VNHN - Hiệp định EVFTA có hiệu lực, không chỉ thị trường xuất khẩu được mở rộng, mà việc làm cũng được gia tăng. “Chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động, để lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, và EVFTA sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động - những người tạo ra của cải vật chất trực tiếp nhất cho xã hội”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Việt Nam - EU ký bản Hiệp định EVFTA lịch sử diễn ra tại Hà Nội tháng 6/2019.
Thực hiện các quy định ILO: Là một trong những nước chủ động nhất khu vực
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển.
Hơn nữa, EVFTA giúp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác lớn, nhất là EU, đồng thời gia tăng cơ hội việc làm, lao động Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh và nâng cao tay nghề.
Tuy nhiên, để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam sẽ tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. "Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho việc này?".
Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Hiệp định EVFTA chỉ nhắc lại các nghĩa vụ của ILO mà cả các nước EU cũng như Việt Nam đều là thành viên. Hiệp định này không đưa ra các nghĩa vụ mới về nội dung lao động.
"Ngay sau khi kết thúc đàm phán thì chúng ta đã có những bước chuẩn bị chủ động để lợi ích của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, và EVFTA sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động, những người tạo ra của cải vật chất trực tiếp nhất cho xã hội", ông Trần Tuấn Anh nói.
Để minh chứng, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, cũng nhằm mục đích cải thiện điều kiện của người lao động, tháng 11/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021.
Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 Công ước cơ bản ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của Bộ luật này.
"Đây cũng chính là tiền đề thuận lợi để Việt Nam hướng tới việc phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO", người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định.
Theo đó, ông Trần Tuấn Anh cho biết, với việc Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể vào tháng 6/2019, "chúng ta đã hoàn thành việc phê chuẩn 6 trên 8 Công ước cơ bản của ILO".
Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình công tác để sớm phê chuẩn Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
"Như vậy, Việt Nam được coi là một trong những nước đã tích cực, chủ động thực hiện các quy định của ILO nhất trong khu vực", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
"Giấy thông hành" cho hàng hóa Việt tiếp cận thị trường toàn cầu
Để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước 105, Bộ LĐ-TB&XH đã trình hồ sơ xem xét gia nhập Công ước lên Chính phủ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào ngày 20/5 này.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội mới đây, trình bày Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước 105 của ILO về Xoá bỏ lao động cưỡng bức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
Khẳng định gia nhập Công ước số 105 sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trên thực tế quy định nhất quán của Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ Việt Nam gia nhập Công ước này đồng thời là để thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO.
Theo đó, gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO sẽ vừa góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng.
Đồng thời, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.
"Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của "giấy thông hành", giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ", vị Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện, và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do chúng ta đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong EVFTA, và CPTPP.
Về điều này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: "Chắc chắn các bước đi mang tính chủ động và tích cực trên của Việt Nam hướng đến một xã hội công bằng, vì người lao động sẽ củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế".
"Do vậy, cũng tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới", ông Trần Tuấn Anh nói và cho biết, Bộ Công Thương cũng đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.
EVFTA: Cơ hội chuyển đổi sang lao động tay nghề cao
Ở góc độ lợi ích trực tiếp cho người dân, theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.
Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: Ngành dệt may tăng khoảng 71.300 việc làm vào năm 2025 và 72.600 vào năm 2030.
Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm gia tăng là: Da giày; vận tải hàng không; vận tải đường thủy…
Mặt khác, Bộ KH&ĐT nhìn nhận, EVFTA không chỉ mang lại lợi ích khả quan về số lượng việc làm, mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI.
Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, EVFTA tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao.
Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.