26/11/2024 lúc 06:49 (GMT+7)
Breaking News

Lời “kêu cứu” của người thương binh 52 năm tuổi Đảng

Trong nhiều năm qua ông Phạm Văn Chinh đã có rất nhiều đơn thư gửi các cấp chính quyền, các cơ quan báo chí để mong muốn xem xét, làm rõ sự việc liên quan đến phần đất đai mà theo ông thì đây là diện tích đất mà bố mẹ ông để lại cho ông trước khi ông đi nhập ngũ. Nhưng vào năm 1967 sau khi ông Phạm Văn Chinh đi bộ đội về thì diện tích đất cùng căn nhà, chuồng trại tại đây đã bị san phẳng!?

VNHN – Trong nhiều năm qua ông Phạm Văn Chinh đã có rất nhiều đơn thư gửi các cấp chính quyền, các cơ quan báo chí để mong muốn xem xét, làm rõ sự việc liên quan đến phần đất đai mà theo ông thì đây là diện tích đất mà bố mẹ ông để lại cho ông trước khi ông đi nhập ngũ. Nhưng vào năm 1967 sau khi ông Phạm Văn Chinh đi bộ đội về thì diện tích đất cùng căn nhà, chuồng trại tại đây đã bị san phẳng!?

Trong thời gian vừa qua, Tòa soạn Việt Nam Hội nhập nhận được đơn thư cầu cứu của ông Phạm Văn Chinh – 79 tuổi, sống tại Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình về vụ việc liên quan đến diện tích đất đai, nhà cửa trước khi ông đi lính.

Cụ thể: Trong đơn gửi Tòa soạn Việt Nam Hội nhập của ông Phạm Văn Chinh có trình bày các nội dung liên quan về vụ việc này với những câu từ hết sức chân thực thể hiện như sau: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người”, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến. Thưa các ông! Tôi là con út, bố mẹ chết, tôi sống độc thân nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ ra đi đánh Mỹ. Ngày 16/4/1963 tôi đóng cổng khóa cửa để đấy đi bộ đội đến năm 1964 tôi về qua nhà, quét màng nhện 3 gian nhà tre, tường đất lợp rạ, nhà bếp, chuồng lợn gà đầy đủ. Năm 1964 tôi cho gia đình cô giáo Yến ở nhờ từ năm 1964 đến năm 1966, nhà cửa, ao chuông đều nguyên vẹn, tôi yên tâm tiếp tục lên đường đi chiến đấu. Cho đến năm 1967 tôi được về qua nhà thấy nhà cửa cây cổ thụ lâu niên như mít,... không còn nữa”.

“Sau khi dời quân ngũ trở về không còn tấc đất cắm dùi, buộc tôi phải vay mượn để mua đất vườn của ông Dương Văn Ích ở xóm Đông Biên, thôn Nhật Tân (Nay là tổ 42, phường Hoàng  Diệu, thành phố Thái Bình) để làm nhà, lấy vợ sinh con”.  

Tuy nhiên, theo một số kết luận đưa ra thì lại khẳng định đây là đất nhà nước giao!? Điều này khiến ông Phạm Văn Chinh vô cùng bức xúc được thể hiện qua các văn bản liên quan gửi đến Tòa soạn.

Liên quan đến vụ việc này, ông Chinh đã nhiều lần làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, với mong muốn mọi thứ được rõ ràng và ông có thể lấy lại được phần đất mà theo ông thì đây là đất thờ cúng mà bố mẹ ông để lại cho trước khi ông đi nhập ngũ. Nhưng theo trong đơn ông Chinh viết thì dù đã kêu cứu suốt 20 năm (Từ năm 1988) nhưng cho đến nay vẫn chưa có một câu trả lời đích đáng nào được đưa ra để vị thương binh 79 tuổi này có thể an yên tuổi già.

Đơn kêu cứu của ông Phạm Văn Chinh gửi tới tòa soạn Việt Nam Hội nhập

Để các thông tin phản ánh về vụ việc này được chân thực hơn thì phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND phường Hoàng Diệu và được cung cấp các giấy tờ trả lời liên quan đến vụ việc kêu cứu của ông Phạm Văn Chinh như sau: Cụ thể UBND phường Hoàng Diệu đã cung cấp cho phóng viên một số văn bản liên quan trong đó có 2 văn bản về quyết định giải quyết vụ việc này gồm “Quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Văn Chinh, tổ 42 phường Hoàng Diệu (Lần đầu); Quyết định về vụ việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Văn Chinh (Lần 2)”.

Cả 2 quyết định này đều đưa ra kết quả xác minh nội dung khiếu nại có thông tin như sau: “Sổ mục kê đất đai theo tài liệu đo đạc năm 1976 của xã Hoàng Diệu (nay là phường Hoàng Diệu) thể hiện số liệu đo đạc các thửa đất ở và các thửa đất trong khu dân cư, không có tài liệu đo đạc đất nông nghiệp ngoài đồng. Vị trí thửa đất ông Phạm Văn Chinh đề nghị khôi phục không có trong sổ mục kê theo tài liệu đo đạc năm 1976 của xã Hoàng Diệu”.

Tuy nhiên, khi xem xét lại đơn thư của ông Phạm Văn Chinh thì ông có trình bày việc bị mất nhà mất đất từ năm 1967. Nhưng các thông tin kết quả xác minh nội dung khiếu nại được UBND phường Hoàng Diệu đưa ra lại là các số liệu từ sổ mục kê 1976 (Đây là thời điểm sau khi ông Chinh đã trình bày là bị mất đất). Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan: Việc tài liệu sổ mục kê 1976 không thể hiện phần đất mà ông Chinh kêu mất phải chăng là điều hiển nhiên (Vì thời điểm ông Chinh trình bày mất đất là vào năm 1967)? Và sổ mục kê năm 1976 liệu đã đủ căn cứ để kết luận vấn đề ông Chinh phản ánh? Phải chăng câu trả lời có “dấu hiệu” không rõ ràng này là lý do khiến ông Chinh tiếp tục làm đơn thư kêu cứu?

Một số kết luận được UBND phường Hoàng Diệu, Tp.Thái Bình đưa ra về vụ việc của ông Phạm Văn Chinh

Còn về việc ông Chinh có đưa ra một số nhân chứng chứng minh mọi điều ông nói là sự thật gồm bà Bùi Thị Yến – Người giáo viên đã từng ở nhờ nhà ông Chinh từ năm 1964 –  1966 (Theo đơn thư) cùng rất nhiều các nhân chứng khác (trong đó có một số người đã mất). Được biết, các thông tin này có được đưa vào văn bản giải quyết khiếu nại của phường Hoàng Diệu trong đó có ghi rõ ràng tên của những nhân chứng, tuy nhiên lại không được đề cập đến chi tiết trong biên bản giải quyết.

Được biết, gia đình ông Phạm Văn Chinh là gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông Chinh là Phạm Văn Độ làm bảo trợ thiếu nhi nuôi cất dấu cán bộ Việt Minh về việc hoạt động vùng bí mật, mẹ là Bùi Thị Tuyên sinh được 4 người con, 1 con gái là Phạm Thi Đẵng có chồng là Đảng viên Đảng cộng sản, thương binh chống Pháp. 2 anh trai ông Chinh đều là Đảng viên Đảng cộng sản, thương binh, bệnh binh chống Pháp, chống Mỹ. Còn ông Phạm Văn Chinh là thương binh hạng ¾, 55%, sinh được 4 người con, 2 con trai đi bộ đội biên phòng, 2 con gái bị chất độc màu da cam (1 người đã chết năm 1990 do ung thư).

Có thể thấy gia đình ông Chinh là gia đình có truyền thống cách mạng và đã hy sinh cống hiến nhiều trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Vậy tại sao người thương binh 79 tuổi hết lòng yêu dân tộc này lại đeo đuổi vụ việc đất đai suốt 20 năm qua dù không đem lại kết quả vẫn không bỏ cuộc? Thực chất vụ việc này là như thế nào mà khiến người thương binh này bức xúc đến như vậy? Phải chăng điều này xuất phát từ những kết quả giải quyết liên quan chưa rõ ràng và khiến người trong cuộc khó đồng tình?

Đề nghị UBND phường Hoàng Diệu, UBND TP.Thái Bình cùng các cấp chính quyền liên quan sớm đưa ra một câu trả lời đích đáng, thấu tình đạt lý về vụ việc của ông Phạm Văn Chinh để ông có thể thoải mái, an yên tuổi già. Bên cạnh đó, cũng như thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm hết lòng của Chính quyền đối với người có công với đất nước nhằm đảm bảo bình ổn lòng dân, bình ổn tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.