Theo "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19" mới nhất của Bộ Y tế, khi trẻ em từ 5-16 tuổi là F0 điều trị tại nhà, phụ huynh, người chăm sóc cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.
Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu. để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh:
1, Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
2, Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn.
3, SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
4, Cảm giác khó thở
5, Ho thành cơn không dứt
6, Đau tức ngực
7, Không ăn/uống được
8, Nôn mọi thứ
9, Tiêu chảy
10, Trẻ mệt, không chịu chơi
11, Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
12, Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi, cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.
Khi người chăm sóc, quản lý F0 là trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại nhà phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.
1.Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
2. Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
3. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
4. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn.
5. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
6. Tím tái
7. Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
8. Nôn mọi thứ
9. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
10. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Hiện nay, số trẻ em mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh cả nước, trong bối cảnh số F0 cộng đồng tăng mạnh từ sau Tết, biến chủng Omciron với tốc độ lây lan nhanh chiếm ưu thế, trẻ ở nhiều địa phương đi học trực tiếp.
Theo Bộ Y tế, tháng 1, số F0 trẻ em chiếm hơn 18% tổng số F0 cả nước, đến tháng 2 tỷ lệ này lên hơn 24%. Số ca F0 trẻ em tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin. Bộ Y tế đánh giá khoảng 55% trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng, nhẹ, có triệu chứng viêm hô hấp hoặc tiêu hóa, 40% mức độ trung bình và 4% nặng, nguy kịch.
Phần lớn trẻ cách ly, điều trị tại nhà, được sự chăm sóc tốt nhất từ gia đình, có đầy đủ điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt. Quá trình điều trị, tâm lý trẻ thoải mái giúp mau khỏi bệnh. Điều trị tại nhà cũng góp phần giảm tải hệ thống y tế, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện.