23/01/2025 lúc 00:07 (GMT+7)
Breaking News

Long An: Phấn đấu đến năm 2030 thành trung tâm kinh tế khu vực phía Nam

Tại hội nghị công bố quy hoạch Long An đến năm 2030 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh ngày 25/7, tỉnh Long An xác định phấn đấu đến năm 2030 thành trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buổi hội nghị được sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tỉnh Long An cũng là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh xác định sẽ phấn đấu đến năm 2030 thành trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp phát triển, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Dịp này, tỉnh cũng đã giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; các khu công nghiệp: Phú An Thạnh; Việt Phát; Prodezi; khu phức hợp giải trí Khang Thông; khu đô thị Nam Long VCD; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Quốc tế Long An; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ; nhà máy chế biến thanh long.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư tỉnh ủy Long An, cho biết quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030. Đặc biệt tỉnh sẽ luôn ở tâm thế mở rộng cửa để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, xem người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển.

Long An cam kết, sẽ luôn mở rộng cửa để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước – (Ảnh: Internet)

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Long An tiếp tục phát huy vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển. Cũng như chú trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở tập trung CCTTHC, cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch cũng chỉ rõ Long An sẽ phát triển theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”. Trong đó, TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP.HCM, là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía đông bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai hành lang kinh tế gồm: hành lang bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM và hành lang phát triển phía Nam, bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP.HCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).

Ba vùng kinh tế - xã hội chia thành các vùng đô thị và công nghiệp; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; vùng đệm sinh thái. 6 trục động lực kinh tế gồm: Vành đai 3 - Vành đai 4; quốc lộ 50B; song hành quốc lộ 62; Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; quốc lộ N1; Đức Hoà.

Đồng thời với đường biên giới dài 130 km, Long An có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng. Do đó, thời gian tới, công tác đối ngoại sẽ được tỉnh quan tâm, từng bước đảm bảo chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội./.

Hoàng Châu