29/03/2024 lúc 17:36 (GMT+7)
Breaking News

Láo Vàng - Điểm sáng vùng cao Tây Bắc

Láo Vàng là thôn xa và đặc biệt nhất của xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai); tiếp giáp với xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) và xã Pa Cheo (huyện Bát Xát). Tuy điều kiện còn khó khăn nhưng Láo Vàng lại là thôn giàu nhất xã, đồng bào tại đây có đời sống khá giả và luôn khát khao vươn lên làm giàu. 

Láo Vàng là thôn xa và đặc biệt nhất của xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai); tiếp giáp với xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) và xã Pa Cheo (huyện Bát Xát). Tuy điều kiện còn khó khăn nhưng Láo Vàng lại là thôn giàu nhất xã, đồng bào tại đây có đời sống khá giả và luôn khát khao vươn lên làm giàu. 

Toàn cảnh Láo Vàng - Nguồn: Internet

Láo Vàng theo tiếng địa phương có nghĩa là thôn của dòng họ Vàng. Nằm ở đỉnh núi cao nhất của xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai), nơi xa xôi, khó khăn nhất xã, nhưng đồng bào Dao Đỏ rất năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, không cam chịu cuộc sống đói nghèo. Chính điều đó đã giúp Láo Vàng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Phìn Ngan.

Đặc điểm địa hình núi cao, gây ra khá nhiều khó khăn nhưng cũng giúp nơi đây có được nguồn tài nguyên nước sạch từ rừng già để phát triển nuôi cá nước lạnh. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư đào ao, dẫn nước từ đầu nguồn suối về nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Khi bắt đầu mô hình nuôi cá, người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ những lời điều tiếng “nuôi cá như này chỉ đổ công, đổ tiền xuống suối thôi”; hay mua nhầm phải giống cá không đảm bảo gây thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng nhưng đồng bào người Dao vẫn quyết tâm thực hiện mô hình nuôi cá nước lạnh và đã có những thu hoạch đáng kể. 

Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 người dân Láo Vàng đã đồng thời chú trọng phát triển nông nghiệp, nhằm giảm bớt ảnh hưởng do giá cá bị sụt giảm và giữ ổn định nguồn lương thực.

Mô hình nuôi cá nước lạnh tại Láo Vàng - Nguồn sưu tầm

Ngoài ra, nông nghiệp cũng được địa phương chú trọng phát triển, có hộ thu hoạch 4-5 tấn thóc mỗi năm, ngô lúa sau mỗi vụ thu hoạch xếp đầy nhà. Thêm vào đó, Láo Vàng còn có thế mạnh chăn nuôi gia súc, trung bình mỗi hộ có 2 con trâu, bò. Khi huyện Bát Xát triển khai dự án nuôi ngựa theo mô hình bán chăn thả (ngựa là loài chịu lạnh tốt, ít bệnh tật, sinh sản nhanh, phù hợp với khí hậu ở Láo Vàng), nhiều hộ đã đăng ký vay tiền mua ngựa, nâng tổng số ngựa của thôn lên 26 con. Hiện, bà con đang trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn ổn định cho đàn trâu, ngựa. 

Song song với phát triển kinh tế, Láo Vàng cũng quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữ hệ thống đường giao thông, hứa hẹn sẽ không còn là thôn cụt và góp phần tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hoá của đồng bào Láo Vàng thuận lợi, dễ dàng hơn. Từ thôn nhìn xuống phía dưới là hồ thủy điện Láo Vàng, nước trong xanh như ngọc, núi rừng hùng vĩ bao quanh, những thửa ruộng bậc thang xếp chồng kéo dài như dải lụa, nhìn đẹp chẳng khác gì Séo Mý Tỷ của Sa Pa. Sau khi tuyến đường nối từ xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa) và xã Pa Cheo sang đây hoàn thành, Láo Vàng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch với hình thức mở homestay đón du khách tới tham quan, trải nghiệm. Với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, cùng bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của người Dao Đỏ, Láo Vàng chắc chắn sẽ trở thành điểm đến thu hút mọi du khách./.