12/01/2025 lúc 16:24 (GMT+7)
Breaking News

“Lễ bỏ mả (Pơ thi)” - một nét văn hóa huyền bí của người đồng bào dân tộc Gia Rai

Trong những ngày đầu tháng 3 với cái nắng cái gió của tây Nguyên, đặc biệt là với khí hậu khắc nghiệt của huyện Ea Súp, phóng viên Việt Nam Hội Nhập đã có mặt tại Buôn A - Thị Trấn Ea Súp. Là một huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, Ea Súp là địa bàn chiến lược quan trọng, không những trong cuộc cách mạng dân tộc, mà đến này truyền thống đó vẫn được quân và dân nơi đây loi theo, với  29 dân tộc, anh em sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44% tổng dân số toàn huyện, trong đó có đồng bà

Trong những ngày đầu tháng 3 với cái nắng cái gió của tây Nguyên, đặc biệt là với khí hậu khắc nghiệt của huyện Ea Súp, phóng viên Việt Nam Hội Nhập đã có mặt tại Buôn A - Thị Trấn Ea Súp. Là một huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, Ea Súp là địa bàn chiến lược quan trọng, không những trong cuộc cách mạng dân tộc, mà đến này truyền thống đó vẫn được quân và dân nơi đây noi theo. Với  29 dân tộc, anh em sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44% tổng dân số toàn huyện, trong đó có đồng bào dân tộc Gia Rai một trong những dân tộc có mặt lâu đời tại Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú, trong đó có “Lễ bỏ mả (Pơ thi)” một nét văn hóa huyền bí.

“Lễ bỏ mả (Pơ thi)” của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Bỏ mả là một nghi thức đặc biệt của bà con dân tộc Gia Rai, được tổ chức với mục đích đưa tiễn các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết. Những dịp diễn ra Lễ bỏ mả, những người con trong buôn làng sẽ ngồi lại với nhau, dâng lên tổ tiên những thứ đã thu hoạch trong năm qua hay những ghè rượu cần quý được ủ lâu năm.

Những người lớn tuổi tham dự Lễ bỏ mả cho biết: Người Gia Rai thường có câu nói “Bơ lan ninh nông thâu a tâu”, có nghĩa là “tháng nghỉ đi chơi Lễ Bỏ mả”, nhắc nhở con cháu phải nhớ mà về với Lễ bỏ mả. Những đồ chuẩn bị cho Lễ bỏ mả tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình hay dòng họ để chọn thời gian và quy mô tổ chức. Hoặc cũng có thể tổ chức cùng với cả làng. Để tổ chức được lễ bỏ mả, các gia đình có người chết cùng dân làng đã phải bắt tay vào chuẩn bị. Mọi người phải lên rừng chặt gỗ đem về đẽo các cột kút, kơlao, chạm khắc tượng người, tượng thú, phải chuẩn bị rượu, thịt, gạo nước cho lễ bỏ mả. Chỉ sau khi mọi thứ đã làm xong, lễ bỏ mả mới có thể tổ chức được. Ở dịp lễ này không chỉ có sự tham gia của thân nhân người mất mà còn có sự góp mặt của cả buôn làng, thậm chí có thể tổ chức mời các làng bên.

Ông Y phang ksron dân tộc Gia Rai, đang chuẩn bị các phần lễ cho người khuất.

Điều đặc biệt nữa ở Lễ bỏ mả của người dân tộc Gia Rai đó là nam nữ trong làng cùng nhau đi làm nhà mả cho người đã khuất và điêu khắc tượng nhà mồ. Tối đến các nam nữ trong làng cùng nắm tay vui trong điệu xoang. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm kiếm một nửa cho mình.

Theo lời kể của bà con dân tộc Gia Rai, khi một người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma sẽ theo đến đó, người sống ăn gì hồn ma ăn đó. Vì vậy, trong những bữa cơm, các gia đình người Gia Rai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người đã khuất.

Ở dịp lễ này không chỉ có sự tham gia của thân nhân người mất mà còn có sự góp mặt của cả buôn làng, thậm chí có thể tổ chức mời các làng bên.

Kể về phong tục Lễ bỏ mả của dân tộc mình, ông Y phang ksron dân tộc Gia Rai, thân nhân của người đã khuất chia sẻ: “Người chết chôn buồn lắm. Lễ bỏ mả đặc biệt ở chỗ là khi người chết đi, người sống phải giữ gìn không mặc áo tốt hay hớt tóc, vì họ hàng ở đó không cho phép. Sau 3 năm thì mới cho tự do. Lễ bỏ mả có sự tham gia của cư dân làng và diễn ra trong 3 ngày, 2 ngày ở nhà còn 1 ngày diễn ra ở mả. Một cái nhà mả có thể có 5 hòm hoặc 6 hòm. Người ta sẽ giữ nhà mồ này 3 năm, không đi chơi, không mặc quần áo tốt... Nếu không làm được thì già làng sẽ phạt. Đồ lễ của Lễ bỏ mả có trâu thịt trâu, có gà, có heo...”.

Cũng theo ông Y phang ksron cho biết: “Những bức tượng xung quanh nhà mồ có ý nghĩa nếu chồng chết thì vợ ở nhà khóc suốt, vợ chết thì chồng ở nhà lại khóc miết… Nghĩa là những bức tượng đặt ngoài mả tượng trưng cho người còn sống. Chất liệu làm những tượng gỗ được sử dụng những loại gỗ dễ mục, nếu làm gỗ tốt sau 3 năm không mục được. Nhà nào có Lễ bỏ mả sẽ được người trong làng làm giúp. Khi làm lễ, người nhà sẽ tự cúng”…

Người Gia Rai thường có câu nói “Bơ lan ninh nông thâu a tâu”, có nghĩa là “tháng nghỉ đi chơi Lễ Bỏ mả”, nhắc nhở con cháu phải nhớ mà về với Lễ bỏ mả.

Bà H yu Hra dân tộc Gia Rai con gái của người khuất cho chúng tôi biết, để bắt đầu làm lễ bỏ mả hay ăn bỏ mả (hoă lui bơxát) như người Giarai thường gọi. Khi vầng trăng của ngày 14 đã nhô lên treo lơ lửng trên đỉnh các cây cột kút và klao của nhà mả (tức khoảng 10-11 giờ đêm) các gia đình có người thân phải làm lễ bỏ mả cùng cả dân làng tấp nập đi ra khu nhà mồ đã được dọn dẹp sạch sẽ để bắt đầu lễ hội bỏ mả. Vì thế mà người Gia Rai Mthur gọi hôm đầu tiên của lễ bỏ mả là ngày vào nhà mả (mưt bơxát).

Trước khi cuộc vui của lễ hội bùng lên, người chủ của lễ (người đại diện cho gia đình có người chết) đến bên ngôi nhà mồ, ngồi trước bàn thờ (P’nang) đã bày sẵn rượu, thịt cúng và đọc bài cúng với những lời mở đầu như sau: lễ bỏ mả đến ngay sau lưng rồi. Từ nay, người sống ăn cơm trắng, còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa đỏ của các thần... Sau đấy, người chủ lễ mới bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của những người sống: “xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu nữa. Từ nay, chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa. Nếu muốn ăn thịt gì, xin ma hãy hỏi thần Trăng; nếu muốn ăn cá, ăn thịt, xin ma hãy hỏi thần trên trời. Thôi, từ nay, thế là hết, như lá m’nang đã lìa cành như lá m’tư đã tàn úa”.

Nhà nào có Lễ bỏ mả sẽ được người trong làng làm giúp.

Khi tế cúng vừa xong, thì lập tức, trong ánh lửa bập bùng của những đống lửa tiếng cồng chiêng rộn rã nổi lên. Theo nhịp âm thanh cồng chiêng mọi người hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ nhấp nhô huyền ảo trong đêm. tiếng nhạc cồng chiêng của đêm bỏ mả, như một sức hút diệu kỳ, kéo tất cả dân làng, kéo bà con họ hàng ở buôn gần, buôn xa tới. Càng về khuya, tiếng cồng chiêng càng rộn rã, thôi thúc, các đống lửa càng bùng to hơn, nhịp chân múa nhảy càng rộn rã hơn. Hầu như suốt cả đêm cho đến sáng, cả làng quây quần bên ngôi nhà mồ.

Sáng hôm hoă prong, vào mờ sáng, các gia đình cùng chung làm lễ bỏ mả dắt trâu đến buộc quanh ngôi nhà mả; đem những ché rượu tới bên nhà mả. Sau đấy, những con vật bị giết đem thui và làm thịt. Thịt, xương trâu, bò, Heo, gà… được chế biến ra thành nhiều loại thức ăn, nhiều món thức ăn: có loại dành riêng để chia cho những người chết được gọi là thịt tế lễ (m’nong dưm), có loại để chia cho những người tới dự (chơnút m’nong).

Âm thanh cồng chiêng mọi người hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ nhấp nhô huyền ảo trong đêm.

Trong khi dân làng lo chuẩn bị cho bữa ăn lớn hay bữa cơm bỏ mả (hoă sơi bơxat), thì các gia đình có người chết đem mía (phun tbou) và chuối (phun a’tơi) đến trồng bên cạnh nấm mộ, đem gói cơm và gói thịt cùng ché rượu và con gà nhỏ (ană mnu) đặt lên mộ rồi ngồi khóc lần cuối vĩnh biệt người chết. Để không khí hôm bỏ mả đỡ buồn, dân làng và khách các nơi tới đánh cồng chiêng, múa nhảy thành vòng tròn đi quanh nhà mả. Đến quá trưa, cả khu nhà mả được bày dọn những món ăn mời toàn thể dân làng cùng ăn.

Lúc bữa cơm kết thúc cũng là lúc người chủ lễ đến bên bàn thờ đọc lời cúng bỏ mả với nội dung như sau: “Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Chúng tôi đã làm nhà mồ rồi, đã tạc những cột kút, cột klao, đã vẽ những hình vẽ bằng máu trâu, máu bò rồi. Ché rượu cúng đã đặt xuống rồi, con gà con đã được thả rồi. Chúng tôi đã bỏ ma rồi”. Đợi cho người chủ lễ đọc lời khấn xong, mọi người vào nhà mả đưa những người góa ra sông tắm, chải đầu, mặc áo váy, khố mới cho họ rồi đưa họ về khu nhà mồ đang rộn ràng tiếng cồng chiêng và nhịp xoa múa nhảy. Khi những người góa nhập vào đoàn người nhảy múa của dân làng là lúc họ đã được giải phóng, đã không còn phải ràng buộc gì với người đã chết nữa.

Lễ bỏ mả sẽ rất tốn kém nhưng với người dân tộc Gia Rai thì việc thực hiện nghi lễ này lại như một phần tài sản trong nhà để chia cho người đã khuất.

Sau những vòng múa tưng bừng sôi nổi giữa dân làng và những người góa, lễ bỏ mả coi như đã kết thúc và mọi người ai về nhà nấy. Trước khi ra về, mọi người bốc thóc ném lên mái nhà mồ rồi tranh nhau cướp lấy một số hạt thóc từ mái nhà mồ rơi xuống đem về để được phúc và để mùa tới làm ăn thịnh vượng. Khi mọi người ném thóc lên mái nhà mồ, ông chủ lễ nói lời cuối cùng tuyên bố (p’thao) bỏ mả: Thế là xong hết tất cả rồi.

Mặc dầu các nghi lễ đã chấm dứt, ngôi nhà mồ đã bị bỏ và các hồn ma đã ra đi, những hội lễ bỏ mả còn tiếp tục thêm một ngày nữa tại các gia đình của những người chết vào ngày hôm sau. Hôm đó, bà con họ hàng tới thăm hỏi, ăn uống, vui chơi cùng các gia đình tại nhà họ chứ không ra nhà mả nữa. Thức ăn còn gì, gia chủ đem hết ra đãi khách. Vì thế ngày cuối cùng này của lễ bỏ mả được gọi là ngày rửa nồi (săch go).

Bà H yu Hra dân tộc Gia Rai là con gái của người khuất.

Để tổ chức một Lễ bỏ mả sẽ rất tốn kém nhưng với người dân tộc Gia Rai thì việc thực hiện nghi lễ này lại như một phần tài sản trong nhà để chia cho người đã khuất. Vì sau Lễ bỏ mả thì mối quan hệ của người sống và người chết kết thúc. Người chết sẽ trở về với Atâu, về với Yàng và được các Pram bao bọc, chở che. Vì thế đây được coi như là nghi lễ cho một sự khởi đầu của vòng luân hồi.   

Mặc dầu không còn những lễ bỏ mả lớn của các tù trưởng lớn, nhưng người GiaRai hôm nay vẫn làm cho người chết những ngôi nhà mồ kút (bơxát kut hay nok kut) đồ sộ uy nghi và tổ chức lễ bỏ mả trọng thể, tôn kính, và đầy sự linh thiêng và huyền bí.