VNHN-Có ý kiến bảo, thời buổi này, thời buổi 4.0 gì đó, người ta cần chất xám chứ ai soi lỗi chính tả nữa mà cứ lo chuyện không đâu? Nhầm to, thời buổi nào, chính tả vẫn là một trong những thước đo trình độ, nhận thức của người viết ra nó.
Cháu gái tôi, 23 tuổi, bắt đầu tập sự viết lách, đầu tiên là những tản văn nho nhỏ về những thứ xảy ra xung quanh nó. Nghe xong mà mừng, vì cháu muốn phát triển năng khiếu, nên cả nhà khuyến khích lâu rồi. Viết xong bài đầu, cháu đưa tôi thẩm định dưới góc nhìn một nhà giáo. Nhưng hỡi ôi, bài viết hơn 700 chữ mà gần 20 lỗi sai chính tả, có lỗi lập đi lập lại. Tôi hoảng, cháu tôi đã tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn sai chính tả be bét. Thật là khó chấp nhận.
Tôi kể câu chuyện trên với một đồng nghiệp. Cô ấy cười, bảo: “Cháu anh đã nhằm nhò gì, em họ tôi, cũng mới tốt nghiệp đại học, sai còn khủng khiếp hơn, đã thế nó còn học ngành ngữ văn. Tôi thắc mắc hỏi, thế em học gì ở trường, trường không dạy các em chính tả à. Nhỏ em trả lời tỉnh rụi: Sai chính tả là một phần tất yếu của cuộc sống, có gì đâu mà căng thẳng vậy”.
Tôi lại nghĩ khác, sai chính tả đối với người trẻ thật sự đáng lo ngại. Thời chúng tôi học tiểu học, đâu cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, thầy cô rèn chữ, rèn chính tả kỹ lắm. Viết xấu còn bắt viết tới viết lui cho bằng được; còn sai chính tả đích thị “trọng tội”, thầy giáo lấy thước khẻ vào tay và bảo - Thầy sẽ đánh đến khi nào trò hết sai mới thôi. Vậy là chúng tôi, những đứa trẻ quê miền Nam, vốn được biết đến là “nghĩ làm sao, nói làm vậy và viết cũng y chang”, lại viết lách sạch sẽ, thẳng thướm và chẳng sai chính tả bao giờ. Vậy mà mấy chục năm sau, con cháu chúng tôi lại hay viết sai chính tả trong một môi trường giáo dục hiện đại, văn minh và đầy rẫy công nghệ.
Cô cháu của tôi lý giải một phần: “Tại tụi con dùng mạng xã hội nhiều quá, viết giản lược rồi viết tắt riết quen, giờ viết thiệt nhiều khi viết sai không chừng”. Tôi nghĩ đó chỉ là một phần mà thôi, quan trọng nhất vẫn là chuyện giáo dục từ nhà trường cho tới gia đình. Có một sự thật là nhiều giáo viên từ cấp tiểu học, cho tới trung học cơ sở đều lơ là với lỗi chính tả của học sinh. Họ dễ dàng bỏ qua và không lưu ý từng trường hợp để kèm cặp. Ở những cấp cao hơn, bắt đầu xuất hiện nhiều những bài thi trắc nghiệm, người trẻ và người thầy, cứ thế quên dần trách nhiệm uốn nắn chính tả.
Cũng có ý kiến bảo, thời buổi này, thời buổi 4.0 gì đó, người ta cần chất xám chứ ai soi lỗi chính tả nữa mà cứ lo chuyện không đâu? Nhầm to, thời buổi nào, chính tả vẫn là một trong những thước đo trình độ, nhận thức của người viết ra nó. Không nhà tuyển dụng nào sẽ chấp nhận nhân viên mới viết đơn xin việc nhiều sai sót. Nội dung viết sai, viết thiếu còn có thể châm chước; nhưng nếu sai nhiều lỗi chính tả thì đã nói đủ về con người bạn: thiếu cẩn trọng, thiếu chuẩn xác và nền tảng có vấn đề.
Sai chính tả có là điều tất yếu của cuộc sống hay không? Chắc chắn là không. Không có gì là không thể rèn luyện được, nhất là chữ nghĩa. Không chỉ có trách nhiệm từ nhà trường mà ngay từ chính các bậc phụ huynh cũng phải ý thức được điều này khi giáo dục con trẻ. Sẽ không còn sai chính tả nếu tất cả mọi người cùng ý thức được điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào.