý trên quần đảo Hoàng sa.

   Có thể nói Cai đội Võ Văn Khiết là người Lý Sơn chỉ huy đội Hoàng Sa sớm nhất. Tiếp nối ông còn có nhiều người trong dòng họ Võ Văn như Võ văn Phú, Võ văn Hùng,Võ văn Công,Võ văn Sanh.v.v. đều đi theo con đường hải đội hùng binh mà ông đã chọn. Trong đó phải kể đến Võ Văn Hùng, người mà các bộ chính sử triều Nguyễn thường nhắc đến với vai trò là người dẫn đường cho thủy quân và tuyển chọn đà công và thủy thủ…

         Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn

   Nằm Khuất sau trong làng An Vĩnh đâu đó ở mỗi dòng tộc đều có khu mộ gió của các binh phu không về với đất đảo. Gọi là mộ gió bởi đó là những ngôi mộ tượng trưng, nằm  cạnh nhau, bề mặt bằng phẳng để hòa mình giữa địa hình tự nhiên đầy nắng gió . Người ta gọi thế còn bởi dưới mộ là những hình nhân bằng đất được chiêu hồn của các binh phu đã hy sinh trong những chuyến hải hành ra vào Hoàng sa. Ngày nay, khu mộ gió cái còn cái mất sau hàng thế kỷ nắng mưa. Song với người Lý Vĩnh các thế hệ hoàng sa xưa vẫn tồn tại và đồng hành cùng dân đảo.

   Có người bảo ngôi âm linh tự ra đời rất sớm vào đầu thế kỷ thứ 17 để thờ những ngư dân Lý sơn mất tích kể từ ngày họ bước chân lên đảo. Có thể như thế, song thần tích, thế phả, mộ gió và lễ hội còn lưu lại cho thấy âm linh tự là ngôi đền thờ các anh linh mang hào khí bi hùng của hải đội hoàng sa –Bắc hải . Lòng quả cảm sự hy sinh quên mình của hàng ngàn binh phu Lý sơn vì nghĩa lớn đã biến âm linh tự vượt lên tư thế của một ngôi đền bình thường sau hàng thế kỷ nuôi dưỡng tinh thần xả thân trong đạo lý của dân tộc. Điều đó đã được khắc ghi bốn chữ “ Chiến sĩ trận vong ” nơi tượng đài âm linh tự.

            Âm linh tự ở Lý Sơn

   Phải nói rằng hòn đảo này có rất nhiều lễ hội cổ truyền bởi đảo là nơi lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa, nhưng không một lễ hội nào để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức dân gian bằng Lễ tế Khao lề thế lính Hoàng sa vào dịp tháng ba hàng năm. Lễ thức này hiện nay chỉ là dư âm của sự kiện mang tính bi hùng thời trước. Tuy có thay đổi phần nào, song tinh thần nguyên bản của nó vẫn hằn sâu trong tiềm thức của người dân hòn đảo Lý sơn đến muôn đời…

      Lễ cúng khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn

    Không phải tự dưng mà ngày nay người ta coi đảo Lý sơn là quê hương của những kình ngư soái biển dọc ngang biển Đông . Đó là ngôi nhà của nhiều dòng họ mà cuộc sống gắn liền với biển từ đời này sang đời khác. Với họ, biển Đông cũng như Hoàng sa - Trường sa không chỉ là ngư trường quen thuộc mà còn là nơi ấp ủ linh hồn tổ tiên người Lý sơn tuẩn nạn. Cho dù nơi ấy ngày nay còn lắm tai ương , nhưng tinh thần “vị quốc vong thân” của các cai đội hùng binh Hoàng sa thuở trước đã cho họ niềm tin và sức mạnh để dong thuyền ra khơi; bởi Hoàng Sa và Trường sa là một phần quá khứ của hòn đảo này- hòn đảo mà nỗi đau thương và niềm tự hào của các dòng họ đã quyện chặt vào nhau vĩnh viễn trong câu hát dân gian…

     “ Hoàng sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về…”./.