18/11/2024 lúc 05:14 (GMT+7)
Breaking News

Lực lượng báo chí – “Cầu nối” góp phần xây dựng bộ máy chính quyền của dân

Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí còn đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm – Đó là đánh giá chung được đúc kết lại từ buổi Tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm – (Ảnh: Internet)

Tại tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM tổ chức chiều 28/2, các đại diện các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền và các đơn vị của TP đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, các làm hay trong triển khai thực hiện Quy định 1374.

Thời gian qua, quan điểm thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU chính là công cụ hữu hiệu, đưa mọi thứ đi vào nề nếp, những thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 04 nguồn, nguồn thứ tư là phản ánh của báo chí. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Thông tin phản ánh của báo chí “liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và Ban Thường vụ cấp trên; văn phòng cấp ủy cấp trên của đơn vị tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; ban tuyên giáo các cấp tham mưu, đề xuất Thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận xã hội của thành phố, địa phương, đơn vị”.

Các cơ quan báo chí, với tinh thần bám sát, quyết tâm thực hiện tốt những Kế hoạch, định hướng đề ra, đặc biệt là việc tuyên truyền Quy định số 1374-QĐ/TU đã được các cơ quan quan tâm, cũng như thực hiện thu về nhiều “quả ngọt”. Đặc biệt là trong kết quả xử lý thông tin, phản ánh và xử lý kỷ luật toàn TP. Cụ thể, TP đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15%.

Từ những con số trên, có thể thấy thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Cũng nhờ những thông tin phản ánh thiết thực, sát với thực tiễn đã góp phần để những công tác rà soát - điều chỉnh - bổ sung các quy định, quy chế từ các cấp, các ngành cũng trở nên thiết thực và phù hợp hơn. Cùng với đó, những giải quyết vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận được thực hiện, góp phần quan trọng tạo nên sự đoàn kết, là “cầu nối” hữu hiệu giữa ý Đảng – lòng dân.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê nhận định phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội – (Ảnh: Internet)

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cũng đánh giá thêm, Quy định số 1374-QĐ/TU được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành ngày 1-12-2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yêu cầu 100% cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ thành phố tập trung tổ chức, triển khai thực hiện. Điều này đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân./.

Hoàng Châu