15/01/2025 lúc 12:32 (GMT+7)
Breaking News

Lễ công bố Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam”

Chiều ngày 08/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam” (MDR) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Chiều ngày 08/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam” (MDR) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Lễ công bố có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ các nước Hàn Quốc và Thụy Sĩ tại Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam, một số thành viên Tổ biên tập xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, đại diện các bộ, ngành và cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam”. Ảnh: BNG

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khái quát những kết quả nổi bật của Việt Nam đã đạt được trong gần 35 năm đổi mới; nhấn mạnh để tạo đà phát triển bứt phá trong giai đoạn phát triển tới, Việt Nam cần có cách tiếp cận và tầm nhìn mới, phù hợp với xu thế thế giới, đồng thời biết khai thác tốt cơ hội của thời đại và lợi thế so sánh của mình nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trong dự thảo Chiến lược 2021-2030 là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đánh giá cao Báo cáo MDR là một tài liệu công phu, có giá trị tham khảo cho Chính phủ, Tổ biên tập và các bộ, ngành của Việt Nam, đóng góp kịp thời, thiết thực vào xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết báo cáo MDR của Việt Nam là một sáng kiến của OECD với mục tiêu: Xác định các hạn chế đối với phát triển ở Việt Nam và các lĩnh vực ưu tiên hành động để kết nối năng lực cạnh tranh kinh tế với các mục tiêu xã hội và phúc lợi; cung cấp kiến thức chuyên môn của OECD cho Việt Nam trong các lĩnh vực trọng tâm có tầm quan trọng cấp thiết đối với Việt Nam; và tích hợp phân tích với tầm nhìn mang tính chiến lược để làm cho các chính sách thích ứng được với bối cảnh đang thay đổi và dự đoán sự phát triển trong tương lai. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của OECD, cùng những nỗ lực triển khai xây dựng báo cáo của Nhóm nghiên cứu Đánh giá quốc gia đa chiều thuộc Trung tâm Phát triển của OECD; tin tưởng Báo cáo MDR của Việt Nam chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà lập kế hoạch và chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở cả khu vực công và khu vực tư nhân của Việt Nam, cũng như các đối tác phát triển của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với phương pháp tiếp cận xây dựng dựa trên các đánh giá đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực, Báo cáo MDR của Việt Nam là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam.

Sau khi chính thức khởi động vào tháng 02/2019, trên cơ sở làm việc với nhiều bộ, ngành, cơ quan trong nước, qua nhiều hội thảo/tọa đàm khoa học cũng như khảo sát thực tiễn phát triển ở Việt Nam, đến tháng 3/2020, OECD cơ bản đã hoàn thành Báo cáo MDR, trong đó đề xuất mô hình “3 thách thức, 2 chiến lược, 5 trọng tâm và 2 điều kiện” cho Việt Nam. Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm hướng đến một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững hơn: nâng cấp chất lượng các ngành nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường chất lượng giáo dục đại học, mở rộng hệ thống giáo dục suốt đời; nâng cao năng lực quản trị môi trường, chủ động đẩy nhanh chuyển đổi sang mô hình kinh tế ít carbon./.