Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bao gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân
TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, tăng cường, hoàn thiện dân chủ, pháp luật về dân chủ, thực hiện dân chủ, nhất là ở cơ sở luôn là mục tiêu lâu dài và thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta. Dân chủ luôn phải được ghi nhận, bảo đảm bởi pháp luật, dân chủ luôn gắn liền với pháp luật và thực hiện pháp luật. Song việc phát huy và mở rộng dân chủ phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, truyền thống lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của mỗi cộng đồng, nhà nước; dân chủ luôn gắn liền với kỷ cương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tầm quan trọng của dân chủ ở cơ sở. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực thi dân chủ ở từng địa phương, cơ sở, từng cán bộ, từng người dân và từng công việc phải cụ thể, rõ ràng. Vận động tất cả lực lượng, mỗi cán bộ, đảng viên,... đều phải có trách nhiệm làm cho người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong vị thế của người làm chủ. Để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách thực sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương” .
Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở thực chất là việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân chủ ở cơ sở là một cơ chế đặc biệt, bao gồm cả các hình thức như bầu cử và bãi miễn đại biểu cơ quan dân cử, các tổ chức, chức danh đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở cấp cơ sở; bàn bạc, thảo luận, tham gia quyết định, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các công việc trong đời sống cộng đồng ở cơ sở, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân trong quản lý nhà nước. Người cho rằng “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, nhà nước phải dựa vào lực lượng nhân dân, bảo đảm phương châm “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Trong quá trình chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Điều đó được minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất khi soạn thảo Hiến pháp năm 1959 đã tổ chức hai đợt lấy ý kiến nhân dân với thời gian là 4 tháng. Người đánh giá: “Hai đợt thảo luận dự thảo Hiến pháp trong nhân dân là những cuộc sinh hoạt chính trị rất sôi nổi. Nhân dân đã hăng hái sử dụng quyền dân chủ của mình để xây dựng Hiến pháp của mình”.
Cũng theo phân tích của TS Nguyễn Đình Quyền, vấn đề nhân dân giám sát hoạt động của nhà nước, cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, viên chức nhà nước xuất phát từ nguyên tắc quyền lực của nhân dân là tối thượng, là quyền lực gốc. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình là thực hiện quyền hạn do nhân dân ủy thác cho. Vì vậy, để bảo đảm rằng các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức không lạm quyền, lộng quyền, không vượt ra sự ủy thác của nhân dân thì đòi hỏi nhân dân phải giám sát việc thực hiện quyền lực đó. Điều này là đương nhiên trong mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền.
Triển khai hiệu quả quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thực tiễn
TS Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Thông qua việc tổ chức thực hiện, đưa pháp luật vào cuộc sống, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân đòi hỏi tính tối cao của Hiến pháp và luật. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và hoạt động để nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư. Pháp luật về dân chủ quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở đối với việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là chủ thể của thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở mà trước hết là chính quyền cấp cơ sở là khâu then chốt trong tổ chức thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng bảo đảm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn. Nhà nước thực hiện chính sách quản lý và phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chính sách vĩ mô và vi mô. Trong những năm qua, hoạt động quản lý kinh tế của các cấp chính quyền đã được tách bạch, rạch ròi với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh. Đối với chính quyền cơ sở, đây vừa là nơi thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, vừa là nơi chịu sự quản lý của chính quyền cấp trên. Toàn bộ các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, ngắn hạn của trung ương, tỉnh, huyện đều có ảnh hưởng và triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn, tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp... Bên cạnh đó, việc hoạch định các mục tiêu của xã, phường, thị trấn cũng được HĐND xã, phường, thị trấn thông qua. Những vấn đề mà nhân dân quan tâm, được biết, được bàn, được kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng theo nội dung của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quyết toán ngân sách, xây dựng cơ sở trường, trạm, các thiết chế văn hóa, công khai mức thuế, phí và lệ phí, vốn vay xóa đói, giảm nghèo, bình xét gia đình văn hóa, kế hoạch và phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng triển khai các dự án trên địa bàn… đều là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở cả vùng miền.
Do đó, thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cho thấy, khi tài chính được công khai, minh bạch, nhân dân được góp ý kiến và sẵn sàng đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi công cộng, đất đai được quản lý tốt, việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã nông nghiệp được ủng hộ, công tác dồn điền đổi thửa tạo đà cho sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác xã hội hóa trong giáo dục, y tế được đẩy mạnh thì các quyền của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế… được bảo đảm hơn. Việc thực hiện dân chủ luôn nhằm tới “tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ngoài ra, thực hiện pháp luật dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng là cơ sở để giữ vững bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là một bộ phận của pháp luật thực định, góp phần thực hiện chức năng duy trì trật tự xã hội. Đạo Luật này cùng với các chế định pháp luật khác nhau về quyền con người, quyền công dân bảo đảm cho nhân dân được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, các quyền về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề về an ninh trật tự, xây dựng và tổ chức tự quản đời sống cộng đồng, chính quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân. Thực tế chứng minh, ở địa phương, cơ sở nào thực hiện tốt dân chủ thì ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, vì sự ổn định, bình yên của từng cụm dân cư, góp phần xây dựng nên sự bình yên, ổn định của cả địa phương, quốc gia, dân tộc.
TS Nguyễn Đình Quyền cho rằng, thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở không còn là một khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành những quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở. Với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, dân được kiểm tra, giám sát, tài chính được công khai, minh bạch hơn; làm thay đổi tác phong công tác của đa số cán bộ, công chức theo hướng tích cực hơn, trăn trở hơn với lợi ích của dân, sâu sát và tôn trọng quyền làm chủ của dân. Thực hiện dân chủ cũng là yêu cầu tất yếu đòi hỏi bộ máy nhà nước phải đẩy mạnh cải cách, thường xuyên đổi mới để ngày càng kiến tạo, có năng lực phục vụ nhân dân tốt hơn.
Khách quan của việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong những năm qua cho thấy vai trò quan trọng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc tổ chức thực hiện, đưa Luật này vào cuộc sống. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với nhà nước, một mặt giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, một mặt nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đối với người dân, họ thấy được mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, tạo sự tin tưởng của dân đối với nhà nước, thấy được quyền và trách nhiệm giữa nhà nước và nhân dân, tất cả vì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
TS Nguyễn Đình Quyền lưu ý, hoạt động thực hiện pháp luật nói chung và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng diễn ra phổ biến hàng ngày, trong những điều kiện và đối tượng khác nhau và cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật ở nước ta rất đa dạng, có thể nhìn nhận dưới góc độ tác động bên trong và tác động bên ngoài như trình độ dân trí, văn hóa, ý thức pháp luật, yếu tố tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, yếu tố chính trị, hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước… Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.