18/01/2025 lúc 13:44 (GMT+7)
Breaking News

Lễ phát động chiến dịch Race To Net Zero và Diễn đàn "Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon"

Nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và Doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 16/6 tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Lễ phát động chiến dịch Race To Net Zero và Diễn đàn "Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon". Chương trình do Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương tổ chức.

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đại diện các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, các Cục, Vụ, Viện thuộc cơ quan bộ, ban, ngành; Đại diện các Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT khu vực phía Nam; Các Viện nghiên cứu, các Trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ sở tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta. Lời cảnh báo này của Mẹ Thiên nhiên thúc đẩy chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Phát thải ròng bằng "0" hay Net Zero là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết mục tiêu Phát thải ròng bằng "0" - Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.

Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể như: ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; chuẩn bị xây dựng hệ thống Đo đạc, báo cáo, thẩm định MRV khí thải nhà kính đa lĩnh vực; xây dựng khung chính sách để phát triển thị trường carbon… Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung thực hiện và hành động để đạt mục tiêu Net Zero. Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam với sự hỗ trợ giúp đỡ, tư vấn của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hiệp hội Nhà sản xuất Sản phẩm thân thiện môi trường, WWF-Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công thương, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi sự kiện “Cộng đồng và Doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”.

race-to-net-zero-4-.jpgQuang cảnh buổi Lễ phát động Chiến dịch Race To Net Zero

Lễ phát động chiến dịch "Race To Net Zero”

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo đó, một vấn đề lớn để đạt Net Zero như cam kết chính là nguồn lực thực hiện.

Race To Net Zero là chiến dịch xuyên suốt đến năm 2050 về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nó đòi hỏi không gì khác hơn là một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon.

Chiến dịch này là một cuộc đua về giảm phát thải khí nhà kính của toàn xã hội. Chiến dịch xuyên suốt đến 2050 này bao gồm rất nhiều hoạt động đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó, chiến lược Race To Net Zero sẽ được phát triển và triển khai từ các hoạt động kỹ thuật tới những hoạt động truyền thông cộng đồng và hợp tác quốc tế chuyển giao năng lượng công bằng. Các hoạt động thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phát triển các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống MRV về kiểm kê khí nhà kính quốc gia sẽ được phối hợp thực hiện. Ngoài các yêu cầu thực hiện đối với những tổ chức, cơ sở phát thải lớn trên toàn quốc, Race To Net Zero cũng sẽ tập trung vào các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật kiểm kê, kiểm toán năng lượng, phát thải khí nhà kính cho các tổ chức, doanh nghiệp có phát thải chưa thuộc đối tượng bắt buộc của Chính phủ và các đơn vị niêm yết đại chúng (theo các quy định về công bố thông tin chứng khoán). Đồng thời hỗ trợ, tư vấn và thực hiện các hoạt động phát triển thị carbon tại Việt Nam theo hướng hội nhập, chủ động, chất lượng và liên thông với các thị trường trên toàn thế giới.

race-to-net-zero-3-.jpgCông bố Đại sứ Chiến dịch Race To Net Zero

Để huy động sức mạnh cộng đồng chung tay hưởng ứng Chiến dịch, Race To Net Zero sẽ công bố Đại sứ Chiến dịch ý nghĩa, thiết thực và nhiều thách thức này. Những Đại sứ sẽ đóng vai trò là cầu nối và truyền tải những thông điệp lan tỏa tới cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện những hành động cụ thể, thực hiện lối sống xanh và song hành cùng các hoạt động tại Chiến dịch. Trong thời gian tới, BTC sẽ xây dựng và triển khai những cuộc thi về sáng kiến ý tưởng, giải pháp giảm phát thải, mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, tìm kiếm và thúc đẩy các start-up triển khai các giải pháp đột phá về công nghệ thu hồi, lưu giữ carbon, công nghệ xanh (hydrogen, amoniac xanh…); triển khai các hoạt động trồng cây trung hòa carbon tại các khu vực đất trống, đồi trọc, hạn hán, xâm nhập mặn và tôn vinh những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong Chiến dịch tại Giải thưởng thường kỳ Net Zero Việt Nam.

race-to-net-zero.jpgTS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Thực hiện cam kết về mục tiêu NetZero mà Chính phủ cam kết vào năm 2050 là chương trình rất lớn. Trong đó, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, các doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, phát triển các khu tích trữ cac-bon, do đó cần chuyển đổi phương thức sản xuất bằng việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiêu dùng.

Theo đó cần có một số giải pháp: Các Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách, khung pháp lý. Với doanh nghiệp cần nhìn nhận cơ hội từ trong thách thức, khi đầu tư công nghệ sẽ có thị trường cac-bon.

race-to-net-zero-1-.jpgÔng Vũ Minh Lý – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.

Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Minh Lý – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, để thực hiện được cam kết của Chính phủ trong việc đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, các doanh nghiệp đặc biệt là các thành viên trong Hiệp hội nhà sản xuất thân thiện môi trường cần tích cực chuyển đổi công nghệ, chuyển sang công nghệ xanh, sạch, cung cấp nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, theo cam kết mà Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có những hành động cụ thể thực hiện mục tiêu này. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mang đến nhiều cơ chế tích cực cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đặc biệt quan tâm đến nguồn tín dụng xanh.

Nhà nước tạo ra các cơ chế về thuế thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất như sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Sắp tới, chúng tôi có thêm các kiến nghị với cơ quan thuế có những ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất xanh, ông Lý nói thêm.

Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Tấn Lộc - Đại diện Công ty Lộc Nhân tái chế bã cafe: Công ty chúng tôi đang hoạt động là tái chế bã cafe. Hiện nay, lượng bã cafe thải ra môi trường là rất lớn. Vậy chúng ta cần làm gì với lượng bã cafe đó. Để giải quyết vấn đề này, công ty chúng tôi đã làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường là những viên nén, nước xịt giúp khử mùi hôi từ cafe. Thông qua đó, chúng ta vừa tạo công ăn việc làm cho người dân và góp phần rất làm vào công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí.

race-to-net-zero-2-.jpgKý kết biên bản hợp tác giữa các tổ chức doanh nghiệp quốc tế, FDI tại Việt Nam về phát triển công nghệ kiểm kê khí nhà kính, thị trường các-bon.

"Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon"

Nghị định 06/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 07/1/2022 đã có những quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Đối với lộ trình phát triển thị trường carbon Việt Nam, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Để thực hiện các quy định trên, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trong năm 2023.

Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường. Trong thị trường carbon, đây là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích. Thị trường tuân theo quy tắc “Thuận mua – vừa bán”. Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon… Trong khi đó, bên bán carbon cũng sẽ hưởng lợi do là những đơn vị thực hiện tốt các giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ hay sắp tới đây là Trung Quốc, Nhật… sẽ áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu thì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng phát triển thị trường carbon. Đây cũng là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý và các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu và áp dụng ngay các giải pháp xanh, giảm phát thải và thực hiện các biện pháp để tạo ra và tích lũy “tín chỉ carbon” cho thời gian tới.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới World Bank, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050 thì giá carbon cần trong khoảng 50 -250 USD/tấn CO2e, trung bình khoảng 120 USD/tấn CO2e. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay sẽ tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho phát thải đó. Theo dự đoán giá carbon có sẽ có xu thế tăng trong thời gian tới và tại một số thị trường có thể đạt ngưỡng 150 USD/tấn CO2e vào năm 2035. (CO2e được quy đổi từ tổng CO2, CH4, SF6, N2O và các khí nhà kính khác)

Thị trường carbon đã hoạt động và nhiều công ty đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc sử dụng tín dụng carbon để cân bằng lượng khí thải carbon của mình. Đó là một cách để củng cố danh tiếng của doanh nghiệp với tư cách là một tổ chức quan tâm đến trách nhiệm xã hội- một doanh nghiệp gần đạt được “mức phát thải khí nhà kính bằng không hay trung hòa carbon”. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp trở nên “xanh” hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của sang “Net Zero” bằng cách áp dụng các kỹ thuật để thu giữ CO2 từ khí quyển và giảm lượng khí thải được tạo ra thông qua các hoạt động nỗ lực của chính họ.

Các chính phủ trên toàn thế giới đang kết luận rằng các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon dựa trên thị trường cần phải lên kế hoạch cẩn thận và đây là cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải. Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải tìm giải pháp cho biến đổi khí hậu, khuyến khích việc này bằng cách mở rộng thị trường carbon toàn cầu. Việc thực hiện tối đa các cam kết của các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ là bước tiến mới trong nỗ lực ngăn chặn phát thải và gia tăng nhiệt độ ấm lên toàn cầu. Và hơn hết những nỗ lực này mở ra một lĩnh vực tài chính, ngành nghề đầu tư, cơ hội mới tại Việt Nam “Mua bán quyền phát thải – Tín chỉ carbon”.

Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu Theo Nghị định 06, đến năm 2027, Việt Nam sẽ vận hành sàn tín chỉ cac-bon, từ năm 2025 sẽ thí điểm tại một số đơn vị, năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đã thực hiện mua-bán và trao đổi tín chỉ cac-bon, liên quan đến xuất khẩu đối với thị trường châu Âu và Mỹ. Các thị trường này sẽ đánh thuế nên họ quan tâm đến bù trừ tín chỉ cac-bon.

Theo TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Bộ NN&PTNT: Việc trồng rừng để tạo Tín chỉ các bon thì đều được ủng hộ. Tuy nhiên, khi trồng rừng chúng ta cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý rừng. Ví dụ, rừng đó thuộc loại rừng nào trong 3 loại rừng như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Nếu các hộ gia đình được giao đất rừng sản xuất để phát triển rừng sản xuất thì theo quy định của pháp luật, toàn bộ lợi ích được tạo ra do người dân tự đầu tư thì người dân có thể hưởng lợi toàn bộ thành quả đó.

Về thị trường các bon thì trước đây chúng ta cũng đã thực hiện các cơ chế khác theo Nghị định thư Kyoto thông qua cơ chế CDM thì rất nhiều tín chỉ các bon đã được bán trong lĩnh vực về năng lượng. Còn trong lĩnh vực rừng và sử dụng đất thì chúng ta mới bắt đầu thông qua các cơ chế mới đây. Vì vậy, mức độ thị trường các bon phụ thuộc vào ngành và lĩnh vực.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng lộ trình để phát triển thị trường các bon trong nước. Thứ nhất với thị trường các bon bắt buộc thì chúng ta quy định hạn ngạch phát thải, tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia mua bán thông qua quy định hạn ngạch phát thải. Thứ hai, các tín chỉ các bon thông qua các chương trình dự án - đây là chương trình tự nguyện. Khi có quy định về hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp thì các doanh nghiệp phải căn cứ vào hiện trạng sản xuất để có tính toán xem khâu nào cần giảm để đạt yêu cầu về tín chỉ các bon, ông Phương cho biết thêm.

PV