25/04/2024 lúc 20:04 (GMT+7)
Breaking News

Long An: Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An vừa triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh đến năm 2025.

Một tuyến đường hoa ở xã nông thôn mới nâng cao Thanh Phú (Bến Lức) do người dân đóng góp thực hiện – (Ảnh: Internet)

Nhận thức được Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn-thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. Theo đó, tỉnh này đã đề ra những mục tiêu quan trọng.

Cụ thể, phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu, làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030. Có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Đặc biệt là chú trọng vào công tác tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi trong 100% cán bộ quản lý các cấp; ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.... Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030…

Nhằm hướng tới thành công những mục tiêu đề ra, tỉnh đã luôn tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng số gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực về giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử, kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn. Đồng thời Long An đã tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân. Từng bước xây dựng thí điểm các mô hình hiệu quả, như xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn...); mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh về xây dựng xã nông thôn mới thông minh theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân).

Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Long An đã thực sự thay đổi, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn../.

Hoàng Châu