16/01/2025 lúc 01:34 (GMT+7)
Breaking News

Lũ dữ đi qua, nhiều điểm trường miền núi không kịp khai giảng năm học mới

VNHNO – Hôm nay , “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, khi học sinh cả nước háo hức tựu trường thì ở nhiều nơi lũ dữ vừa đi qua, thầy cô và học trò vẫn trễ hẹn với khai giảng.

VNHNO – Hôm nay , “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, khi học sinh cả nước háo hức tựu trường thì ở nhiều nơi lũ dữ vừa đi qua, thầy cô và học trò vẫn trễ hẹn với khai giảng.

Nghệ An: Thầy trò vùng biên viễn lo trễ hẹn ngày khai trường

Một tháng 'chạy lũ' 2 lần, lũ chồng lũ, những ngày qua vùng biên giới huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông (Nghệ An) chưa thể khắc phục xong những hậu quả do cơn bão số 3 gây ra lại tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề của hoàn lưu bão số 4.

Chỉ trong vòng mười ngày, bão cũ chưa qua bão mới lại về. Và lần này, nhiều con đường bị cắt đứt hoàn toàn bởi nước sông dâng cao kỷ lục, lượng đất đá theo mưa lũ bồi lấp các điểm trường, lớp khiến học sinh nơi đây không thể khai trường. 

Lũ về khiến sách vở của học sinh nhuốm màu bùn đất

Tại Trường Tiểu học Mường Ải, bốn gian nhà công vụ của giáo viên nằm chênh vênh bên sông Nậm Típ chỉ còn lại một bức tường. Trước đó không lâu, trận lũ quét kinh đã đánh sập hoàn toàn 4 gian nhà ở của 15 giáo viên và 1 gian được bố trí làm văn phòng của Trường Tiểu học Mường Ải.

Cách đó không xa, điểm trường bản Na Mỳ của Trường Tiểu học và Mầm non xã Mường Típ, nước lũ ùa về đã cuốn trôi phòng học, công trình vệ sinh. 

Không chỉ có Mường Típ, Mường Ải, nhiều trường học tại huyện Kỳ Sơn cũng bị hư hại sau 2 trận lũ liên tiếp, việc đón học sinh tập trung chuẩn bị cho năm học mới phải lùi lại. Tại thị trấn Mường Xén, các trường tiểu học, mầm non, trụ sở Phòng GD&ĐT bị ngập sâu hơn 1m nước do mưa lũ, làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác.

Ở xã biên giới Mỹ Lý, Trường Mầm non Mỹ Lý 1 và 2, THCS, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú bị ngập sâu, hơn 20 gian nhà ở công vụ của giáo viên bị nước lũ cuốn trôi hoặc sụt lún. Ước tính ban đầu thiệt hại cho riêng ngành Giáo dục của huyện vùng cao này lên tới 10 tỉ đồng.

Hiện trời vẫn còn mưa rải rác, các đơn vị đang tiếp tục cử lực lượng bám địa bàn 24/24h nắm tình hình mưa lũ và triển khai các kế hoạch khắc phục với phương án tạm thời là mượn các các điểm lẻ của các cấp học tiểu học, THCS, cùng trung tâm học tập cộng đồng các xã... để các em học sinh đi học, nhưng vẫn có hàng trăm học sinh các cấp học không kịp tới trường khai giảng. 

Trường học bị vùi lấp, học sinh vùng núi Thanh Hóa bơ vơ ngày khai giảng

Sau thảm họa lũ dữ, tại nhiều địa phương của Thanh Hóa vẫn đang trong tình cảnh đổ nát và tan hoang, mọi cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Dù hôm nay là ngày khai giảng, thế nhưng các em học sinh và thầy cô ở các vùng lũ đi qua vẫn đang bơ vơ chưa có nơi để học khi trường lớp đã bị lũ phá tan hoang, vùi lấp trong hàng tấn bùn đất. 

Huyện miền núi Mường Lát là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số 10 huyện bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện vẫn bị cô lập do mưa lũ và sạt lở đất. Toàn huyện vẫn đang mất điện, sóng điện thoại mới chỉ được khôi phục lại. Lương thực và xăng dầu của huyện đang dần cạn kiệt và khó tiếp viện.

Trường Tiểu học Trung Lý II ngập trong bùn đất

Huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng do lũ lụt. Đến nay, nước cơ bản đã rút, thế nhưng hàng tấn bùn vẫn còn dồn ứ lại khiến việc dọn dẹp vô cùng khó khăn. Tại huyện Quan Hóa, trường Tiểu học Trung Sơn cũng bị ảnh hưởng lũ, chưa thể khôi phục. Ngày khai giảng đã cận kề nhưng nhiều phòng học đã sập hoàn toàn, khu nhà khác cũng bị sập một phần.

Hiện tại, các nhà trường và chính quyền địa phương hiện đang nỗ lực, khẩn trương huy động toàn lực lượng để khắc phục sau lũ. 

Trong tình cảnh hàng loạt các điểm trường bị phá tan và vùi lấp, nhà cửa của người dân bị tàn phá vẫn chưa thể về, việc đến trường với các em học sinh và thầy cô ở thời điểm này là điều không tưởng. 

Bộn bề khó khăn ở vùng lũ Tà Hộc (Sơn La)

Chỉ trong ba ngày từ 28-30/8, Trường Tiểu học và Trường Trung học Cơ sở Tà Hộc phải hứng chịu 3 trận lũ liên tiếp gây hậu quả nặng nề. Những ngày qua, giáo viên phải thức trắng đêm để vừa thu dọn đồ đạc vừa đề phòng lũ quét bất ngờ. Sau khi nước lũ rút, các giáo viên và địa phương đã rất nỗ lực để cứu tài sản còn lại.

Hàng trăm người dầm mưa để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ tại trường tiểu học Tà Hộc, huyện Mai Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Tuyến đường giao thông chính từ trung tâm huyện đến đây đã bị cắt đứt, trường học hoàn toàn bị cô lập. Sau gần một tuần chống chọi ở vùng lũ, điện mất, lương thực đã cạn kiệt. Việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn, các giáo viên phải vào nhà dân hoặc lên rừng lấy các loại rau dại về ăn tạm. 

Dưới cơn mưa tầm tã, hơn 100 người là giáo viên, phụ huynh cùng các chiến sỹ quân đội, công an vẫn không dừng việc dọn dẹp những lớp bùn dày đến gần 1m trên sân trường Tiểu học và trường Trung Cơ sở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn để chuẩn bị cho học sinh đón một năm học mới.

Chứng kiến bao mùa mưa lũ đi qua nhưng không nghĩ con đường đến trường khai giảng năm học 2018-2019 của học sinh vùng cao lại gian nan và hiểm nguy đến thế./.