Sửa đổi toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển xã hội số
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet, không gian mạng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu các quy định cụ thể về giá trị pháp lý của các yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Bên cạnh đó, Luật còn thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; chưa cập nhật và đồng bộ các quy định về an toàn, bảo mật theo Luật An toàn thông tin mạng, chưa có quy định về việc quản lý các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử…
Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, bổ sung các quy định về chứng thư điện tử.
"Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử", Bộ trưởng Hùng cho biết.
Đề cập đến dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử, việc thiếu các hoạt động bảo đảm của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số. Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ bổ sung 5 dịch vụ tin cậy.
Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, dự thảo Luật bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Khắc phục hạn chế, bất cập, phát sinh mới trong thực tiễn
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử như Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn. Về cơ bản, dự thảo Luật đã cụ thể hoá 9 nhóm chính sách trong Tờ trình của Chính phủ khi đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra đề nghị nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương "ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng" như yêu cầu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Đi vào một số vấn đề cụ thể như về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nền tảng chung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tăng khả năng liên kết, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, thống nhất trong lưu trữ tài liệu điện tử; quản lý dữ liệu, quy định rõ biện pháp thúc đẩy giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung về dân cư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử.
Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; bổ sung quy định cụ thể về tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch và giá trị pháp lý của kết quả thực hiện giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; việc quy định người dùng chỉ cung cấp một lần dữ liệu cá nhân nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thúc đẩy giao dịch điện tử.
Quy định rõ ràng hơn về các tiêu chuẩn, cơ chế kết nối, chia sẻ của các nền tảng số về khả năng, tích hợp và thừa nhận lẫn nhau để thực hiện giao dịch điện tử như chữ ký số, hoá đơn, biên lai điện tử... để thuận tiện khi sử dụng, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Quy định nguyên tắc bắt buộc phải xử lý khi người dân gửi đến
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với nhiều nội dung và cần thiết ban hành Luật sửa đổi. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính thống nhất của hệ thống pháp luật như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này liên quan đến những luật nào (Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự…), nếu có sự "không thống nhất" với các đạo luật khác thì giải quyết như thế nào và cân nhắc tính khả thi khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật…
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của người khởi tạo; quy định về nguyên tắc bắt buộc phải xử lý khi người dân gửi đến; về chữ ký số…
Thảo luận tại cuộc họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành cao với nhiều nội dung của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đồng thời cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có quy định đặc thù đối với dữ liệu và tính bảo mật của ngân hàng là rất khác và rất cao nên để bảo đảm tính thống nhất đối với các quy định của ngân hàng và sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với rất nhiều tài liệu để phục vụ cho dự án luật này nhằm cung cấp thông tin để Quốc hội có cơ sở nghiên cứu và thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn một số quy định rất quan trọng là sự cần thiết và mục đích ban hành luật này, những tồn tại và hạn chế sau 17 năm thi hành.
Liên quan đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ "nội hàm của giao dịch" được quy định ở các luật khác, cần thống kê và phân tích với các phụ lục kèm theo, không thay đổi các nội dung mà luật khác đã quy định vì luật này chỉ thay đổi về phương thức giao dịch chứ không thay đổi về nội dung giao dịch.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới đây.
Hiện nay, có 158 quốc gia đã có khuôn khổ pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu các đạo luật này và các luật quốc tế có liên quan để tham khảo trong quá trình xây dựng luật.
Trong đó, có các đạo luật điển hình như: Luật Dịch vụ số của Liên minh châu Âu; Luật Thị trường số của Liên minh châu Âu; Luật mẫu của Liên Hợp Quốc về chứng thư điện tử có thể chuyển nhượng; Luật mẫu của Liên Hợp Quốc về chữ ký điện tử; Luật mẫu của Liên Hợp Quốc về thương mại điện tử; Quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử tại thị trường nội bộ của châu Âu; Luật Giao dịch điện tử, thương mại điện tử của một số quốc gia trên thế giới…
(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)