Ngày 21/04/2023, tại Đền Cô bé Ngai Vàng, xóm Rồng, Sóc Sơn, Hà Nội đã diễn ra buổi lễ tri ân “Bách thiện hiếu vi tiên” do đồng thầy Huyền Tích chủ trì tổ chức dưới sự chứng kiến của lãnh đạo xã, các gia đình tại địa phương, du khách thập phương... Buổi lễ tri ân cha mẹ diễn ra trang trọng, ấm áp đem lại nhiều xúc động cho những người tham dự.
Sự tích tam thế giáng sinh (ba lần Thánh Mẫu được giáng làm con người trần) do sử sách ghi chép lưu truyền đến ngày nay kể về cuộc đời của vị Thánh Mẫu thần chủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ của người Việt là những câu chuyện hết sức cảm động về lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, là biểu tượng của sự hướng thiện. Trải qua lịch sử, ghi nhớ công ơn cứu nước, giúp dân của Thánh Mẫu, các triều đại phong kiến và nhân dân tôn vinh Ngài là Mẫu Nghi Thiên Hạ và là một trong “tứ bất tử” của nước Nam ta.
Ba lần giáng sinh nơi trần thế, Thánh Mẫu luôn là người con yêu thương, hy sinh cuộc sống của mình để ở bên cha mẹ mong đền đáp ơn sinh thành, phụng dưỡng cho cha mẹ suốt cuộc đời. Đức Thánh Mẫu đã trở thành biểu tượng về lòng hiếu thảo, về lòng biết ơn để con cháu muôn đời ghi nhớ.
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Hay
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Là những câu ca dao, câu thơ, bài hát, câu truyện dân gian chúng ta thuộc từ thuở bé, qua điệu nhạc vần thơ mộc mạc, nhẹ nhàng âu yếm đó là hệ thống triết lý dạy về đạo đức làm người, dạy con người phải biết “uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trước tiên phải báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Cha mẹ là đấng sinh thành thiêng liêng vô bờ bến, không có gì so sánh được. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô điều kiện, chỉ cho đi mà không cần nhận lại. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dù vạn vật có thay đổi nhưng tinh thần Hiếu đạo vẫn giữ nguyên nét truyền thống riêng biệt, trở thành giá trị đạo đức trong thuần phong mỹ tục người Việt ta.
Đồng thầy Huyền Tích tâm sự “Nhiều năm thờ phụng và thực hành nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu tôi càng kính trọng đức Thánh Mẫu vì lòng hiếu thảo của Ngài, tôi trăn trở phải làm điều gì đó để các đệ tử, khách thập phương trong và ngoài tín ngưỡng hiểu được sự tích và tấm lòng hiếu thuận của Thánh Mẫu với cha mẹ. Noi theo đức hiếu hạnh của Thánh Mẫu, tôi răn dạy các đệ tử phải đặt chữ hiếu làm đầu vì cha mẹ là vị Thánh sống mà may mắn chúng ta được kề cận chăm lo, phụng dưỡng. Những ai còn cha mẹ phải biết trân trọng, yêu quý để khi cha mẹ mất rồi chúng ta không phải hối tiếc và day dứt về những điều chưa làm được.
Lần đầu tiên tổ chức chương trình “Bách thiện hiếu vi tiên” tôi rất vui khi nhận được sự ủng hộ của chính quyền, của bà con sinh sống nơi đây, đặc biệt là các đệ tử đưa bố mẹ về dự lễ. Chứng kiến các con bày tỏ tình yêu thương, lòng biết ơn với cha mẹ tôi rất xúc động vì mong ước đưa gương hiếu hạnh của Thánh mẫu lan toả và thực hành trong cuộc sống đã thành hiện thực.”
Giáo sư sử học Lê Văn Lan phát biểu tại buổi lễ “Tri ân đấng sinh thành được gói gọn trong một chữ “Hiếu”, Hiếu là đạo lý của dân tộc có nguồn gốc từ chữ hiếu, chữ trung của Đạo Nho đến thời nhà Lý sau Hội thề trung hiếu đã trở thành phẩm chất đạo lý của dân tộc. Hôm nay, Đền Cô bé Ngai Vàng tổ chức chương trình Tri ân đấng sinh thành lần đầu tiên và cũng là nơi thờ tự trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ đầu tiên đưa nội dung thực hành nghi thức Tri ân cha mẹ vào trong hoạt động của đền. Tôi hy vọng sau đây các đền sẽ cùng phát huy nội dung này để chữ Hiếu được thực hành tốt hơn, lan toả hơn.”
Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt.
Một số hình ảnh trong buổi lễ tri ân cha mẹ “Bách thiện hiếu vi tiên”
Ngọc Diệp