22/12/2024 lúc 15:47 (GMT+7)
Breaking News

“Lòng dân” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đứng trước nhiều thuận lợi và cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quán triệt sâu sắc tầm quan trọng về vị trí, vai trò của “lòng dân”, từ đó có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thực hiện bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhận thức về “lòng dân” và vai trò của “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được…”(1). Quán triệt quan điểm đó, kế thừa những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng yếu tố “lòng dân”, lấy việc xây dựng “thế trận lòng dân” làm động lực chủ yếu để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; ngăn chặn nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa.

Lý luận và thực tiễn đều khẳng định “lòng dân” và “thế trận lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng, an ninh nói riêng. “Lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội, là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi quốc gia, dân tộc. “Lòng dân” và xây dựng “thế trận lòng dân” được hiểu là xây dựng tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, tạo thành nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển, đảo, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa.

Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên thì đất nước vững vàng, phát triển. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII xác định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Quan điểm, chủ trương của Đảng ta về xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới, biển, đảo, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh

Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta sử dụng cụm từ “thế trận lòng dân” và xác định xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”(3), trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt. Tiếp tục kế thừa và phát triển quan điểm này, Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”(4).

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta khẳng định phương châm giữ nước là phải chăm lo xây dựng cho “kinh tế phải vững, quốc phòng mạnh, thực lực phải tăng cường, “lòng dân” phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”(5). Theo đó, Trung ương yêu cầu tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đến Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”(6) trong tình hình mới.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng và phát triển mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(7), “Có kế sách ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(8). Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Đảng ta nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(9). Đây là phương hướng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc trên các hướng, địa bàn chiến lược; là sự cụ thể hóa quan điểm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “thế trận lòng dân” vững chắc. Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng.

Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(10). Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”(11). 

“Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai chỉnh thể của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. “Lòng dân” luôn tồn tại khách quan nhưng “lòng dân” có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của con người. Điều này, đòi hỏi sự thể hiện được vai trò lãnh đạo xã hội trong việc chuyển hóa “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Khi được xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” sẽ tác động trở lại làm cho “lòng dân” phát triển hài hòa, đúng định hướng.

Giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới,  biển, đảo, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa

Đảng ta khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo”(12). Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới; là sự cụ thể hóa quan điểm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, hải đảo ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo quốc gia.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương có biên giới, biển, đảo cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức sâu sắc về mục tiêu: “Xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải toàn diện, tập trung vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây cũng chính là thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Hai là, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại đối tượng, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đồn biên phòng, lực lượng an ninh phải thường xuyên nắm chắc tình hình có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biên giới, biển, đảo quốc gia; phân loại địa bàn, đối tượng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, kết hợp tổ chức tuần tra các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng, vận dụng kết hợp các hình thức, biện pháp đấu tranh với các biện pháp ngoại giao, pháp lý trong xử lý các tình huống bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, ly khai ở khu vực biên giới. Ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống xuyên biên giới, xuyên quốc gia, các hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, biển, đảo gây xung đột bằng biện pháp vũ trang, xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc bằng biện pháp phi vũ trang.

Ba là, chủ động phối hợp, tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương cơ sở vững mạnh toàn diện.

Đây là giải pháp rất quan trọng, vì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động và tham gia các hoạt động xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo ở các địa phương. Vì vậy, lãnh đạo các cấp cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chương trình phối hợp hành động với các ban, ngành của các tỉnh, thành phố triển khai các mặt công tác; trong đó, coi trọng xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức đảng, chính quyền cơ sở có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Chủ động tổ chức, triển khai các tổ, đội công tác tích cực tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực phối hợp, tham gia với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo đảm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo…

Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về biên giới lãnh thổ, biển, đảo và pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên. Tăng cường phối hợp, trao đổi, kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp sau mỗi hoạt động; tích cực vận động và hướng dẫn Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, nhất là tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo… Qua đó, củng cố, tăng cường niềm tin, sự đồng thuận, huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, tập trung nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực biên giới, vùng biển, đảo thuộc phạm vi địa phương quản lý.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là khu vực biên giới, vùng biển, đảo; tập trung vào những nơi đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn; sẵn sàng tham gia bảo đảm hậu cần, kỹ thuật nghề cho Nhân dân, tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Làm tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ máu thịt quân - dân; tham gia có hiệu quả vào các chương trình, dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, điều hành tập trung thống nhất trong phạm vi toàn quốc, trên từng tuyến biên giới, vùng biển, xem đó là nguyên tắc đảm bảo cho thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân thực hiện đúng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Cấp ủy các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chú trọng thể chế hóa các chủ trương, chính sách về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; thực hiện tốt các quy định của luật pháp về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới, biển đảo, ngăn ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa./.

Thượng tướng, VS, TS Nguyễn Huy Hiệu

nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương;

nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

...