Bắt nhịp thành công
Huyện Cần Đước - hành lang kinh tế chiến lược phía Đông của Long An được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về hạ tầng đô thị, giao thông và các hệ thống khu công nghiệp, cảng biển kho bãi thuận lợi để thu hút đầu tư. Bám sát vào những thuận lợi đang có, những năm gần đây, huyện đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Huyện ủy, Nghị quyết HĐND huyện, Chương trình hành động của UBND huyện về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội 09 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng, đa số các chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt tiến độ, kế hoạch đề ra (02/24 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch năm, 20/24 chỉ tiêu đạt, vượt tiến độ, 02/24 chỉ tiêu chưa đạt tiến độ).
Riêng, trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt nhiều kết quả tốt. Trong đó việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã được công nhận 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (2 sản phẩm khô, 3 sản phẩm gạo, 4 sản phẩm rau củ)/kế hoạch là 05 sản phẩm OCOP, phấn đấu thêm 02 sản phẩm. Hiện Đoàn tỉnh đã thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận huyện Cần Đước đạt chuẩn NTM; hoàn chỉnh báo cáo kết quả thực hiện xây dựng NTM đến năm 2023, hồ sơ minh chứng các tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 8691/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Cùng với đó, bộ mặt Cần Đước cũng ngày một khang trang, với hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa, bê tông các tuyến đường huyện, liên xã, GTNT nâng cao tiêu chí xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xây dựng huyện NTM, các tuyến đường nội thị được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng vỉa hè thông thoáng; tổ chức duy tu, dặm vá, cắt cỏ các tuyến đường huyện quản lý đảm bảo an toàn và sạch đẹp. Các hợp tác xã vận tải, tuyến xe buýt, bến phà, bến khách ngang sông đảm bảo phục vụ tốt vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân.
“Cần Đước đã từng bước đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất (mô hình trồng rau, nuôi tôm công nghệ cao) làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế. Triển khai kế hoạch xây dựng Mô hình Cánh đồng canh tác lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ thuộc Đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng đất trồng lúa của huyện Cần Đước” năm 2023 tại xã Long Sơn và Tân Trạch với diện tích 10ha. Tổ chức 03 cuộc hội thảo chuyên đề về Kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, “Ứng dụng công nghệ cao” trên rau tại xã Phước Đông, Tân Trạch, Long Khê. Thực hiện quy trình sản xuất, chuẩn chất lượng sản phẩm VietGap và Chương trình OCOP tạo chuỗi giá trị sản phẩm gia tăng. Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin số hóa quản lý kinh tế xã hội hiện đại hóa nền hành chính nhà nước”- Ông Đào Hữu Tấn - Q. Chủ tịch UBND huyện Cần Đước chia sẻ thêm.
Không chỉ vậy, các công trình trọng điểm, chương trình đột phá theo Nghị Quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XII cũng được thực hiện đúng tiến độ và mang lại nhiều giá trị lớn. Cụ thể, huyện đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm thực tế Dự án Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy và Đường liên xã Tân Trạch - Phước Tuy. Dự án Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy đã được phê duyệt dự án, đang xét thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ thiết kế dự án, bản vẽ thi công; đẩy nhanh tiến độ chi trả GPMB 03 cụm công nghiệp, 01 khu tái định cư, tiếp tục kiểm đếm Khu tái định cư Phúc Long mở rộng, chi trả bồi thường các dự án vốn ngân sách tỉnh, huyện.
Đặc biệt là thực hiện tốt 06 nội dung trọng tâm cải cách hành chính gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính quyền số. Tính đến ngày 15/9/2023, huyện đã tiếp nhận 25.732 hồ sơ, trong đó tiếp nhận mới là 24.034 hồ sơ, tồn kỳ trước là 1.698 hồ sơ, hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tiếp nhận mới là 21.724 hồ sơ (đạt 94,3% tổng hồ sơ tiếp nhận mới/ kế hoạch là > 70%); đã giải quyết 23.828 hồ sơ, trong đó: trước hạn là 14.151 hồ sơ, đạt tỷ lệ 59,39% (tăng 16,25% so cùng kỳ 2022), đúng hạn là 9.667 hồ sơ, đạt tỷ lệ 40,57% (giảm 16,13% so cùng kỳ 2022), trễ hạn là 10 hồ sơ, tỷ lệ 0,04% (giảm 0,12% so cùng kỳ 2022, tỉnh quy định dưới 2%, huyện đề ra dưới 1,3%). Cũng như bằng việc đề cao tinh thần đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, Cần Đước đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn năm 2023.
Tăng tốc, bứt phá
Trước những thành công đạt được, ông Đào Hữu Tấn cũng nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng làm chuyển biến căn bản, tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện Cần Đước (Nhiệm kỳ 2020-2025), theo đó 3 tháng cuối năm Cần Đước cần phải tăng tốc, bứt phá và bám sát hơn nữa những mục tiêu đề ra. Trong đó cần chú trọng đến việc đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, chương trình và kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội; chủ động, sáng tạo bằng nhiều giải pháp, phát kiến nhằm giảm bớt khó khăn và tác động ảnh hưởng do suy giảm kinh tế. Từng ngành, địa phương xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế trên từng lĩnh vực. Tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm; các dự án tái định cư, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện và dự án vốn ngân sách.
Đặc biệt là tiếp tục tăng cường giải quyết hồ sơ hành chính, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn <1,3%, tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt ≥70%, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai tốt giải pháp nâng cao chỉ số PCI, quản trị công (PAPI) nhằm đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư.
Với những định hướng đầu tư mang tính chiến lược tạo điểm nhấn ở hành lang kinh tế phía Đông và Đông Nam tỉnh Long An, huyện Cần Đước tự tin không phụ lòng kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm đến lý tưởng thu hút các nhà đầu tư, xứng tầm đô thị vệ tinh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.