27/12/2024 lúc 07:48 (GMT+7)
Breaking News

Limart -Tinh thần “Xanh” lan tỏa lối sống xanh

“Một doanh nghiệp xã hội với khát khao lan tỏa lối sống xanh, tái chế rác để góp một phần khiêm tốn công sức tạo dựng môi trường sống xanh, phát triển bền vững”, đó chính là niềm mong mỏi của cô gái trẻ Phạm Thị Kim Hằng, hay con được người thân thương gọi với biệt danh Hằng “lì”. Đằng sau sự hình thành, phát triển của doanh nghiệp xanh Limart còn là câu chuyện về một tinh thần và những san sẻ rất “xanh”.

Tinh thần “Xanh” của cô chủ tiệm tạp hóa không rác thải những đồng đội Xanh

Ghé vào trang web limartvn.com, tìm kiếm trong mục Về chúng tôi, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy thông tin khái quát về doanh nghiệp xã hội này như sau:

2019: Limart được ươm mầm tử tế với sứ mệnh lan toả lối sống xanh, để việc sống xanh dễ dàng và tiện lợi nhất.
2020: được công nhận là Doanh nghiệp Tạo tác động xã hội bởi CSIE, đứng đầu hạng mục Mother Earth – bảng Imap Choice 2020
2021: Limart được các bạn khiếm thị vận hành, cùng nhau nuôi dưỡng, viết tiếp câu chuyện, truyền cảm hứng sống xanh cho người sáng mắt
2022: Lối sống xanh dần được lan toả, nhiều trạm xanh Limart ra đời, gieo giắt sự tử tế ở mọi nơi.
Một số góc tại các Trạm Xanh Limart
Một số góc tại các Trạm Xanh Limart

Hiện các Trạm Xanh của Limart có mặt tại nhiều địa điểm như: Q1, Q6, Q2, Bình Tân và được điều hành bởi các quản lí khiếm thị nhưng đầy nhiệt huyết, tài năng. Nhưng lùi về hơn 4 năm trước, mọi điều nhỏ nhắn, dễ thương và truyền cảm hứng từ doanh nghiệp này bắt đầu từ một cô gái.

Hằng là một cựu tiếp viên hàng không, từ sớm đã nhận thấy ở Việt Nam, vấn đề sống xanh còn khó và nan giải. Chưa có nhiều mô hình thật sự đi đúng trọng tâm của khái niệm sống xanh và đóng góp và việc tạo tác động bảo vệ môi trường. Và là một người tích cực, có tư duy phát triển, Hằng từ chỗ không tìm thấy giải pháp nên đã đi đến kế hoạch tạo ra giải pháp.

Từ bỏ công việc trợ lý giám đốc một công ty logistics với mức lương cao, Hằng “lì”được thúc đẩy bởi động lực trên và từ chính người cha khiếm thị của mình. Sự tận tâm, yêu thương chăm sóc của cha là động lực khiến Hằng muốn khởi nghiệp với cửa hàng sống xanh, để có thể tiếp tục trao đi cơ hội cho những người khiếm thị như cha mình. 

Năm 2019, sau một thời gian dùng các sản phẩm thuần tự nhiên nhằm hạn chế thải rác ra môi trường, rồi cảm thấy chúng quá tốt nên Hằng mua về bán lại cho những ai có cùng mối quan tâm với mình. "Càng dùng càng thấy yêu các dòng sản phẩm này nên tôi lấy về bán lại cho mọi người" - Hằng nói và cho biết khi mọi người mua các sản phẩm này ngày một nhiều, cô quyết định một mình khởi nghiệp với chính sản phẩm này và thành lập Limart - Zero waste.

Cửa hàng sống xanh đầu tiên Limart Zero Waste được mở cửa tại 353T Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM. Và dần dần, như mô tả trong lời giới thiệu doanh nghiệp trên trang web, đến năm 2021, 2022 nhiều cơ sở nhượng quyền, được gọi một cách yêu thương là các Trạm xanh được mở rộng ra các quận khác.

"Chắc cũng như các start-up khác, con đường khởi nghiệp của mình đầy rẫy khó khăn. Nhưng khó khăn lớn nhất phải kể đến việc mình đơn độc thực hiện dự án bởi lúc đó hầu như mọi người thân quen hoàn toàn không ủng hộ", Hằng nhớ lại.

Những nhà điều hành có khiếm khuyết nhưng luôn trọn vẹn của Limart
Những nhà điều hành có khiếm khuyết nhưng luôn trọn vẹn của Limart

Còn về những nhân sự, Limart đang nỗ lực để đồng hành, trao quyền cho người yếu thếnhiều hơn nữa. Hiện tới hơn phân nửa trong 12 nhân sự làm việc tại Limart là người khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật. Các bạn được trả lương cơ bản từ 5 triệu đồng trở lên với người đang học việc, còn người khuyết tật làm việc chính thức hưởng lương 12 triệu đồng/tháng. Các bạn là người bạn có khiếm khuyết cơ thể nhưng lại có đam mê, sự nhiệt tình trong công việc và kĩ năng tốt, đã giúp cho Limart tạo ra những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Mà chính nhờ các bạn nhân viên tuyệt vời này mà Limart có thể truyền tải, lan tỏa tinh thần sống xanh mạnh mẽ hơn nữa.

Những sản phẩm chính hiệu của lối sống xanh

Mô hình sống xanh nổi bật trước tiên là ở hình thức đổi bao nylon lấy nông sản. Khách hàng chỉ cần mang túi nylon đã làm sạch đến đổi lấy nông sản. 1 kg túi nylon tương ứng 1 kg nông sản là rau củ quả... Các túi nylon sau đó sẽ được chuyển đến nơi ở của những người khiếm khuyết để gia công thành các vật dụng như ví, túi xách, túi đựng laptop…Quy trình này cũng được nghiên cứu, đầu tư phát triển bởi cô chủ Hằng nhằm tạo thêm sản phẩm cho các trạm và tạo thêm công việc cho nhân sự xanh của mình. 80% lợi nhuận của cửa hàng được Limart dùng để trao học bổng cho những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Một số sản phẩm may dệt từ nilon của Limart
Một số sản phẩm may dệt từ nilon của Limart

Theo thời gian, lượng sản phẩm tại Limart tăng dần. Những sản phẩm chính ở Limart còn có sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt, nước rửa tay, xà bông... được lên men từ công nghệ vi sinh thực vật, có nguồn nguyên liệu chính là đậu nành, trái bồ hòn, lá dứa hay hương bưởi.Cửa hàng còn bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm có chiết xuất từ thiên nhiên… để lối sống xanh có thể phủ khắp mọi nhu cầu sử dụng, đáp ứng ngày càng nhiều hoạt động của những khách hàng yêu thích lối sống xanh.

Đặc biệt, các cửa hàng Limart còn kinh doanh theo hình thức refill . Mọi người có thể mang chai nhựa của mình đến mua chất lỏng nước rửa chén, nước giặt sinh học... Đây là hình thức tái sử dụng vỏ chai nhựa nhằm bảo vệ môi trường, còn giúp khách hàng tiết kiệm.

Một số sản phẩm chăm sóc cơ thể từ thành phần thiên nhiên, điểm refill sản phẩm lỏng
Một số sản phẩm chăm sóc cơ thể từ thành phần thiên nhiên, điểm refill sản phẩm lỏng
Kệ, giỏ mua hàng bằng can nhựa, voucher lá tại Limart
Kệ, giỏ mua hàng bằng can nhựa, voucher lá tại Limart

Độ “xanh” của Limart còn biểu hiện ở cách tổ chức, bố trí các trạm. Bước vào bất kì trạm xanh nào của Limart, khách hàng, khách tham quan đều sẽ nhìn thấy những hình ảnh rất thú vị và lạ mắt. Những chiếc can nhựa do bà con đem tới đổi, được nhân viên khéo léo làm sạch, rồi cắt, xếp lớp, tạo thành những chiếc kệ đựng đồ vừa chắc chắn, vừa có thẩm mỹ. Ngoài việc làm kệ, can nhựa còn được biến thành những giỏ mua hàng, cho khách lựa đồ bỏ vảo để tiện tính tiền. Nhiều vật dụng xanh khác cũng được đưa vào sử dụng tại các trạm và góp phần truyền cảm hứng hạn chế rác thải cho cộng đồng.

Mô hình trạm “Xanh” và cơ hội lan tỏa lối sống xanh

CEO và Founder Phạm Thị Kim Hằng luôn tin tưởng vào sứ mệnh lan tỏa lối sống xanh, giá trị xanh của mình và những người đồng hành, bất cứ điều gì một người khỏe mạnh bình thường làm được, thì người khiếm thị cũng có thể làm, miễn là trao cho họ cơ hội, một môi trường bình đẳng và tôn trọng.

Với ba giá trị cốt lõi được xác định ngay từ khi thành lập của Limart là: XANH _ Quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm của Limart đều theo tiêu chí “ít rác thải và có thể tái chế” để góp phần giảm nhựa dùng một lần và bảo vệ môi trường; SẠCH _ Các sản phẩm xanh từ những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe; TỬ TẾ _ Tạo việc làm thủ công cho những người yếu thế, phát triển bền vững, lâu dài và mang đến nhiều giá trị hơn nữa. Limart vẫn đang trên hành trình lan tỏa để xuất hiện nhiều hơn ở các quận huyện khác của TPHCM, và xa hơn là các tỉnh thành khác trên cả nước bằng lời mời hợp tác đậm chất Limart: CHUỖI TRẠM XANH, thêm một trạm xanh, thêm nhiều “chạm” xanh.

Để có thêm thông tin về các sản phẩm hoặc cách thức hợp tác, hãy truy cập : https://limartvn.com/

HỒ TƯƠI